Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có bình thường?

Trẻ sơ sinh thích sử dụng miệng của mình theo nhiều cách. Khi nhận thấy trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng, cha mẹ có thể tự hỏi liệu đây có phải là hành vi bình thường hay không. Câu trả lời ngắn gọn là có; trẻ sơ sinh hay lè lưỡi là một hành vi hoàn toàn bình thường ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là một số tín hiệu trẻ muốn thể hiện hay một bệnh lý tiềm ẩn.

1. Trẻ sơ sinh thè lưỡi

Trẻ sơ sinh khi sinh ra đã có phản xạ bú và bản năng bú rất mạnh. Một phần của phản xạ này là phản xạ thè lưỡi, trong đó trẻ thè lưỡi ra ngoài để tránh bị sặc và ngậm núm vú.

Bên cạnh đó, học cách dùng miệng cũng là bước trẻ sơ sinh trải nghiệm thế giới đầu tiên. Vì vậy, trẻ sơ sinh thè lưỡi là điều rất bình thường, một phần của bản năng kiếm ăn và khám phá thế giới mới xung quanh. Một phần của hành vi này là bé nhận thấy cảm giác của chính đôi môi của mình.

Các lý do khiến trẻ sơ sinh hay lè lưỡi

  • Bắt chước: Một nghiên cứu đã báo cáo rằng trẻ nhỏ khoảng vài tuần tuổi đã biết bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt của người lớn, bao gồm cả việc thè lưỡi.
  • Một thói quen: Phản xạ đẩy lưỡi ở trẻ sơ sinh bao gồm thè lưỡi ra ngoài giúp tạo điều kiện cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Trẻ đến 4 đến 6 tháng tuổi sẽ hết lè lưỡi, một số trẻ vẫn tiếp tục thè lưỡi do thói quen.
  • Đang đói hay no: Khóc không phải là cách duy nhất mà trẻ sơ sinh giao tiếp rằng chúng đang đói. Theo đó, các dấu hiệu ban đầu của cảm giác đói có thể bao gồm nắm chặt tay, đưa tay vào miệng, quay về phía vú hoặc chai và vỗ hoặc liếm môi. Vì vậy, thè lưỡi ra ngoài có thể là một phần của dấu hiệu đói của trẻ. Tuy nhiên, đôi khi trẻ sơ sinh thè lưỡi cả khi bú no. Các dấu hiệu no khác có thể bao gồm quay đầu đi, khạc ra thức ăn hoặc sữa hay chỉ đơn giản là không chịu bú hoặc ăn.
  • Kích thước lưỡi lớn: Nếu trẻ có lưỡi lớn hơn bình thường, trẻ có thể thè lưỡi nhiều lần trong ngày. Đây là một bệnh lý do di truyền hoặc sự phát triển bất thường của mạch máu hay các cơ ở lưỡi cũng như các khối u trong vòm miệng. Hơn nữa, lưỡi lớn cũng được quan tâm như một biểu hiện của suy giáp, hội chứng Down.
  • Kích thước miệng nhỏ: Có một số hội chứng hoặc tình trạng có thể khiến trẻ có miệng nhỏ hơn mức trung bình. Một ví dụ là hội chứng hàm nhỏ, có thể là di truyền hoặc là một phần của chứng sứt môi hoặc hở hàm ếch.
  • Giảm trương lực cơ: Vì lưỡi là một nhóm cơ và được điều khiển bởi các cơ khác trong miệng, nên giảm trương lực cơ có thể khiến lưỡi của trẻ thè ra ngoài nhiều hơn bình thường.
  • Thở bằng miệng: Nếu bị nghẹt mũi hoặc viêm amidan, viêm VA, bé có thể thở bằng miệng thay vì các trẻ sơ sinh thường thở bằng mũi nên trẻ hay thè lưỡi ra ngoài.
  • Đầy hơi: Một số trẻ sơ sinh thè lưỡi khi cảm thấy đau bụng do đầy hơi. Trẻ phản ứng với cảm giác này nhiều hơn những trẻ khác, có thể khóc, nhăn mặt, thè lưỡi hoặc thậm chí mỉm cười khi trung tiện hay đại tiện được để giảm đau bụng.
  • Chưa sẵn sàng cho thức ăn đặc: Một số trẻ sơ sinh dễ dàng làm quen với thức ăn rắn, trong khi những trẻ khác không thích và cần làm quen thêm một thời gian nữa. Nếu trẻ chưa sẵn sàng, trẻ có thể thè lưỡi để đẩy thức ăn ra xa hoặc đưa thức ăn ra khỏi miệng. Lúc này, cha mẹ có lẽ nên dừng lại và thử lại sau một hoặc hai tuần.

2. Trẻ sơ sinh nhai miệng

Hành vi trẻ sơ sinh nhai miệng chắc chắn có vẻ hơi kỳ quặc nhưng lại thực sự rất phổ biến. Trong hầu hết thời gian, trẻ sơ sinh nhai miệng hoàn toàn bình thường có tính phản xạ hoặc là dấu hiệu của sự phát triển tự nhiên.

Tuy nhiên, có một số tình huống mà bản thân việc nhai lưỡi có thể là một vấn đề hoặc báo hiệu một mối lo ngại khác, vì vậy, cha mẹ nên theo dõi hành vi của bé và liên hệ với bác sĩ sớm nếu nghi ngờ bất thường.

Các lý do khiến trẻ sơ sinh nhai miệng:

  • Được kích hoạt bởi phản xạ mút: Trẻ sơ sinh nhai miệng thường là một kiểu hành động mút tay như ở trẻ lớn hơn. Đây là cách duy nhất để trẻ có thể cảm nhận được thức ăn, vốn là do bản năng bú rất mạnh ở trẻ nhỏ, và sẽ tận dụng cơ hội để ngậm lấy hầu hết mọi thứ gần miệng, kể cả lưỡi của chính mình.
  • Dấu hiệu đói: Một số trẻ có phản xạ thè lưỡi khi đến giờ bú trong khi một trẻ khác có thể bắt đầu với chuyển động nhai. Vì vậy, nếu thấy trẻ sơ sinh nhai miệng, cha mẹ cần chú ý trẻ đã sẵn sàng ăn.
  • Tập chơi: Bản chất em bé là một nhà thám hiểm. Khi nhận thức được rằng mình có một đồ vật có thể di chuyển được trong miệng, nhiều em bé sẽ thích dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem đồ chơi mới này có tác dụng gì bằng cách nhai chúng.
  • Có thể ăn thức ăn đặc: Trẻ biết cách quan sát phản ứng của người lớn khi đưa thức ăn vào miệng là nhai miệng, thậm chí còn đòi thức ăn, là một trong các dấu hiệu báo cho cha mẹ biết trẻ đã có thể chuyển sang chế độ ăn dặm.
  • Mọc răng: Một số trẻ nhận thấy rằng tạo áp lực lên nướu bị đau do mọc răng bằng cách nhai chúng sẽ đạt hiệu quả giảm đau đáng kể. Vì vậy, trẻ đang mọc răng thường sẽ nhai bất cứ thứ gì có thể đưa vào miệng. Tuy nhiên, vì lưỡi là một mục tiêu dễ dàng, trẻ sơ sinh nhai miệng là điều thường xuyên xảy ra.

Tóm lại, trẻ em đôi khi thích làm những điều kỳ lạ nhưng trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng quá thường xuyên sẽ khiến cho cha mẹ lo lắng. Trong khi đây là chủ yếu những phản xạ bình thường với những lý do nêu trên, cha mẹ cũng nên tìm kiếm những nguyên nhân tiềm ẩn khác để đưa trẻ đi kiểm tra kịp thời, đặc biệt là nếu đi kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bỏ ăn, bú ít, khò khè, thở nhanh hay quấy khóc liên tục và không chịu ngủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

177.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan