Bị nhân tuyến giáp có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị My - Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến giáp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Nhân tuyến giáp hay u tuyến giáp có nhân là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành một khối trong tuyến giáp làm thay đổi cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp.

Mặc dù phần lớn các nhân tuyến giáp đều lành tính (không ung thư). Nhưng ngay cả khi khối tăng sinh không phải là ung thư, khối này vẫn có thể phát triển đến kích thước đủ lớn có thể chèn ép các cấu trúc giải phẫu vùng cổ như khí quản, thực quản gây khó thở hoặc nuốt nghẹn, vướng vùng cổ hoặc tạo khối lồi vùng cổ gây xấu về mặt thẩm mỹ. Vậy bị nhân tuyến giáp có nguy hiểm không?

1. Nguyên nhân gây nhân tuyến giáp

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây nhân tuyến giáp vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên những yếu tố sau có thể gây ra nhân tuyến giáp:

  • Tăng hoạt tự nhiên các chất tuyến giáp hoặc nhiễm trùng, viêm tuyến giáp tự nhiễm
  • Tiếp xúc với chất phóng xạ, sử dụng một số loại thuốc
  • Tổng hợp hormon tuyến giáp bị rối loạn bẩm sinh
  • Bệnh nhân bị suy giáp, cường giáp
  • Hút thuốc lá, thiếu i-ốt
  • Do gen, di truyền
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh nhân tuyến giáp cao hơn nam giới

2. Triệu chứng khi bị nhân tuyến giáp

Thông thường, nhân tuyến giáp không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhân tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Nhân giáp kích thước lớn khiến bệnh nhân thấy đau cổ, khó thở, khó nuốt, có cảm giác vướng ở cổ họng, khàn giọng do nhân tuyến giáp lớn chèn ép vào khí quản hoặc thực quản.
  • Thông thường các nhân giáp không tiết hormone, không ảnh hưởng chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên một số trường hợp nhân giáp tăng hoạt động và tiết hormone quá mức gây cường giáp – nhiễm độc giáp nên bệnh nhân có thể có một số triệu chứng như: Tay run, tim đập nhanh hoặc không đều, hồi hộp lo lắng, tiết nhiều mồ hôi, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, yếu cơ, sụt cân nhanh...
  • Ít gặp hơn, người bệnh nhân tuyến giáp có thể thấy đau cổ, hàm, hoặc tai.

Do hầu hết các trường hợp nhân tuyến giáp không có triệu chứng nên người bệnh chỉ vô tình được phát hiện khi đi thăm khám tại cơ sở y tế hoặc qua kết quả chụp chiếu phục vụ kiểm tra vấn đề sức khỏe khác

3. Bị nhân tuyến giáp có nguy hiểm không?

Tùy thuộc vào loại tế bào tăng sinh mô trong tuyến giáp, nhân tuyến giáp được được xác định lành tính hoặc ác tính (ung thư tuyến giáp), đơn nhân hoặc đa nhân.

Do đặc điểm mô bệnh học nhân tuyến giáp đa dạng, để biết nhân tuyến giáp có nguy hiểm không, việc đầu tiên là cần kiểm tra để chẩn đoán và phân loại nhân tuyến giáp, bởi bác sĩ chuyên khoa.

Các nhân tuyến giáp lành tính sẽ không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại gây phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

Theo nghiên cứu, tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp không cao, chỉ khoảng 4 - 5% trường hợp có nhân tuyến giáp là ác tính. Nếu nhân tuyến giáp ác tính, người bệnh cần được điều trị kịp thời với các bác sĩ chuyên khoa. Nếu được điều trị đúng cách, ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi.

Nếu nhân tuyến giáp lành tính thì người bệnh có thể yên tâm, điều trị đúng cách bệnh sẽ ổn định và không ảnh hưởng tới sức khỏe toàn trạng. Tuy nhiên, nếu nhân giáp lớn lên, phát triển to sẽ gây sưng tại vùng cổ, chèn ép các cơ quan khác, gây khó chịu.

Nhân tuyến giáp có thể tự hết không?

Có, nhân tuyến giáp có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng tỉ lệ trường hợp này không cao. Do đó, nếu nhận thấy có khối u ở cổ, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để theo dõi kích thước nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan