......

Điều trị viêm đa rễ dây thần kinh

Bệnh lý viêm đa rễ dây thần kinh có thể xuất phát từ nhiều căn nguyên khác nhau. Mục tiêu điều trị viêm đa rễ dây thần kinh là kiểm soát nguyên nhân gây bệnh và làm giảm các triệu chứng.

1. Bệnh đa dây thần kinh

Bệnh đa dây thần kinh là tình trạng dây thần kinh ngoại biên chạy khắp cơ thể bị tổn thương. Bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở da, cơ và các cơ quan, khiến chúng bị tổn thương và không thể gửi tín hiệu trở lại não một cách thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng này không ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong não hoặc cột sống của người bệnh. Viêm đa dây thần kinh được chia thành hai loại chính là cấp tính và mãn tính.

Sức khỏe tổng thể của một người có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đa dây thần kinh. Các yếu tố rủi ro phổ biến bao gồm:

  • Đái tháo đường;
  • Bệnh thận hoặc gan;
  • Bệnh tự miễn;
  • Nghiện rượu;
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn HIV, zona và bệnh Lyme;
  • Thường xuyên dùng một số bộ phận của cơ thể để làm các động tác lặp đi lặp lại (như công nhân trong nhà máy, xí nghiệp), còn được gọi là Hội chứng tổn thương lặp lại (RSI - Repetitive Strain Injury).
tiểu đường
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh đa dây thần kinh

2. Chẩn đoán đa dây thần kinh

Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đa dây thần kinh, cũng như tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể là

  • Kiểm tra thể chất toàn diện để khám phá những bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng, đồng thời tìm ra cơ bắp bị yếu hoặc teo (nếu có);
  • Xét nghiệm chức năng thần kinh bằng điện cơ (EMG) để xem mức độ tổn thương;
  • Xét nghiệm máu, mẫu nước tiểu và sinh thiết khu vực bị ảnh hưởng để tìm ra nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh;
  • Các xét nghiệm khác có thể cần thiết nếu nghi ngờ người bệnh còn mắc phải một tình trạng tiềm ẩn. Chẳng hạn, chọc dò tủy sống có thể giúp tìm ra sự bất thường của nồng độ protein và bạch cầu ở người mắc hội chứng Guillain-Barré.

3. Điều trị viêm đa dây thần kinh

Các phương pháp điều trị viêm đa rễ dây thần kinh được chỉ định sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí xuất hiện các triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau để giúp kiểm soát cơn đau và sự khó chịu do tổn thương thần kinh. Trong đó, các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được kê toa.

Những biện pháp điều trị viêm đa rễ dây thần kinh được đưa ra theo từng nhóm nguyên nhân cụ thể như sau:

3.1. Do lối sống

Việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn có thể giúp điều trị viêm đa dây thần kinh. Người bệnh nên uống ít rượu, đồng thời tránh làm các công việc có động tác lặp đi lặp lại để giảm triệu chứng.

Mắc bệnh tiểu đường có uống được rượu không
Người bệnh cần hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia

Nếu nguyên nhân gây viêm đa dây thần kinh là do chất độc hoặc hóa chất trong môi trường, bệnh nhân cần tìm cách hạn chế tiếp xúc với chúng.

3.2. Do chấn thương

Nếu viêm đa dây thần kinh xuất hiện sau chấn thương, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng kiểm soát toàn cơ thể. Người bệnh cũng học được cách làm chủ các cơn đau thần kinh và cảm giác do chấn thương gây ra.

3.3. Do bệnh tự miễn

Khi bệnh tự miễn dẫn đến viêm đa dây thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Corticosteroid;
  • Tiêm trực tiếp Globulin miễn dịch vào tĩnh mạch của bệnh nhân;
  • Thay thế huyết tương để loại bỏ độc tố ra khỏi máu.

3.4. Do bệnh tiểu đường

Trong trường hợp bệnh tiểu đường là nguyên nhân hình thành viêm đa dây thần kinh, bác sĩ sẽ đề xuất một kế hoạch điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân thường dùng thuốc uống hoặc tự tiêm insulin. Trường hợp hiếm gặp, người bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể phải phẫu thuật ghép tế bào sản xuất insulin (tế bào islet) từ tuyến tụy của người hiến. Biện pháp này giúp cơ thể sản xuất và giải phóng nhiều insulin hơn. Đây là một phẫu thuật quan trọng, thường chỉ được đề xuất nếu tất cả các phương pháp điều trị viêm đa dây thần kinh khác đều thất bại.

3.4. Do bệnh ung thư

Nếu các tế bào ung thư hoặc khối u là nguyên nhân gây bệnh đa dây thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng. Ngoài ra, hóa trị cũng có khả năng giúp loại bỏ các khối u hoặc tế bào ung thư đang chèn ép lên dây thần kinh của bệnh nhân.

Hình ảnh hiển vi của ung thư phổi tế bào nhỏ phổi chỉ ra các tế bào kết thành nhân, lượng nhỏ tế bào chất và các đốm nhiễm sắc. mẫu FNA
Các tế bào ung thư có thể là nguyên nhân gây bệnh đa dây thần kinh

4. Liệu pháp thay thế

Sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, người mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể thử áp dụng các phương pháp điều trị thay thế sau để giảm đau:

  • Châm cứu: Việc chèn kim mỏng vào các điểm khác nhau trên cơ thể có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện dần sau nhiều đợt điều trị. Châm cứu sẽ an toàn khi được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn và đảm bảo vô trùng;
  • Axit alpha-lipoic: Đây đã từng là một phương pháp điều trị viêm đa rễ dây thần kinh phổ biến ở châu Âu. Tuy nhiên cần xin ý kiến bác sĩ vì sử dụng axit alpha-lipoic có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, hoặc gây khó chịu ở dạ dày và phát ban;
  • Các loại thảo mộc: Một số loại thảo mộc, chẳng hạn như dầu hoa anh thảo, có thể giúp giảm đau thần kinh ở người mắc bệnh tiểu đường. Vài loại thảo mộc sẽ tương tác với thuốc, vì vậy người bệnh cũng cần trình bày rõ với bác sĩ trước khi sử dụng;
  • Axit amin: Các axit amin, chẳng hạn như acetyl-L-Carnitine, có thể tốt cho người vừa hóa trị hoặc mắc bệnh tiểu đường. Tác dụng phụ có thể gặp là buồn nôn và nôn.

5. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Để kiểm soát tốt bệnh lý thần kinh ngoại biên nói chung, hay cụ thể là viêm đa dây thần kinh, người bệnh nên:

  • Chăm sóc tốt cho đôi chân, đặc biệt với người bị tiểu đường: Nên theo dõi hàng ngày nếu thấy xuất hiện mụn nước, nứt nẻ hoặc vết chai trên bàn chân. Mang vớ cotton mềm và giày rộng rãi, êm ái;
  • Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên, như đi bộ 3 lần/tuần, có thể làm giảm đau thần kinh, cải thiện sức mạnh cơ bắp và kiểm soát lượng đường trong máu. Các thói quen vận động nhẹ nhàng như tập yoga và thái cực quyền cũng có thể giúp ích;
  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chân, cũng như những biến chứng bệnh thần kinh khác;
  • Chế độ ăn lành mạnh: Dinh dưỡng tốt đặc biệt quan trọng để đảm bảo cơ thể có đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu. Người bệnh nên bổ sung trái cây, rau, ngũ cốc và protein nạc vào thực đơn hàng ngày;
Thực đơn cho bé biếng ăn
Người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý tăng bổ sung trái cây và rau quả

  • Tránh uống quá nhiều rượu: Rượu có thể làm nặng thêm bệnh lý thần kinh ngoại biên;
  • Theo dõi lượng đường trong máu: Người bị tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết để có thể cải thiện bệnh thần kinh.

Nhìn chung, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ bị tổn thương thần kinh bằng chẩn đoán và điều trị sớm những bệnh lý đang mắc phải. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đa dây thần kinh, đặc biệt là sau khi gặp chấn thương nặng, hãy khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị viêm đa dây thần kinh sớm là cách tốt để giữ cho các triệu chứng không làm gián đoạn cuộc sống của bệnh nhân.

Nguồn tham khảo: healthline.com; mayoclinic.org

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan