Có nên dùng thuốc chống dị ứng trước tiêm vắc-xin COVID-19?

Phản vệ hay phản ứng dị ứng nặng là nguy cơ có thể xảy ra khi cơ thể của chúng ta tiếp xúc mới những chất mới như thức ăn, thuốc, vắc-xin. Trong đó có cả loại mà gần đây cả xã hội quan tâm đó là vắc-xin COVID-19.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Duy Bộ - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác hoặc những người có bệnh nền về miễn dịch dị ứng được Bộ Y tế khuyến cáo thuộc và nhóm thận trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19.

1. Vắc-xin COVID-19: Có nên dùng thuốc chống dị ứng trước tiêm?

Theo Bác sĩ Nguyễn Duy Bộ - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bản chất của việc tiêm vắc-xin COVID-19 hay các vắc-xin là chúng ta đưa một mảnh hoặc bộ phận của tác nhân gây bệnh vào cơ thể nhằm nhằm cho hệ miễn dịch tập dược trước với tác nhân đó và sinh ra các kháng thể đặc hiệu. Để sau đó, nếu cơ thể thực sự gặp virus hoặc vi khuẩn đó thì chúng sẽ nhanh chóng được nhận biết là bị tiêu diệt, giúp cơ thể không bị nhiễm bệnh hoặc nếu bị nhiễm thì sẽ mắc bệnh nhẹ hơn. Khi tiêm phòng, ngoài các thành phần chính của vắc-xin là bộ phận của virus/ vi khuẩn thì còn có các thành phần nhằm kêu gọi các tế bào miễn dịch, và khi các tế bào miễn dịch đến sẽ gây ra phản ứng viêm, do đó các triệu chứng viêm như sưng đau tại chỗ hoặc sốt là tương đối hay gặp. Các triệu chứng này thường hết trong vòng 1 vài ngày.

Trong trường hợp dị ứng, cơ thể của người dị ứng có sẵn các thành phần đặc hiệu mà nếu gặp các chất có tính dị ứng ở trong vắc-xin sẽ gây ra phản ứng đặc biệt dẫn đến các triệu chứng bao gồm:

  • Da niêm mạc: Phát ban, ngứa, phù da niêm mạc;
  • Hô hấp: Ho, khò khè, khó thở;
  • Tiêu hóa: Đau bụng, nôn, tiêu chảy;
  • Tuần hoàn: Rối loạn mạch, huyết áp thậm chí có thể gây giảm ý thức suy tuần hoàn.

Hiện nay, các thuốc chống dị ứng bao gồm kháng histamin và corticoid không được khuyến cáo dùng một cách thường quy để ngừa phản ứng dị ứng khi tiêm vắc-xin COVID-19 ngay kể cả ở những bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý dị ứng.

Thuốc chống viêm corticoid (như prednisolon, medrol...) chỉ có tác dụng chống viêm, không phòng ngừa được phản ứng phản vệ nặng, thậm chí dùng liều cao có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin do việc ức chế phản ứng viêm. Trong khi như phân tích ở trên, phản ứng viêm là phản ứng cần thiết để sinh ra đáp ứng miễn dịch của vắc-xin.

Thuốc kháng histamin (còn gọi là thuốc chống dị ứng) chỉ có tác dụng làm giảm tình trạng ban ngứa (nếu có), và tương tự như corticoid, kháng histamin không dự phòng được phản ứng phản vệ xảy ra. Và khi phản ứng phản vệ xảy ra, thuốc quan trọng để cứu sống bệnh nhân không phải cả 2 loại nói trên mà là Adrenalin.

2. Trường hợp nào cần dùng thuốc chống dị ứng trước tiêm vắc-xin COVID-19?

Nhìn chung, những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên xác định mà không phải vắc-xin COVID-19 hay tá dược của nó thì có thể tiêm vắc-xin COVID-19 và theo dõi sau tiêm hoàn toàn bình thường theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc chống dị ứng nào trước đó.

Những người có tiền sử dị ứng:

  • Với một thuốc hoặc vắc-xin mà thành phần của nó có thể có PEG hoặc Polysorbate;
  • Hoặc dị ứng với nhiều thuốc/ vắc-xin khác nhau;
  • Hoặc có tiền sử dị ứng nhanh với thuốc và vắc-xin không rõ loại
  • Hoặc có các phản ứng nghi ngờ dị ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ nhất.

Thì nên đi khám chuyên khoa miễn dịch dị ứng để được tư vấn chuyên sâu và làm các thăm dò về dị ứng (nếu cần), từ đó có những tư vấn chính xác và lựa chọn loại vắc-xin COVID-19 phù hợp. Tuy nhiên, nhóm này thông thường cũng không cần dùng bất kỳ loại thuốc chống dị ứng nào trước tiêm vắc-xin COVID-19.

Nhóm bệnh nhân có tiền sử mày đay mạn, tức là thường xuyên phát ban hoặc phát ban kéo dài mà thường không tìm thấy nguyên nhân dị ứng rõ ràng. Trường hợp này có thể cân nhắc dùng kháng histamin trước khi tiêm vắc-xin COVID-19.

Một bệnh lý khác là bệnh Mastocytosis, một bệnh lý của tế bào miễn dịch dẫn đến dễ phát ban mà thậm chí có thể gây ra phản ứng phản vệ mà không thực sự do dị ứng. Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý này, thì nên đăng ký tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở có khả năng cấp cứu hồi sức.

Tóm lại, không nên dùng thuốc chống dị ứng một cách hệ thống trước khi tiêm vắc-xin COVID-19. Các loại thuốc chống dị ứng (kháng histamin, corticoid) chỉ có thể làm giảm các triệu chứng nhẹ như phát ban, phản ứng viêm mà không có tác dụng phòng ngừa các phản ứng dị ứng nặng.

Việc tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc-xin mà không có bất kỳ sự tư vấn, hướng dẫn nào từ chuyên gia y tế có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

455 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan