Nhiễm Clostridial trong ổ bụng

Clostridial là trực khuẩn gram dương có mặt trong bụi đất, cây cỏ và trong đường tiêu hóa của động vật có vú. Khi vào trong đường tiêu hóa Clostridial tạo ra các ngoại độc tố phá hủy mô và thần kinh gây ra các nhiễm khuẩn tại ổ bụng và toàn thân.

1. Clostridial là vi khuẩn gì?

Clostridial hay Clostridium difficile (C. difficile) là vi khuẩn có ở đường tiêu hóa của người lớn khỏe mạnh (3%) và từng được cho là chủng vi sinh vật nằm trong hệ khuẩn chí bình thường của đường ruột. Với sự ra đời và phát triển của kháng sinh, tỷ lệ nhiễm khuẩn do Clostridial tăng đáng kể, trở thành một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn bệnh viện quan trọng nhất hiện nay.

Clostridial là vi khuẩn gram dương, kỵ khí bắt buộc, sinh nha bào, gây bệnh bằng ngoại độc tố. Trong tự nhiên, C. difficile tồn tại ở 2 dạng là dạng nha bào không hoạt động không chịu tác động của kháng sinh và dạng hoạt động chỉ tồn tại trong đại tràng người và một số động vật, có thể gây bệnh và chịu tác động của kháng sinh.

Vi khuẩn lây truyền qua nha bào ở đường tiêu hóa. Sau khi vào dạ dày, các nha bào nảy mầm, chuyển sang dạng hoạt động dưới tác động của acid mật. Độc tố của Clostridial có thể gây tiêu chảy từ nhẹ đến nặng, viêm đại tràng giả mạc, phình đại tràng nhiễm độc, nặng nề hơn có thể gây tử vong.

Cùng với sự phát triển và lạm dụng kháng sinh, các chủng mới của vi khuẩn Clostridial ngày càng gia tăng về số lượng, khả năng lây nhiễm và độc tính cho cơ thể. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn bao gồm: sử dụng kháng sinh, tuổi cao, nhập viện và một số bệnh lý suy giảm miễn dịch.

Hai bệnh lý thường gặp và nguy hiểm do Clostridial gây ra là viêm đại tràng giả mạc và viêm ruột hoại tử.

2. Tiêu chảy do nhiễm Clostridial (Viêm đại tràng giả mạc)

Sau khi sử dụng kháng sinh (đặc biệt là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, penicillin, clindamycin), bệnh nhân nhập viện dài ngày, hóa trị trong điều trị ung thư,... sẽ làm các chủng vi khuẩn Clostridial tăng sinh mạnh mẽ trong ống tiêu hóa. Độc tố của vi khuẩn tác động chủ yếu ở đại tràng hình thành các màng giả, làm đại tràng bài tiết dịch màu trắng hơi ngả vàng có thể bong tróc ra dễ dàng. Các mảng này có thể liên kết lại với nhau trong những trường hợp nặng.

Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu phân sệt, tiêu chảy nhiều lần toàn nước, có thể đi cầu phân máu, hiếm khi gây nhiễm trùng huyết và đau bụng cấp (bụng ngoại khoa).

Trong trường hợp này, người bệnh được chỉ định cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh. Phương pháp điều trị là chỉ định kê đơn thuốc Metronidazol 250mg/ lần x 4 lần/ ngày hoặc Vancomycin 125mg/ lần x 4 lần/ ngày. Dùng thuốc trong 10 ngày, nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc tái phát có thể điều trị đến 21 ngày.

3. Viêm ruột hoại tử do nhiễm trùng Clostridial

Nhiễm khuẩn các chủng gây độc tố của Clostridial, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt protein , tổn thương mạch máu tại chỗ,... là nguyên nhân thường gặp gây ra viêm ruột hoại tử. Ngoài ra, các trường hợp bị nhiễm giun đũa, ăn uống không hợp vệ sinh, ăn kiêng bằng khoai lang, nhiễm ký sinh trùng Ascaris,... làm ức chế men trypsin của dạ dày (men có thể kháng độc tố của Clostridial) cũng gây viêm hoại tử ruột.

Một số triệu chứng của viêm ruột hoại tử gồm: Đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, sốt, đi cầu phân có lẫn máu, nôn, buồn nôn, có thể chướng bụng do ruột bị tắc, biểu hiện của sốc do hoại tử gây thủng đường tiêu hóa.

Để chẩn đoán ổ hoại tử, bác sĩ sẽ chỉ định: Cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh; các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, nội soi ổ bụng,...

Điều trị chứng bệnh này bằng cách sử dụng kháng sinh, bổ sung điện giải qua đường tĩnh mạch. Nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa, xảy ra các biến chứng thủng ruột, tắc ruột hay viêm phúc mạc,... cần phẫu thuật cắt bỏ phần ruột hoại tử sớm.

4. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm Clostridial trong ổ bụng

  • Vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, xử lý rác thải an toàn để tiêu diệt các nha bào của vi khuẩn.
  • Vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, hạn chế đồ ăn sống, hạn chế các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn.
  • Rửa tay trước khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tránh kiêng khem hoặc ăn cố định một loại thực phẩm.
  • Tập luyện, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Tóm lại, Clostridial là một loại vi khuẩn có mặt trong môi trường sống và đường tiêu hóa. Trong điều kiện bình thường vi khuẩn không gây bệnh, nhưng khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, sử dụng kháng sinh dài ngày, phải nhập viện điều trị hoặc do chế độ ăn không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh sẽ làm vi khuẩn tăng sinh, sản xuất ra các độc tố gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng cho cơ thể. Vì vậy, vệ sinh ăn uống và nâng cao thể trạng của cơ thể là việc làm cần thiết để phòng nhiễm khuẩn Clostridial.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

134 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan