......

Tư thế nằm ngủ khi bị gãy xương đòn

Gãy xương đòn là loại chấn thương phổ biến nhất trong các loại gãy xương. Để thúc đẩy quá trình hồi phục, ngoài việc tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần lưu ý nằm đúng tư thế để giữ cho xương cố định và tránh di lệch.

1. Gãy xương đòn là gì?

Gãy xương đòn là loại chấn thương thường gặp và chiếm khoảng 2,6% trong tất cả các trường hợp gãy xương. Xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh là một xương dài có hình chữ S, mỏng dẹt nên rất dễ gãy. Xương đòn có một đầu đòn khớp với xương ức qua khớp đòn, đầu còn lại khớp với xương bả vai qua khớp cùng đòn vai từ đó xương cánh tay được treo vào qua khớp vai, nhờ đó giúp treo cánh tay vào thân mình. Gãy xương đòn có thể xảy ra do chấn thương trực tiếp và cả chấn thương gián tiếp.

2. Triệu chứng gãy xương đòn

Bệnh nhân gãy xương đòn có thể có các triệu chứng sau:

  • Xương đòn có vết bầm tím, sưng và đau. Cơn đau sẽ tăng lên khi bệnh nhân cố gắng dang cánh tay ra.
  • Vùng vai bị sụp hẳn xuống hoặc chùng xuống vì xương đòn bị gãy.
  • Cơn đau tăng lên và khiến tay bệnh nhân bị tê và có cảm giác châm chích.
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau nhưng không có hiệu quả.
  • Vùng vai bị biến dạng và xương có thể đâm ra khỏi da. Trường hợp này cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để sớm điều trị.

3. Gãy xương đòn nên nằm như thế nào?

Bên cạnh tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân gãy xương đòn cũng cần lưu ý nằm đúng tư thế để giữ cho xương cố định, tránh bị di lệch và gây thương tổn nghiêm trọng hơn. Dưới đây là 2 tư thế nằm ngủ khi bị gãy xương đòn mà bệnh nhân có thể áp dụng:

  • Nằm ngửa: Đây là 1 tư thế tốt cho bệnh nhân gãy xương đòn. Nó giúp hỗ trợ phân bố đều trọng lượng và duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, giúp vai, cổ và ngực không bị nén. Bệnh nhân có thể đặt thêm một chiếc gối nhỏ để hỗ trợ duy trì tư thế trung tính của cột sống và phòng ngừa đau lưng dưới. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đặt một cuộn khăn tay nhỏ dưới bả vai để giảm thiểu áp lực lên vai, gân, dây chằng và hỗ trợ giảm đau do gãy xương đòn.
  • Ngủ nghiêng: Tư thế ngủ này có thể hỗ trợ điều chỉnh cột sống, hông và hạn chế áp lực lên đầu, cổ, vai. Bệnh nhân nên nằm ngủ nghiêng về phía xương đòn lành và hướng xương đòn bị gãy lên phía trên. Không được nằm đè lên xương đòn bị tổn thương vì sẽ làm cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn và cản trở lưu thông máu, làm gián đoạn quá trình lành vết thương. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể kê một chiếc gối nhỏ dưới cánh tay để mở rộng vai và giảm đau vai gáy.

Bệnh nhân cũng có thể lựa chọn 1 số loại gối đặc biệt dành cho người gãy xương đòn:

  • Gối du lịch: Gối du lịch có hình chữ U ngăn không cho đầu cong về phía ngực hoặc ngả về phía vai khi ngồi thẳng có thể giúp giảm áp lực lên vai gáy, ngăn ngừa đau vai gáy và hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi gãy xương.
  • Gối hỗ trợ cổ: Gối hỗ trợ cổ còn được gọi là gối nâng đỡ đầu cổ có thể giảm áp lực lên vai, cổ và cải thiện các triệu chứng gãy xương đòn.
  • Gối chêm: Gối chêm có tác dụng hỗ trợ phần trên của cơ thể và giúp người bệnh giữ tư thế nghiêng khi ngủ, cải thiện tình trạng đau vai gáy và phòng ngừa di lệch xương
  • Gối dài: Khi ngủ nghiêng, bệnh nhân có thể sử dụng gối dài để ôm nhằm hỗ trợ cải thiện cơn đau do gãy xương đòn hoặc đau vai gáy.

4. Phương pháp điều trị gãy xương đòn

  • Phương pháp điều trị bảo tồn: Phương pháp này sẽ được chỉ định trong các trường hợp gãy xương đòn không di lệch hay di lệch ít (dưới 15mm), bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo để phẫu thuật hoặc mắc các bệnh nền như huyết áp cao, tim mạch, đái tháo đường... hay người bị loãng xương, xương xốp, mỏng và giòn không đảm bảo yếu tố an toàn trong các cuộc mổ. Có một số kỹ thuật điều trị bảo tồn gãy xương đòn nhưng 2 kỹ thuật thông dụng nhất là treo tay và băng số 8. Tuy nhiên, nhược điểm của liệu pháp này là xương đòn có thể không trở về hình dạng như ban đầu, gấp khúc tại bờ vai làm cho vai ngắn lại, xương bả vai nhô cao gây mất thẩm mỹ, thời gian bất động kéo dài hoặc có khả năng không liền xương,.... Để giảm các biến cố trên, bệnh nhân nên cần thăm khám định kỳ một cách thường xuyên trong quá trình điều trị.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ sẽ cân nhắc điều trị phẫu thuật cho một số trường hợp, tùy thuộc vào đặc điểm gãy, các tổn thương đi kèm và nhu cầu của bệnh nhân: Gãy xương quai xanh có kèm theo tổn thương mạch máu, thần kinh hoặc có nguy cơ chọc thủng màng phổi; bệnh nhân đang điều trị bảo tồn nhưng có biến chứng chọc thủng da hoặc màng phổi; gãy hở cần phẫu thuật để cắt lọc vết thương, kết hợp xương; gãy di lệch > 2cm, gãy nhiều tầng, chồng ngắn > 2cm, gãy nhiều mảnh, hai đầu xương gãy cách xa nhau; người bệnh mong muốn phẫu thuật vì lo ngại các biến chứng can lệch xương giống do điều trị bảo tồn. Phương pháp phẫu thuật sẽ khắc phục nhược điểm của điều trị bảo tồn. Nhưng chi phí điều trị đắt hơn và có nguy cơ gây sẹo.

5. Gãy xương đòn bao lâu thì lành?

Thông thường, quá trình liền xương đòn kéo dài trong khoảng 3-6 tháng là hồi phục hoàn toàn, tùy thuộc vào cơ địa, chế độ dinh dưỡng và tập luyện của từng người. Đối với phương pháp điều trị bảo tồn, bệnh nhân thường phải đeo đai số 8 trong khoảng 4 – 8 tuần, sau đó mới được vận động nhẹ nhàng theo chỉ định của bác sĩ. Can xương (sự liền lại của cấu trúc xương và màng xương) cũng sẽ dần hình thành. Trường hợp bệnh nhân gãy xương đòn được điều trị phẫu thuật thì có thể vận động sớm hơn thế. Tuy nhiên do tác động dao kéo nên can xương cũng chậm hình thành hơn so với phương pháp điều trị bảo tồn.

Thời gian liền xương sinh lý ở người bình thường là từ 3 đến 6 tháng. Trong lúc đợi xương hồi phục, bệnh nhân nên hạn chế cầm, xách vật nặng vì sẽ làm trễ vai và di lệch xương. Điều trị phẫu thuật sẽ nhanh liền hơn và một số bệnh nhân chủ quan mà lao động sớm hơn thời gian được bác sĩ khuyên. Nhưng vận động quá sớm là không tốt bởi khi các cơ cử động, co kéo sẽ gây lỏng ốc vít và có thể khiến phẫu thuật thất bại. Do vậy, bệnh nhân gãy xương đòn chỉ nên vận động sau khoảng 2 – 3 tháng kể từ khi mổ.

Tóm lại, bệnh nhân gãy xương đòn nên tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, việc nằm đúng tư thế và điều chỉnh chế độ ăn uống giàu canxi, magie, vitamin cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình liền xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

11.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan