Dấu hiệu đứt dây chằng khuỷu tay
Khớp khuỷu tay rất dễ bị tổn thương do thường xuyên phải chịu các lực cơ học tác động. Chấn thương dẫn đến gãy xương, bong gân, đứt gân, đứt dây chằng khuỷu tay là nguyên nhân phổ biến nhất làm đau khớp khuỷu tay. Đau khớp khuỷu tay gây ra nhiều khó khăn trong vận động, ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
1. Nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay
Đau khớp khuỷu tay có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó đau khuỷu tay sau ngã hoặc chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất. Cơ chế gây đau khớp khuỷu tay chủ yếu là do viêm khớp, bong gân, rách hay đứt dây chằng khuỷu tay hoặc giãn các gân cơ duỗi tại chỗ bám ở mỏm trên lồi cầu ngoài của xương cánh tay.
Các yếu tố nguy cơ bị đau khớp khuỷu tay bao gồm:
- Thực hiện động tác ở tay lặp đi lặp lại, dẫn đến viêm gân ở lồi cầu ngoài xương cánh tay, lâu dần làm tổn thương khớp gây ra đau khớp khuỷu tay.
- Một số môn thể thao dùng sức mạnh có nguy cơ dẫn đến đau khớp khuỷu tay như: chơi ném bóng chày, chơi tennis (khi chơi vận động sai kỹ thuật hoặc sử dụng cánh tay quá mức), chơi golf (các động tác như ném hay đánh bóng nếu thực hiện không đúng kỹ thuật có thể làm cho người chơi bị đau khớp khuỷu tay), tập tạ, võ sĩ quyền anh.
- Những nghề yêu cầu vận động khớp khuỷu tay nhiều ví dụ như nhân viên văn phòng, thợ điện nước, thợ mộc, đầu bếp, họa sĩ,...
- Do tác động của phẫu thuật hoặc chấn thương mô mềm dẫn tới hình thành mô sẹo dính ở khớp.
2. Nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay cấp tính
Đa số các nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay cấp tính là do tổn thương các mô mềm, các gân hoặc dây chằng, mà chủ yếu là hậu quả của chấn thương. Chấn thương khớp khuỷu tay thường xảy ra sau khi té ngã, khi làm việc hoặc trong tập luyện thể thao. Trẻ em có nhiều khả năng bị đau khuỷu tay sau ngã trong quá trình chơi thể thao. Trong khi đó, người lớn tuổi dễ bị đau khớp khuỷu tay là do tình trạng loãng xương, té ngã vì giảm khả năng giữ thăng bằng và tầm nhìn hạn chế.
Chấn thương khớp khuỷu tay cấp tính có thể gây đau dữ dội, bầm tím và sưng ngay sau khi bị thương. Một số chấn thương cấp tính thường gặp bao gồm:
- Bong gân: Là tổn thương gân hoặc dây chằng ở khuỷu tay, làm dây chằng bị kéo dãn, rách hoặc đứt dây chằng khuỷu tay. Tổn thương dây chằng có thể được phân thành 3 cấp độ. Độ 1 là tổn thương tối thiểu (các sợi dây chằng bị kéo căng nhưng còn hình dạng nguyên vẹn hoặc chỉ bị đứt một vài sợi). Độ 2 là tổn thương một phần (một số sợi cho đến hầu hết các sợi dây chằng đều bị rách). Độ 3 là tổn thương hoàn toàn (tất cả các sợi dây chằng đều bị đứt);
- Căng cơ: Các cơ ở khuỷu bị căng quá mức;
- Rách cơ khuỷu tay;
- Gãy xương ở khuỷu tay; viêm khớp, bong gân,
- Trật khớp: tình trạng vị trí của khớp nối các xương ở tư thế bất thường.
- Viêm khớp khuỷu tay (khớp khuỷu tay bị sưng và đau) không xảy ra thường xuyên trừ khi bị chấn thương trước đó, ví dụ như gãy xương.
3. Nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay mạn tính
Chấn thương gây đau khớp khuỷu tay mãn tính có thể xảy ra khi lặp đi lặp lại các động tác liên quan đến khuỷu tay sau một thời gian dài. Các chấn thương khớp khuỷu tay mạn tính thường gặp bao gồm:
- Viêm gân khuỷu tay (bệnh khuỷu tay của người đánh golf): Là tình trạng viêm các dây chằng giữ khớp khuỷu tay. Triệu chứng thường gặp là đau khuỷu tay, cơn đau có thể tồi tệ hơn khi vận động khớp khuỷu tay. Ngoài ra có thể kèm các triệu chứng khác như cứng và yếu khuỷu tay.
- Viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu (bao hoạt dịch nằm ở vị trí mặt sau của khớp khuỷu tay): Do chấn thương trực tiếp hoặc cử động khớp lặp đi lặp lại nhiều lần. Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch bao gồm đau ở khuỷu tay khi sờ nắn hoặc cử động, khớp khuỷu có thể cứng, sưng và đỏ.
- Dây thần kinh ở gần khớp khuỷu tay bị chèn ép do chuyển động lặp đi lặp lại.
- Các bệnh lý cơ xương khớp mạn tính khác như viêm khớp dạng thấp, viêm dây thần kinh cánh tay cũng dẫn tới tình trạng đau khớp khuỷu tay.
4. Dấu hiệu đứt dây chằng khuỷu tay
Đau khớp khuỷu tay nói chung và tình trạng đứt dây chằng khuỷu tay nói riêng sẽ có những dấu hiệu sau:
- Đau khuỷu tay: có tính chất đau nhói, đau tăng lên khi cử động khuỷu tay hoặc chạm vào bất cứ chỗ nào xung quanh vị trí tổn thương đều gây đau, đặc biệt là khi ấn vào chỗ bám dây chằng. Tuy nhiên, nếu có sự gia tăng đáng kể mức độ đau khi ấn vào một vùng khu trú (gọi là điểm đau) gợi ý đến gãy xương hoặc bong gân. Nếu rách hoàn toàn cơ hoặc gân, có thể sờ thấy rõ một vùng khuyết ở cấu trúc bị ảnh hưởng;
- Sưng, nóng rát và đỏ xung quanh khớp khuỷu tay, xuất hiện một vài giờ sau chấn thương thường gợi ý có tổn thương đáng kể cơ xương khớp. Tuy nhiên nếu sưng khớp không xuất hiện trong thời gian này thường sẽ không nghĩ tới có đứt dây chằng khuỷu tay. Sưng và đau khuỷu tay làm hạn chế vận động khớp khuỷu, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi nắm chặt đồ vật, nâng vật hay thậm chí là làm những việc đơn giản như đánh răng, viết chữ,...;
- Biến dạng khớp gợi ý đến trật khớp, bán trật khớp hoặc gãy xương;
- Mất vững khớp nhiều gợi ý đứt dây chằng khuỷu tay rất nặng;
- Test áp lực (stress) dùng để đánh giá độ vững của khớp bị tổn thương, tuy nhiên không được thực hiện nghiệm pháp này nếu nghi ngờ có gãy xương cho đến khi loại trừ được gãy xương trên phim X-quang. Test áp lực bằng cách vận động khớp khuỷu thụ động theo hướng vuông góc với cử động bình thường. Bởi vì sự cơ co trong các chấn thương gây đau khớp cấp tính có thể làm che lấp sự mất vững khớp, nên các cơ xung quanh cần giãn càng nhiều càng tốt. Nếu đã sử dụng thuốc gây tê hoặc thuốc giảm đau mà còn co cơ nhiều thì nên khám lại vài ngày sau đó, khi mà cơ bớt co.
5. Hình ảnh học chẩn đoán đứt dây chằng khớp khuỷu
Không phải tất cả các tổn thương khớp đều cần đến hình ảnh học chẩn đoán nhưng nếu cần thì X – quang là phương tiện hình ảnh thường được ưu tiên thực hiện.
- Chụp X-quang xương khớp chủ yếu để đánh giá gãy xương, kiểm tra trật khớp và gián tiếp thấy được tràn dịch khớp do chảy máu hoặc có vỡ xương nhưng bị che khuất. Chụp X-quang khớp thường không thấy được các dấu hiệu trực tiếp của đứt dây chằng khuỷu tay nhưng các bất thường tương quan giải phẫu sẽ giúp gợi ý đứt dây chằng khớp khuỷu hoặc tổn thương phần mềm khác. Để đánh giá khớp, cần chụp phim X-quang theo ít nhất 2 hướng ở hai mặt phẳng khác nhau (thường là hướng bên và hướng trước sau). Các hướng khác (ví dụ như hướng nghiêng) có thể thực hiện khi cần đánh giá mắt cá chân hoặc nếu nghĩ nhiều tới gãy xương nhưng hình ảnh ở cả 2 hướng trên đều âm tính.
- MRI khớp được thực hiện giúp xác định các tổn thương phần mềm như dây chằng, sụn, gân và các tổn thương cơ. Cả MRI và CT – Scan đều có thể thực hiện để kiểm tra những đường vỡ khó phát hiện.
6. Điều trị đứt dây chằng khuỷu tay
Phương pháp điều trị đứt dây chằng khuỷu tay bao gồm:
- Dùng thuốc giảm đau (paracetamol, NSAIDs, opioid) càng sớm càng tốt
- Sau khi xử trí ban đầu các chấn thương, thương tổn mô mềm cần được điều trị triệu chứng và bất động chi.
- Hầu hết các tổn thương khớp và dây chằng mức độ trung bình đến nặng, đặc biệt tổn thương gây mất vững hoàn toàn, cần được cố định bằng nẹp ngay lập tức (cố định bằng thiết bị không hình vòng tròn hoặc không cứng) để giảm đau, tạo điều kiện phục hồi nhanh hơn và tránh làm tổn thương thêm mô khác do sự mất vững của khớp.
- Nguyên tắc cố định khớp khi bị đứt dây chằng như sau: Đứt dây chằng độ 1 chỉ cần cố định trong một thời gian ngắn, cho vận động sớm là tốt nhất. Đứt dây chằng độ 2 nhẹ thường dùng băng treo hoặc nẹp để cố định trong vài ngày. Đứt dây chằng độ 2 nặng và một số trường hợp đứt độ 3 hoặc rách gân được cố định trong vài ngày đến vài tuần, đôi khi cần phải bó bột. Đứt dây chằng độ 3 hoặc đứt gân cần phải phẫu thuật sửa chữa; cố định thường chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Đau khớp khuỷu tay hoặc đứt dây chằng khuỷu tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây đau đớn, khó chịu, hạn chế vận động, ảnh hưởng nặng nề tới công việc và cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh thì cần đi khám ngay để được tư vấn cách điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.