Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị như thế nào?

Mục lục

Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) bằng hóa trị cho thấy phản ứng tích cực ở hơn 80% trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn giới hạn. Đối với SCLC giai đoạn mở rộng, kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch đã mang lại tỷ lệ phản ứng trên 60%.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị?

Ung thư phổi tế bào nhỏ thường được biết đến là loại ung thư phổi nghiêm trọng và khó điều trị hơn so với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC). Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ là 7%, trong khi tỷ lệ này lên đến 28% đối với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.

Liệu pháp hóa trị là một trong sáu phương pháp điều trị chuẩn được áp dụng cho ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong trường hợp ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu, các chuyên gia thường áp dụng liệu pháp hóa trị. Dù ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn muộn thường được xem là không thể chữa khỏi, liệu pháp hóa trị vẫn có thể giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Hóa trị đóng vai trò quan trọng trong điều trị cả ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và không tế bào nhỏ (NSCLC). Các loại thuốc hóa trị nhắm vào các tế bào có tốc độ tái tạo nhanh, như tế bào ung thư, bằng cách gây tổn thương DNA để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Hóa trị có thể được sử dụng ở tất cả các giai đoạn ung thư, nhưng mục tiêu điều trị sẽ thay đổi tùy theo mức độ tiến triển của bệnh. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, các bác sĩ thường phân loại thành hai giai đoạn chính: giai đoạn giới hạn và giai đoạn mở rộng. 

Thuốc hóa trị nhắm vào các tế bào ung thư để tiêu diệt.
Thuốc hóa trị nhắm vào các tế bào ung thư để tiêu diệt.

2. Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn giới hạn

Trong trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn giới hạn, ung thư thường nằm ở một bên ngực và có thể được điều trị thông qua một liệu pháp xạ trị đơn lẻ. Bên cạnh đó, ung thư có thể di căn đến các hạch bạch huyết ở cùng bên phổi bị ảnh hưởng.

Để điều trị bệnh ung thư, bác sĩ thường sẽ sử dụng một loạt kết hợp của các loại thuốc hóa trị cùng với xạ trị để điều trị cho những người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn giới hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể áp dụng xạ trị, bác sĩ có thể quyết định chỉ sử dụng hóa trị.

Trước khi bắt đầu điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc các hạch bạch huyết. Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn giới hạn thường có phản ứng tích cực với liệu pháp hóa trị, với tỷ lệ phản ứng dao động từ 60% đến 80%.  

Tuy nhiên, khối u ung thư phổi tế bào nhỏ thường có khả năng tái phát hoặc lan sang các vùng khác. Khoảng một nửa số người được điều trị bằng thuốc hóa trị bạch kim và etoposide sống ít nhất 25 đến 30 tháng và 30% đến 35% số người sống ít nhất 5 năm.

Nếu tái phát xảy ra hơn 6 tháng sau liệu pháp ban đầu, người bệnh có thể thử lại liệu pháp hóa trị tương tự. Tuy nhiên, nếu tái phát xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi điều trị, người bệnh nên thử một liệu pháp điều trị khác với một loại thuốc hóa trị duy nhất.

3. Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn mở rộng

Trong trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn mở rộng, ung thư đã di căn đến nhiều vùng khác nhau, bao gồm:

  • Toàn bộ phổi.
  • Phổi khác.
  • Các hạch bạch huyết ở phía bên kia ngực.
  • Các bộ phận khác của cơ thể như tủy xương.

Lưu ý rằng, hơn 70% những người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ thường được chẩn đoán ở giai đoạn nặng.

Trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn mở rộng, bác sĩ thường sử dụng sự kết hợp giữa hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Tỷ lệ đáp ứng cho liệu pháp hóa trị dựa trên bạch kim và etoposide là hơn 60% với khoảng 10% trường hợp đạt phản ứng hoàn toàn.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp giai đoạn giới hạn, tình trạng tái phát bệnh là rất phổ biến. Chỉ khoảng một nửa số người sống được từ 8 đến 10 tháng.

4. Tác dụng phụ của biện pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị là gì?

Thuốc hóa trị thường nhắm vào các tế bào ung thư có khả năng tái tạo nhanh, nhưng cũng có thể gây tổn hại cho các tế bào khỏe mạnh có khả năng tái tạo nhanh tương tự, bao gồm:

  • Các tế bào trong đường tiêu hóa.
  • Nang tóc.
  • Da.

Các tác dụng phụ phổ biến của hóa trị trong điều trị ung thư phổi bao gồm:

  • Táo bón.
  • Vấn đề da.
  • Vết loét miệng.
  • Mất khẩu vị.
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên.
  • Rụng tóc.
  • Mệt mỏi.
  • Tiêu chảy.
  • Nhiễm trùng tăng cao.
  • Dễ bầm tím và chảy máu.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Thiếu máu (số lượng tế bào máu thấp).
Đau bụng là tác dụng phụ phổ biến của quá trình điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị.
Đau bụng là tác dụng phụ phổ biến của quá trình điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ bằng hóa trị.

5. Các phương pháp khác dùng để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ

5.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không được sử dụng như là phương pháp điều trị chính cho ung thư phổi tế bào nhỏ vì hầu hết các trường hợp đã quá trễ để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ngay từ thời điểm ung thư được chẩn đoán.  

Tuy nhiên, phẫu thuật có thể được kết hợp với xạ trị và hóa trị trong trường hợp ung thư chỉ giới hạn ở một bên phổi cũng như các hạch bạch huyết gần đó. Bác sĩ cũng có thể thực hiện phẫu thuật để lấy mẫu mô phổi để xác định loại ung thư phổi người bệnh đang mắc phải. 

Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để lấy mô phổi.
Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để lấy mô phổi.

5.2 Xạ trị

Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn giới hạn. Đôi khi, xạ trị cũng được sử dụng sau liệu pháp hóa trị để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn mở rộng.

Các chuyên gia thường áp dụng liệu pháp xạ trị để giảm các triệu chứng cho những người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ không thể chữa khỏi. Một loại xạ trị được gọi là chiếu xạ sọ dự phòng đôi khi được thực hiện để giảm nguy cơ ung thư di căn sang não.

5.3 Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ thường sử dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp với điều trị ung thư phổi tế bảo nhỏ bằng hóa trị để điều trị ung thư ở giai đoạn di căn.

5.4 Liệu pháp laser

Phương pháp laser sử dụng chùm ánh sáng tập trung để xử lý các tế bào ung thư. Các chuyên gia y tế có thể áp dụng kỹ thuật này để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng như khó thở ở bệnh nhân tái phát SCLC.

5.5. Đặt stent nội soi

Stent nội soi là một thiết bị ống được đặt vào đường hô hấp nhằm giảm tắc nghẽn. Biện pháp này có thể được thực hiện nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc thở. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ