Chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ 1-2 tuổi cần bao nhiêu muối?
Có nên cho trẻ ăn muối, cho trẻ ăn muối khi nào, lượng muối cho trẻ ăn dặm bao nhiêu là hợp lý là thắc mắc của nhiều người mẹ có con sắp hoặc đang trong độ tuổi ăn dặm hoặc ngay khi trẻ đã được 1 - 2 tuổi.
1. Có nên cho trẻ ăn muối?
Muối rất cần thiết đối với con người bởi muối cung cấp natri và clo. Cơ thể cần natri để duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng lượng dịch trong mạch máu, cũng như trong và ngoài tế bào. Bên cạnh đó, muối giúp cân bằng kiềm toan trong cơ thể, duy trì điện thế của tế bào và dẫn truyền các xung thần kinh.
Với những vai trò nêu trên, chế độ ăn hàng ngày của con người cần có muối để có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cơ thể chỉ cần một lượng muối rất ít, đặc biệt trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thì cần muối ít hơn. Vì vậy, có nên cho trẻ ăn muối hay không còn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
2. Cho trẻ ăn muối khi nào?
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế về nhu cầu dinh dưỡng của người Việt, trẻ nhỏ trong từng độ tuổi cần được cung cấp muối và natri với lượng như sau:
- Trẻ dưới 5 tháng tuổi: 100mg Natri/ngày, tương đương với 0,3g muối/ngày.
- Trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi: 600mg Natri/ngày, tương đương với 1,5g muối/ngày.
Vậy cho trẻ ăn muối khi nào? Trên thực tế, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ hoàn toàn để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ và để trẻ khỏe mạnh, hoạt động bình thường. Trẻ không cần phải bổ sung natri từ muối vì sữa mẹ đã đảm bảo cung cấp đủ lượng natri cần thiết cho trẻ.
Từ 6 tháng tuổi, trẻ cần được ăn dặm bổ sung bên cạnh nguồn sữa mẹ vì nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng lên. Nhưng nêm thêm muối khi chế biến thức ăn dặm bổ sung cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi là chưa cần thiết vì trẻ đã được cung cấp đủ Natri từ các loại thực phẩm ăn dặm khác (như thịt, cá, trứng, rau củ quả) và sữa mẹ. Trong giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn chiếm 1⁄2 nguồn cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
Nhiều mẹ lo sợ nếu không thêm muối cho trẻ ăn dặm có thể khiến trẻ từ chối bữa ăn. Tuy nhiên, mẹ có thể hoàn toàn yên tâm là trẻ sẽ chấp nhận bữa ăn vì khẩu vị của trẻ đang dần hoàn thiện trong giai đoạn này. Trẻ có thể ăn nhạt và đang tập làm quen với nhiều mùi vị khác nhau của các loại thực phẩm.
Ngoài ra, tập cho trẻ có chế độ ăn nhạt từ những bữa ăn dặm đầu tiên sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trong tương lai, trước những nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, huyết áp nếu trẻ có thói quen ăn mặn.
Việc thêm muối cho trẻ ăn dặm chỉ cần được cân nhắc khi trẻ 1 - 2 tuổi, vì lúc này nhu cầu Natri ở trẻ tăng lên trong khi sữa mẹ chỉ chiếm khoảng 1⁄3 giá trị dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này. Vậy trẻ cần bao nhiêu muối?
3. Cần bao nhiêu muối cho trẻ ăn dặm bổ sung?
Cũng theo khuyến nghị của Bộ Y tế về nhu cầu dinh dưỡng của người Việt, trẻ từ 1 - 2 tuổi cần khoảng 900mg Natri/ngày, tương đương với 2,3g muối/ngày. Giá trị khuyến nghị này được tính bao gồm các loại nước chấm, nước mắm, hạt nêm, bột canh, ...
Tuy nhiên, khi chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ, nếu sử dụng các loại hạt nêm hoặc bột canh, mẹ nên cân nhắc giảm lượng xuống còn khoảng 1,5g/ngày vì một phần natri và muối đã có trong các loại thực phẩm khác mà trẻ ăn, bao gồm cả thực phẩm tự nhiên và chế biến sẵn.
Để tránh tình trạng thêm muối cho trẻ ăn dặm vượt quá nhu cầu của trẻ, mẹ cần lưu ý tránh nêm nếm vừa miệng mình vì khi đó thức ăn sẽ mặn hơn so với trẻ, nên nêm nhạt hơn so với khẩu vị của mẹ để phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Ngoài nước mắm, bột nêm, ... mẹ cũng có thể thêm phomai vào thức ăn của trẻ để tăng vị mặn và cung cấp đủ muối và natri cho trẻ. Lưu ý, để thức ăn của trẻ ngon hơn, hấp dẫn hơn và không mất giá trị dinh dưỡng của phomai, mẹ nên cho phomai vào cháo hoặc bột sau khi cho dầu ăn.
Thêm muối cho trẻ ăn dặm tùy vào từng giai đoạn. Với trẻ từ 1 - 2 tuổi, tổng giá trị natri và muối mà trẻ cần từ tất cả các loại thực phẩm nên dưới 900mg natri/ngày và 2,3g muối/ngày.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ 7 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.