......

Điểm cần chú ý khi cấp cứu người bị gãy xương chi

Gãy xương xảy ra khi có lực tác động bên ngoài lên xương với lực mạnh hơn sức chịu đựng của cấu trúc xương. Việc cấp cứu gãy xương chi rất quan trọng, bởi nếu cấp cứu chậm trễ hoặc sai cách có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động về sau hoặc thậm chí đến tính mạng người bệnh.

1. Nguyên tắc trong cấp cứu gãy xương chi

Các vùng gãy xương hay gặp là gãy xương cẳng tay, gãy xương cẳng chân, gãy xương cổ tay,... Có nhiều loại gãy xương với độ nặng khác nhau, như gãy cành tươi, gãy nhiều mảnh (gãy 2 xương cẳng tay, gãy 2 xương cẳng chân), gãy xương kín, gãy xương hở, gãy xương bệnh lý, gãy xương do giật cơ, gãy xương kiểu nén ép.

Nguyên tắc cấp cứu gãy xương chi là một trong các bước của nguyên tắc kiểm soát ban đầu các trường hợp chấn thương. Vì vậy trong cấp cứu chấn thương luôn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đã có:

  • Điều trị những tổn thương đe dọa mạng sống
  • Việc chẩn đoán xác định ít quan trọng hơn
  • Nhìn nhận vấn đề từ góc độ sinh lý học cơ thể
  • Thời gian là yếu tố quan trọng nhất
  • Không gây hại thêm cho bệnh nhân

Đối với cấp cứu gãy xương, cần tuân thủ các nguyên tắc chung sau:

Tuân thủ các nguyên tắc chung trong cấp cứu bệnh nhân chấn thương theo các bước ưu tiên ABCDE:

  • Khí đạo (Airway)
  • Hô hấp (Breathing)
  • Tuần hoàn (Circulation)
  • Mất chức năng hệ TKTƯ (Dysfuntion of CNS)
  • Bộc lộ cơ thể - Môi trường (Exposure, Environment)

Nếu không có đa chấn thương thì ưu tiên cấp cứu gãy xương chi theo nguyên tắc:

  • Hô hấp (Breathing)
  • Chảy máu (Bleeding)
  • Xương (Bone)
gay-xuong-cang-chan-1
Có nhiều loại gãy xương với độ nặng khác nhau

2. Sơ cứu gãy xương chi

Trong sơ cứu gãy xương ban đầu, điều quan trọng là bất động ổ gãy xương, vì di động nơi xương gãy gây đau, chảy máu và tổn thương thêm mô mềm xung quanh, như làm tổn thương mạch máu và thần kinh, làm việc điều trị càng phức tạp hơn.

Do vậy, khi nghi ngờ có gãy xương thì không di chuyển bệnh nhân khi chưa có chuẩn bị phương tiện an toàn.

Xương gãy cần cố định, nâng đỡ, cố định tạm thời để hạn chế di động ổ gãy. Phương tiện sử dụng đa dạng có thể là thanh gỗ, bìa cứng các tông, che chắn cho êm. Thường phải cố định cả hai khớp phía trên và phía dưới xương gãy. Đôi khi chỉ cố định đơn giản bằng băng đeo vòng cổ với trường hợp gãy ở vùng vai hay xương đòn.

Nếu được thì ổ gãy nên để cao hơn vị trí trái tim và chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng. Sau đó gọi xe cấp cứu. Lưu ý không được ăn hay uống gì cho đến khi gặp bác sĩ vì có thể cần phải mổ cấp cứu.

Với trường hợp gãy xương hở cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc vô khuẩn trong sơ cứu, bao gồm:

  • Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý
  • Chỉ sát khuẩn xung quanh vết thương, không đổ thuốc sát khuẩn hay kháng sinh vào vết thương
  • Không thăm dò vết thương, không nắn đẩy đầu xương chồi.
  • Băng vô khuẩn 4 lớp: một lớp gạc tẩm ướt nước muối sinh lý đặt trực tiếp lên vết thương, sau đó là lớp bông thấm nước, tiếp là một lớp bông dày không thấm nước, ngoài cùng là 1 lớp băng ép.
  • Bất động trong tư thế gãy.
  • Tiêm phòng SAT, kháng sinh toàn thân, hồi sức.
gay-xuong-cang-chan-2
Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý

Những lưu ý trong cấp cứu gãy xương là những kiến thức vô cùng quan trọng mà bất cứ ai cũng nên biết để áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Quá trình sơ cứu gãy xương cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đã nêu, để một mặt không làm xấu thêm tình trạng chấn thương, mặt khác giúp cho việc cấp cứu đạt hiệu quả tốt, thuận lợi cho việc điều trị sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

12.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan