F0 điều trị tại nhà cần làm gì?

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 21/8, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà . Các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc cách ly F0 tại nhà có thể dễ dàng hơn so với cách ly F1 bởi F0 đã lộ rõ bệnh lý, mức cảnh giác cao hơn và chủ động hơn trong giám sát, xét nghiệm. Vậy F0 như thế nào thì được cách ly tại nhà và cần làm gì trong quá trình cách ly?

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Ngọc Bách, Bác sĩ Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1. Chăm sóc F0 cách ly tại nhà

Các trường hợp F0 sau 10 ngày được điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR, nếu kết quả âm tính sẽ được chuyển cách ly tại nhà. Ngoài ra, với những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT lớn hơn hoặc bằng 30) cũng có thể đưa về nhà theo dõi điều trị bởi khả năng lây nhiễm với những người xung quanh là rất thấp.

Các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định. Cụ thể, F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ, không viêm phổi, có khả năng tự chăm sóc bản thân, được điều trị tại nhà, trừ trẻ dưới 1 tuổi, người trên 50 tuổi và phụ nữ mang thai. Trước khi về nhà các bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ: khám và xét nghiệm.

2. 5 bước giúp F0 tự chăm sóc tại nhà

Theo hướng dẫn của bộ y tế, 5 bước cơ bản để F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân cần phải làm khi điều trị tại nhà gồm có:

2.1 Theo dõi và xác định các dấu hiệu của bệnh

Các biểu hiện của F0 triệu chứng nhẹ thường thấy như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi...Bệnh nhân cần được xác định không có dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, thở khò khè..., vẫn có khả năng đi lại, ăn uống, sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân mà hầu như không cần hoặc chỉ cần người thân hỗ trợ cung cấp thực phẩm trong thời gian tự cách ly. Khuyến cáo theo dõi nồng độ oxy máu tại nhà bằng SpO2 kết hợp có nhân viên y tế tư vấn từ xa hàng ngày.

Đã mắc covid rồi có nguy cơ mắc nữa không?
Các biểu hiện của F0 triệu chứng nhẹ thường thấy như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi

2.2 Thực hiện cách ly đúng, tự nâng cao sức đề kháng của bản thân bằng nhiều phương pháp

Người bệnh F0 cách ly và điều trị tại nhà cần tự theo dõi sức khỏe, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế, khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc như hạ sốt, các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, các loại multivitamin, uống nhiều nước và uống nước nhiều lần trong ngày, không đợi đến khi khát mới uống, để đảm bảo độ ẩm cho hệ thống hô hấp. Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, để tình trạng bệnh không nặng thêm.

Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ phù hợp với tình trạng sức khỏe; tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày

Trong trường hợp bị sốt, F0 là người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên. Uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Trẻ em sốt trên 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

2.3 Có ý thức bảo vệ những người thân trong gia đình

F0 khi cách ly tại nhà là tuyệt đối không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép. Người cách ly phải ở một phòng riêng biệt, nếu là nhà tầng nên ưu tiên ở các tầng trên cao, mở cửa sổ cho thông thoáng để ánh nắng vào phòng.

F0 cần mang khẩu trang và mặt nạ chắn giọt bắn (nếu có) khi tiếp xúc với người nhà, tuân thủ cách 2m, sát khuẩn tay thường xuyên và giữ khoảng cách với tất cả mọi người. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bằng cách sử dụng nước muối súc miệng, xịt mũi...

2.4 Đo nồng độ Oxy 3 lần/ ngày hoặc theo hướng dẫn

Nếu người bệnh có máy đo nồng độ oxy (SpO2), thực hiện đo theo hướng dẫn ít nhất 3 lần mỗi ngày. Nếu nồng độ oxy trên 94%, cần tiếp tục theo dõi và thực hiện các phương pháp điều trị theo hướng dẫn.

Trường hợp nồng độ oxy dưới mức 94%, cần gọi ngay cho nhân viên y tế và thực hiện uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2.5 Giữ liên lạc thường xuyên với các cơ sở y tế

Người bệnh khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu bất thường như không thể hạ sốt, khó thở tăng nặng, mệt mỏi, lờ đờ, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, nồng độ oxy trong máu xuống dưới mức an toàn... phải báo cáo ngay cơ sở quản lý, trạm y tế xã, phường... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Tự bảo vệ bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng mà mỗi cá nhân cần thực hiện để cả nước sớm vượt qua giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng này. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên đây, không chỉ những gia đình có F0 cách ly tại nhà mà tất cả chúng ta đều có những kiến thức cần thiết để phòng tránh cho bản thân và gia đình trước những diễn biến khó lường của virus COVID-19.

Please dial HOTLINE for more information or register for an appointment HERE. Download MyVinmec app to make appointments faster and to manage your bookings easily.

32.4K

Relating articles