Giảm đau rát họng hậu COVID

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau rát họng hậu COVID là tình trạng thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống, nuốt đau,... Lúc này, người bệnh cần tìm đến các biện pháp giúp giảm đau rát họng hiệu quả.

1. Triệu chứng đau rát họng hậu COVID

Hậu COVID có bị đau họng không? Theo thống kê, triệu chứng đau họng và ho là biểu hiện gặp ở tới 90% bệnh nhân COVID. Sau khi đã khỏi COVID, nhiều người vẫn gặp tình trạng đau rát họng nhiều ngày kéo dài.

Khi bị đau rát họng, người bệnh có biểu hiện cảm giác ngứa, bỏng rát, khô, đau,... trong họng. Những triệu chứng này tiến triển nặng nề hơn khi bệnh nhân ăn uống, nói chuyện. Niêm mạc họng có thể bị sưng, đỏ. Tình trạng đau rát họng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến người bệnh ăn uống khó khăn, nuốt khó,...

Nhiều bệnh nhân hậu COVID đã tự tham khảo trên mạng hoặc qua các kênh truyền miệng, tự ý sử dụng thuốc nên dễ gặp rủi ro khi dùng các loại thuốc có hại cho bản thân, làm bệnh nền đang điều trị bị ảnh hưởng.

Vì vậy, trong và sau khi mắc COVID, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc đúng ngay từ đầu, phù hợp với tình trạng cụ thể (trong đó có biểu hiện đau họng).

2. Cách giảm đau rát họng hậu COVID

Có nhiều biện pháp giúp giảm nhẹ tình trạng đau họng trong và sau khi mắc COVID. Để giảm đau rát họng hậu COVID, bạn nên thực hiện theo những lưu ý sau:

2.1 Sử dụng thuốc

Có nhiều loại thuốc được chỉ định cho người bị đau rát họng do COVID và sau khi mắc COVID, đó là:

  • Nhóm thuốc hạ sốt, chống đau, giảm viêm: Bệnh nhân dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm nhẹ triệu chứng đau rát họng và tránh di chứng của COVID;
  • Thuốc súc họng: Người bệnh có thể dùng các hoạt chất có tác dụng điều trị tại chỗ, làm giảm viêm và làm mềm niêm mạc họng như: Chlorhexidine, povidone-iodine, các tinh dầu như eucalyptol, thymol, menthol và methyl salicylate, biotene, fluoride, cồn,... theo chỉ định của bác sĩ;
  • Thuốc xịt họng: Dùng thuốc có tác dụng làm giảm đau tại chỗ, có chứa thành phần giảm viêm và giảm đau như: Dequalinium chloride 1mg, β-glycyrrhetinic acid 0.6mg, hydrocortisone acetate 0.6mg, tyrothricin 4mg và lidocaine HCl 1mg theo chỉ định của bác sĩ;
  • Viên ngậm giảm đau với thành phần 2,4-Dichlorobenzyl Alcohol 1.2 mg và amylmetacresol 0.6 mg theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Khi dùng thuốc sử dụng tại chỗ để giảm viêm hoặc giảm đau họng,... đều cần tuân thủ đúng thời gian sử dụng thuốc dưới 10 ngày. Nếu quá thời gian đó, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng tiếp, thay đổi nồng độ của thuốc,... Vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng thuốc giảm đau rát họng hậu COVID mà cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

2.2 Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên giảm đau họng

Để giảm đau rát họng sau khi mắc COVID, bệnh nhân còn có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như:

  • Uống nhiều nước ấm;
  • Súc miệng nước muối: Trộn 1⁄4 thìa muối với 1 cốc nước rồi súc miệng. Nước muối có thể hút chất lỏng từ các mô niêm mạc họng ra ngoài và giúp làm loãng nồng độ virus;
  • Uống nước mật ong + chanh + gừng: Pha loãng mật ong + chanh + gừng, đun cách thủy hoặc chưng, chia uống nhiều ngụm nhỏ liên tục trong ngày;
  • Uống nước hoa hồng bạch + đường phèn: Nguyên liệu chính của bài thuốc gồm 1 bông hoa hồng bạch + 1 muỗng đường phèn. Đầu tiên, bạn tách rời từng cánh hoa, rửa qua nước sạch rồi cho cả 2 nguyên liệu vào 1 chiếc bát nhỏ, đem hấp cách thủy và uống khi còn nóng. Khi dùng, bạn có thể ăn cả phần cánh hoa để nâng cao hiệu quả bài thuốc. Mỗi ngày có thể dùng bài thuốc này 1 - 2 lần;
  • Uống nước hoa hồng bạch + mật ong + quất: Nguyên liệu cơ bản gồm 1 chén mật ong + 1 bông hoa hồng bạch + 2 quả quất. Sau đó, bạn cho các nguyên liệu vào 1 chiếc bát, hấp cách thủy khoảng 5 phút. Mỗi ngày có thể sử dụng bài thuốc này nhiều lần (không dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì độ tuổi này bé chưa thể sử dụng mật ong).

2.3 Lưu ý trong sinh hoạt

Để giảm đau rát họng hậu COVID, người bệnh còn cần lưu ý:

  • Ăn thực phẩm mềm, loãng (cháo tía tô, cháo thịt gà, súp,...), chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày;
  • Người bị đau họng và thay đổi vị giác, sợ mùi vị thức ăn có thể thêm gia vị vào thực phẩm để tăng mùi vị. Đồng thời, nên bổ sung thêm hoa quả, rau xanh, nước ép trái cây, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E vào chế độ ăn để tăng cường sức đề kháng;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí trong phòng để ngăn không khí khô gây khó chịu cho cổ họng;
  • Tránh các chất gây kích ứng trong không khí như khói thuốc lá, các sản phẩm tẩy rửa;
  • Tránh nói nhiều, nói to,... vì dễ gây kích thích cổ họng.

Đau rát họng hậu COVID cần được xử trí sớm để giúp người bệnh ăn uống thuận lợi hơn, tránh nguy cơ suy nhược cơ thể. Trường hợp đã áp dụng các cách trên nhưng không thấy nhiều hiệu quả, người bệnh nên đi thăm khám sớm để được kiểm tra, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan