U hắc tố ác tính của màng bồ đào sau: Đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Những khối u ác tính ở mắt thường hiếm gặp. Bệnh ít khi có biểu hiện nên rất khó phát hiện nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng thông thường.

1. U hắc tố màng bồ đào sau là gì?

Màng bồ đào là một trong các màng trong cấu tạo vỏ nhãn cầu, màng bồ đào gồm mống mắt, thể mi và hắc mạc. Màng bồ đào có chứa nhiều mạch máu để nuôi dưỡng nhãn cầu, còn có tác dụng tiết thủy dịch, điều hòa nhãn áp, chỉnh lượng ánh sáng vào trong nhãn cầu, tạo buồng tối để hình ảnh rõ nét hơn.

Màng bồ đào chia thành màng bồ đào trước và màng bồ đào sau, màng bồ đào trước gồm mống mắt và thể mi, còn màng bồ đào sau có hắc mạc.

U hắc tố màng bồ đào sau xuất phát từ các tế bào hắc tố của màng bồ đào. U hắc tố màng bồ đào sau gồm nhiều kiểu tế bào ác tính, nên trường hợp này nặng và ảnh hưởng tới thị giác một cách nặng nề.

Thông thường biểu hiện bệnh rất kín đáo, đôi khi không có dấu hiệu lâm sàng nên việc phát hiện nhờ các dấu hiệu lâm sàng thường khó. Bệnh có thể được phát hiện nhờ khám mắt định kỳ.

Người ta nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh u hắc tố ác tính của màng bồ đào sau rất thấp nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Những người có mắt màu xanh thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Người da trắng có nguy cơ cao hơn ở những người da màu. Đặc biệt người da đen có tỷ lệ mắc rất thấp.
  • Người lớn tuổi: Trung bình trên 50 tuổi với cả nam và nữ.
  • Một số nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc nhiều giờ liên tục dưới ánh sáng mặt trời có nguy cơ u hắc tố cao hơn.
Kết cấu mắt
Kết cấu mắt

2. Đặc điểm lâm sàng u hắc tố ác tính của màng bồ đào sau

Thông thường bệnh có thể không có hoặc có rất ít các biểu hiện lâm sàng, người bệnh có thể gần như không thấy có sự thay đổi gì nếu khối u nhỏ, cho tới khi khối u to ra và gây ra các biến chứng. Tuy nhiên một số biểu hiện lâm sàng nghèo nàn vẫn có thể gặp như:

  • Bệnh nhân có thể nhìn mờ, hình ảnh có thể biến dạng, thấy cảm giác lóa mắt, khiếm khuyết thị trường.
  • Khối u thông thường không gây đau, một số trường hợp đau nhức mắt do Tăng nhãn áp, khối u hoại tử, tổn thương thần kinh mi sau.
  • Biểu hiện khi xuất hiện các biến chứng: Bệnh nhân có thể mất tầm nhìn, đau mắt, đỏ mắt, ám điểm, nhìn các vật lơ lửng, nếu tổn thương nặng sở phía sau gây viễn thị...
  • Bệnh thường biểu hiện ở một mắt.

Các dấu hiệu khi khám lâm sàng:

Soi đáy mắt đây là phương pháp quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý. Khi soi đáy mắt thấy các biểu hiện như:

  • Nếu u điển hình thầy một khối cầu lồi lên, nhô vào buồng dịch kính. Đôi khi thấy hình ảnh là khối u dẹt và lan tỏa.
  • Có thể kèm theo dấu hiệu bong võng mạc thanh dịch hoặc thấy có những biến đổi dạng nang trên mặt khối u.
  • Nếu u phá vỡ qua màng Bruch (là một lớp trong 3 lớp cấu tạo hắc mạc, đây là lớp trong cùng) có thể thấy hình ảnh u nấm hoặc cúc cổ áo.
  • Nhiều u không có sắc tố, màu sắc của u không có giá trị tiên lượng, nhưng sự hiện diện của sắc tố giúp ích cho việc chẩn đoán.
  • Bề mặt của u có thể có màu từ da cam đến vàng nâu, nâu sẫm.

3. Chẩn đoán u hắc tố ác tính của màng bồ đào sau

Chẩn đoán u hắc tố ác tính của màng bồ đào sau cần dựa vào các biểu hiện lâm sàng, đặc biệt là soi đáy mắt rất quan trọng trong định hướng chẩn đoán khối u ác tính. Ngoài ra, cần kết hợp với các dấu hiệu cận lâm sàng khác như:

  • Siêu âm kiểu B: Thấy các biểu hiện như khối u có vùng rỗng âm, lõm hắc mạc ở đáy khối u, bóng ở hốc mắt.
  • Siêu âm kiểu A: Thấy một vùng cản âm trung bình đi sau một đường cao nhọn.
  • Chụp động mạch huỳnh quang: Giúp đánh giá tốt hơn những biến đổi biểu mô sắc tố võng mạc, còn cho thấy có hoặc không có những mạch máu giãn rộng bên trong khối u. Khảo sát mạch máu quan trọng trong các khối u hắc tố ác tính.
  • Chụp cắt lớp vi tínhchụp cộng hưởng từ cũng được chỉ định để xác định kích thước khối u, sự xâm lấn của khối u ác tính và xác định trong các trường hợp di căn.
  • Sinh thiết tế bào: Người ta sẽ đưa một kim nhỏ vào và lấy ra mô tế bào nghi ngờ ác tính rồi làm sinh thiết tế bào. Đây là một tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý có phải ác tình hay không.
Chẩn đoán u hắc tố ác tính màng bồ đào thông qua chụp cắt lớp vi tính
Chẩn đoán u hắc tố ác tính màng bồ đào thông qua chụp cắt lớp vi tính

Một số trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với u hắc tố ác tính màng bồ đào sau gồm:

  • Nevi hắc mạc
  • U máu hắc mạc
  • Thoái hoá máu hình đĩa
  • U tế bào hắc tố thị thần kinh
  • Khối u di căn tới hắc mạc và u xương hắc mạc.

Bệnh u hắc tố màng bồ đào sau thường khó phát hiện nhờ các biểu hiện cơ năng, người bệnh thường không có biểu hiện gì. Nên để có thể phát hiện sớm bệnh cần được khám soi mắt định kỳ, qua đó phát hiện được các dấu hiệu bất thường của mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan