......

Cách làm giảm đau đầu nhức mắt

Đau đầu nhức mắt là những triệu chứng của bệnh nhân thiếu máu não, bị viêm dây thần kinh thị giác, tăng nhãn áp và u não...Các triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn rất nguy hiểm cho người bệnh. Để giảm các triệu chứng đau đầu nhức mắt trước hết phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có những phương án điều trị dứt điểm, tránh gây ra biến chứng nguy hiểm.

1. Dấu hiệu của bệnh đau đầu nhức mắt

Dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện những cơn đau ở đầu và các xoang hay hốc mắt. Cơn đau sẽ xuất hiện với tần suất từ nhẹ đến nặng tùy vào mức độ. Nếu đau ít và tần suất thưa thớt thì chưa phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, lặp lại nhiều lần và kèm theo những dấu hiệu dưới đây thì người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và xử lý chúng.

  • Kèm theo sốt và thấy mệt mỏi
  • Thấy buồn nôn thậm chí bị nôn
  • Thấy nhạy cảm với ánh sáng
  • Bị rối loạn ý thức, hành vi và tâm lý

Vì cơn đau này xuất phát từ bên trong đầu nên bạn sẽ không thể quan sát được mà chỉ có thể đo lường mức độ nghiêm trọng qua những cơn đau và các dấu hiệu đi kèm. Cần thận trọng và xử lý chúng tránh để nguy hiểm cho sức khỏe.

2. Nguyên nhân gây ra đau đầu nhức mắt

Đau đầu nhức mắt là dấu hiệu của khá nhiều bệnh lý như:

2.1. Bệnh viêm xoang

Đây là bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đây là tình trạng các niêm mạc hô hấp lót trong các xoang bị viêm, gây phù nề, dịch nhầy tiết ra tăng mạnh và gây tắc nghẽn xoang.

Nếu bệnh xoang diễn ra dưới 4 tuần thì được coi là cấp tính, còn trên 12 tuần dai dẳng khó chịu gọi là mãn tính. Những dấu hiệu của bệnh xoang là hắt hơi, sổ mũi, đau đầu kèm với đau mắt, thậm chí còn có hiện tượng nhức mắt âm ỉ rất khó chịu.

2.2. Bị thiếu máu lên não

Bệnh nhân bị thiếu máu não sẽ có những cơn đau âm ỉ kéo dài, chúng có thể xuất hiện cả khi bạn đang nghỉ ngơi, thư giãn. Với bệnh nhân thiếu máu não có thể xuất hiện thêm một số hiện tượng như người mệt mỏi, uể oải, buồn nôn, chóng mặt và thêm cổ vai gáy bị nhức mỏi...

2.3. Bị bệnh Migraine

Đây là một dạng bệnh về thần kinh, nó gây ra bởi sự tăng giảm đột ngột của Serotonin – chất dẫn truyền thần kinh làm cho các mạch máu bị co giãn bất thường. Cơn đau của bệnh này thường theo nhịp mạch và nâng dần từ nhẹ đến nặng, kéo dài từ 2 – 3 ngày.

2.4. Bệnh u não, viêm màng não

Nếu bạn thấy đau đầu và nhức mắt liên tục, không ngừng nghỉ, hay thậm chí không đau nhiều nhưng cơn đau kéo dài thì nên đi khám bác sĩ sớm, bởi đây có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh u não, viêm màng não. Căn bệnh này nên được điều trị kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

2.5. Bệnh suy nhược thần kinh

Bệnh này khá phổ biến do cuộc sống hiện đại có rất nhiều người bận rộn, chịu nhiều áp lực từ công việc cho đến gia đình và con cái. Triệu chứng của bệnh suy nhược thần kinh là mệt mỏi, nhức mắt kèm đau đầu, mất ngủ và lo âu gây suy giảm trí nhớ, thị lực...

3. Cách khắc phục đau đầu nhức mắt

3.1. Cách giảm đau đầu nhức mắt tại nhà

Với những bệnh nhân bị nhẹ, chỉ đau đầu nhức mắt nhưng không kèm theo dấu hiệu gì đáng lo ngại thì có thể áp dụng một số cách làm giảm đau đầu nhức mắt bằng các liệu pháp tự nhiên, đơn giản như:

  • Ngâm chân với nước nóng pha theo tỉ lệ 2:1: Đây là biện pháp đã được kiểm chứng. Chúng giúp giảm căng thẳng đầu óc, giảm stress. Nước nóng giúp máu trong cơ thể lưu thông đều hơn, đồng thời làm giảm hiện tượng đau đầu nhức mắt.
  • Bấm huyệt massage – xoa bóp nhẹ nhàng từ thái dương lên trán và vai: Đây là một phương pháp được nhiều người ưa chuộng và sử dụng tại nhà. Phương pháp này giúp cơ thể cân bằng và giảm căng thẳng, đặc biệt giảm đau đầu, các hốc mắt.
  • Phương pháp chườm đá lạnh: Đá bọc trong tấm vải mỏng chườm lên quanh thái dương 10 – 15 phút sẽ giúp đẩy lùi những cơn đau nhẹ và làm máu lưu thông tốt hơn, giảm áp lực và căng thẳng.
  • Xông lá thảo dược không chỉ được lựa chọn để giải cảm mà còn giúp máu lưu thông, giảm đau nhức mắt hữu hiệu. Bạn có thể thực hiện bằng cách đun một nồi lá xông: có lá sả, bưởi, hương nhu, chanh....( bán sẵn) sau đó mở khẽ vung nồi cho hơi nóng xông lên mặt, nên mở hé và từ từ theo sự chịu đựng của người bị bệnh, cẩn thận để tránh bị bỏng.
  • Tập Yoga hay ngồi thiền: Đây cũng là phương pháp được nhiều bệnh nhân bị đau đầu nhức mắt lựa chọn. Bởi Yoga hay thiền có tác động giúp cơ thể chúng ta giảm áp lực, căng thẳng và mệt mỏi. Đồng thời giúp máu lưu thông, tuần hoàn tốt hơn, từ đó làm giảm những cơn đau đầu và nhức mắt đi kèm.

Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý uống nước đủ và ăn đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo chất lượng giấc ngủ sẽ giúp hệ thần kinh được thoải mái, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, hãy thực hiện một lối sống lành mạnh và hạn chế thực phẩm có hại. Cụ thể:

  • Nên hạn chế hay ngừng sử dụng đồ dùng có chứa caffeine, rượu hay thực phẩm chế biến sẵn.
  • Nên bỏ hút thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên và phù hợp với thể lực của bạn
  • Tìm các biện pháp giúp xoa dịu thần kinh và giảm căng thẳng khi mệt mỏi và áp lực
  • Nên dành thời gian trong ngày để nghỉ ngơi và thư giãn cho hợp lý.
  • Nên tránh xa những thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại...và những tác nhân gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh

3.2. Cách giảm đau đầu nhức mắt bằng thuốc

Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm và có những dấu hiệu tăng lên cho dù bạn đã sử dụng những phương pháp điều trị tại nhà thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám sớm tìm ra nguyên nhân để cách chữa đau đầu nhức mắt hợp lý nhất.

Với những bệnh nhân nặng cần có cách giảm đau đầu nhức mắt đặc trị hơn, ví dụ như phải sử dụng:

  • Thuốc giảm đau, kháng viêm được chỉ định dùng cho các bệnh nhân bị đau dây thần kinh V, bệnh Migraine, đau đầu do căng cơ...
  • Những cơn đau đầu do các bệnh lý suy nhược thần kinh nặng, viêm xoang thì cần tìm ra nguyên nhân gây nên bệnh bằng cách chiếu chụp hay làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để điều trị tận gốc nguyên nhân và các triệu chứng đó.

Đau đầu nhức mắt là tình trạng bệnh khá phổ biến, tuy nhiên tình trạng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi tình trạng này diễn tiến kéo dài thì bạn nên tìm cách làm giảm đau đầu nhức mắt và tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan