Làm gì với kết quả siêu âm thai nhi bị hở hàm ếch?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh có thể phát hiện được nhờ siêu âm thai, có thể có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và tình trạng này hoàn toàn có thể được điều trị nhờ phẫu thuật. Khi tầm soát dị tật phát hiện thai bị hở hàm ếch cha mẹ thường mang tâm lý lo lắng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi trong bụng, vậy cha mẹ cần làm gì đúng đắn nhất khi phát hiện tình trạng này?

1. Phát hiện hở hàm ếch thai nhi

Trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi thì môi được hình thành vào khoảng giữa tuần lễ thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ, hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 và tuần thứ 8. Những yếu tố tác động vào thời gian này làm tăng nguy cơ hình thành dị tật sứt môi, hở hàm ếch như nhiễm một số loại virus, sử dụng nhiều rượu, thuốc lá, quá liều vitamin A......

Siêu âm có thể phát hiện dị tật hở hàm ếch ở tuần thứ 20 trở đi, ngoài ra còn phát hiện được một số dị tật khác như não úng thủy, bất sản thận, hẹp tá tràng...

Hở hàm ếch
Hình ảnh siêu âm thai nhi bị hở hàm ếch

2. Làm gì khi phát hiện thai bị hở hàm ếch?

Khi phát hiện hình ảnh siêu âm thai nhi bị hở hàm ếch, cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Nếu là sứt môi, hở hàm ếch đơn thuần thì không cần quá lo lắng, vì có thể điều trị bằng phẫu thuật.
  • Có nhiều trường hợp không chỉ bị hở hàm ếch mà còn phối hợp nhiều dị tật nguy hiểm khác như hội chứng Down, tim bẩm sinh...Nên khi phát hiện cần đến các cơ sở chăm sóc trước sinh để được tư vấn, làm các xét nghiệm sàng lọc các dị tật nguy hiểm khác.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng trong suốt quá trình mang thai. Tránh những thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Đảm bảo dinh dưỡng rất quan trọng, tuy không thay đổi được bản chất dị tật nhưng là một cách giúp trẻ phát triển tốt từ trong bụng mẹ, giúp cho quá trình chăm sóc sau sinh và trước khi phẫu thuật dễ dàng hơn.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường nguy cơ ô nhiễm, các chất phóng xạ, không uống rượu và hút thuốc lá.
  • Khi bị hở hàm ếch trẻ hoàn toàn có thể lớn lên khỏe mạnh như những trẻ bình thường khác, nên khi phát hiện thai nhi mang dị tật bẩm sinh này gia đình không nên mang tâm lý quá căng thẳng, nhất là mẹ bầu ảnh hưởng không tốt đến quá trình mang thai.
  • Nên tập một số bài tập thể dục giúp giảm bớt căng thẳng như đi bộ nhẹ nhàng, yoga, dưỡng sinh...
Bà bầu tập yoga
Mẹ bầu nên tập một số bài tập thể dục giúp giảm bớt căng thẳng như đi bộ nhẹ nhàng, yoga, dưỡng sinh..

  • Chuẩn bị kiến thức chăm sóc trẻ bị hở hàm ếch sau sinh:

Cách cho trẻ ăn: Trước khi phẫu thuật vấn đề khó khăn nhất là cho con bú. Hầu hết các trẻ khe hở môi vòm miệng đều không bú mẹ được và cũng không bú được bằng bình thông thường. Do đó bố mẹ cần chuẩn bị cho trẻ cần bình sữa chuyên dụng dành cho trẻ hở hàm ếch, sữa cho trẻ mẹ có thể vắt ra rồi cho trẻ bú bình hay sử dụng sữa công thức nếu không đủ sữa mẹ hoặc có vấn đề bệnh lý không thể cho trẻ dùng sữa mẹ. Các mẹ cần lưu ý là trẻ hở hàm ếch sẽ mất nhiều thời gian hơn và mất sức hơn để đạt được cùng một lượng sữa so với trẻ bình thường. Số lần mẹ cho bé ăn cần nhiều hơn, thời gian cho một lần không quá dài (nên dưới 15 phút) để tránh làm bé quá mệt.

Chăm sóc phòng bệnh: Trẻ khi bị hở hàm ếch có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp trên, viêm tai giữa cao hơn, nên bố mẹ cần chú ý vệ sinh mũi và miệng cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Thường xuyên theo dõi thai kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khi sinh trẻ thường khuyến khích sử dụng một số dụng cụ giúp cho việc phẫu thuật sau này và việc ăn uống dễ dàng hơn. Khoảng từ tháng thứ 3-6, trẻ đạt trên 6kg, sức khỏe tốt là thời điểm phù hợp để phẫu thuật đối với khe hở môi. Còn đối với khe hở vòm miệng thời điểm phẫu thuật phù hợp là khi trẻ từ 12-18 tháng tuổi, trước khi trẻ học nói và đạt trên 10kg.

Sau khi phẫu thuật trẻ được tập khả năng phát âm, giúp trẻ phát âm chuẩn hơn, dễ dàng hòa nhập xã hội. Cha mẹ cần chuẩn bị kiến thức và thường xuyên động viên trẻ.

Khi siêu âm thai bị hở hàm ếch việc quan trọng là cần tiến hành một số xét nghiệm sàng lọc khác và theo dõi thai thường giúp phát hiện các dị tật khác nguy hiểm có thể đi kèm với hở hàm ếch. Nếu thai bị hở hàm ếch đơn thuần gia đình không nên quá lo lắng vì trẻ có thể khỏi nhờ phẫu thuật, điều bố mẹ cần làm là giữ tâm lý thoải mái, chuẩn bị kiến thức chăm sóc trẻ sau sinh và trước khi phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan