Sau điều trị gãy xương đòn có làm việc nặng được không?
Gãy xương đòn là một chấn thương thường xảy ra do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông. Thông thường việc điều trị gãy xương đòn vai có 2 phương pháp chính là phẫu thuật và điều trị bảo tồn. Vậy sau điều trị gãy xương đòn có làm việc nặng được không?
1. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?
Khi bị gãy xương đòn, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bảo tồn hoặc điều trị phẫu thuật dựa vào mức độ của chấn thương.
- Điều trị bảo tồn
Xu hướng hiện nay trong điều trị gãy xương đòn là điều trị bảo tồn bằng cách mang đai số 8. Đây là phương pháp đơn giản, thực hiện nhẹ nhàng, dễ chịu hơn cho người bệnh so với phương pháp bó bột trước kia. Khi được mang đai số 8, phần khớp vai, cánh tay, cẳng tay của người bệnh sẽ được giữ cố định vào thân.
Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong những trường hợp gãy xương đơn giản, người bệnh cao tuổi, bị loãng xương hoặc không đủ điều kiện sức khỏe để trải qua phẫu thuật. Trường hợp người bệnh không đồng ý phẫu thuật, quan ngại về vấn đề có sẹo mổ hoặc không muốn phải nhập viện phẫu thuật cũng sẽ được cân nhắc điều trị bảo tồn.
- Điều trị phẫu thuật
Mặc dù điều trị bảo tồn có nhiều ưu điểm cũng như được bệnh nhân ưa thích hơn thì trong một số trường hợp gãy xương đòn bắt buộc phải chỉ định phẫu thuật để điều trị. Đó là khi xương đòn bị gãy, đầu ổ gãy làm tổn thương các dây thần kinh, mạch máu gần đó hoặc xương đâm vào gây thủng màng phổi. Trường hợp bệnh nhân đang được điều trị bảo tồn, nhưng xuất hiện các mảnh gãy gây nguy cơ chọc thủng hoặc thủng da cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Bên cạnh đó, trong trường hợp gãy xương đòn hở, có các vết thương ngoài da xuyên thẳng vào ổ gãy thì sẽ được phẫu thuật để kết hợp xương. Nhu cầu thẩm mỹ cũng là một nguyên nhân người bệnh lựa chọn phương pháp phẫu thuật. Trong quá trình liền xương khi điều trị bảo tồn, do không được nén ép và giữ cố định bởi nẹp vít nên khi xương liền có thể bị biến dạng sẽ để lại một khối gồ ghề ngay dưới da, làm mất thẩm mỹ.
2. Sau điều trị gãy xương đòn có làm việc nặng được không?
Thông thường sau khi điều trị gãy xương đòn được khoảng 2 - 3 tháng, người bệnh sẽ bước vào quá trình phục hồi chức năng ở vùng khớp vai vì trong quá trình cố định đã làm cứng khớp, giảm vận động khớp vai. Bệnh nhân sẽ tập các bài tập phục hồi chức năng khớp vai trong 4 - 6 tuần để giúp khớp hoạt động linh hoạt trở lại, thực hiện được tất cả các chức năng, hỗ trợ tăng sức cho các cơ quanh khớp và các góc mở khớp không bị hạn chế.
Việc vận động trở lại của người bệnh cũng sẽ được thực hiện từ từ sau quá trình phục hồi khoảng 2 đến 4 tuần, bắt đầu từ việc làm các động tác nhẹ nhàng, tuy nhiên không được đưa tay lên quá đầu. Mức độ vận động sẽ được nâng lên dần tùy theo quá trình phục hồi của người bệnh, người bệnh không cố thực hiện các động tác quá sức trong thời gian này.
Thông thường, gãy xương đòn sẽ mất khoảng 10-12 tuần để lành ở người lớn hoặc thanh thiếu niên, trong một vài trường hợp có thể kéo dài hơn. Trong hầu hết các trường hợp, sau 4 tháng vết gãy xương đòn sẽ lành hoàn toàn. Sau quá trình điều trị, người bệnh cần tái khám để bác sĩ kiểm tra và đánh giá mức độ hồi phục hoàn toàn.
Sau khi hồi phục, người bệnh có thể thực hiện được các thao tác như người bình thường, tuy nhiên chỉ nên làm những hoạt động nhẹ nhàng trước vì lúc này cấu trúc xương tại vị trí gãy vẫn còn khá yếu so với phần còn lại, nếu làm quá sức sẽ có nguy cơ gãy lại tại vị trí cũ. Những việc nặng như khuân vác, kéo vật nặng, đẩy tạ,... chỉ nên được thực hiện sau khi xương đã trở về bình thường.
3. Lưu ý trong quá trình điều trị gãy xương đòn
Trong quá trình điều trị gãy xương đòn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp hỗ trợ quá trình liền xương:
- Có thể chườm đá vào vị trí gãy ngày 3 lần trong tuần đầu tiên để giảm sưng đau.
- Cần giữ cánh tay cố định ít nhất 4 - 6 tuần sau chấn thương để làm lành ổ gãy.
- Sau khi gãy xương trong vòng 6 - 8 tuần, tuyệt đối không dùng tay phía bên có xương đòn gãy để nâng, kéo, đẩy các vật nặng trên 3 kg.
- Có thể bắt đầu cử động các ngón tay, cổ tay, khuỷu tay sau vài ngày bị gãy xương đòn. Có thể bắt đầu cử động vai khi cơn đau tại vị trí ổ gãy bắt đầu thuyên giảm.
- Có thể kết hợp vật lý trị liệu cùng phục hồi chức năng trong quá trình điều trị. Lưu ý, không thực hiện các bài tập nặng khi không có sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ.
- Người muốn duy trì thói quen luyện tập thể thao nên bắt đầu với những môn nhẹ nhàng trước như đạp xe, đi bộ trong vài tuần đầu sau khi xương lành, sau đó tùy vào tình trạng sức khỏe để bắt đầu luyện tập thể thao trở lại như bình thường với sự cho phép của bác sĩ.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ quá trình liền xương.
- Uống nhiều nước và ăn các thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu,...
Gãy xương đòn là chấn thương hay gặp và cần thời gian để liền xương cũng như phục hồi lại chức năng xương khớp. Trong quá trình điều trị gãy xương đòn, người bệnh cần chú ý bổ sung dinh dưỡng và luyện tập phục hồi theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, sau gãy xương đòn bao lâu được làm việc nặng còn tùy thuộc vào mức độ liền xương cũng như sự thống nhất của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.