Bị tràn dịch khớp gối uống thuốc gì?

Người bệnh bị tràn dịch khớp gối thường gặp khó khăn khi vận động, đi lại do dịch trong khớp quá nhiều khiến đầu gối bị sưng to, phù nề và gây đau. Nếu để lâu không chữa trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhân nên chủ động đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc các cách chữa tràn dịch khớp gối.

1. Tổng quan về bệnh tràn dịch khớp gối

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tràn dịch khớp gối. Tình trạng này đặc biệt xảy ra ở các đối tượng sau:

  • Người lớn tuổi (từ 55 tuổi trở lên), những người bị thoái hóa khớp gối do tuổi tác;
  • Những người thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, có nguy cơ chấn thương đầu gối cao. Đặc biệt là những môn thể thao yêu cầu các chuyển động đột ngột của khớp như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ...;
  • Tình trạng thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch khớp gối;
  • Người mắc các bệnh lý thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, giả gout, nhiễm khuẩn khớp...

Khi bị tràn dịch khớp gối, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết thông qua các dấu hiệu:

  • Cảm giác đau tại vùng khớp gối, cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến vài ngày tùy từng trường hợp;
  • Khớp gối bị sưng đỏ do lượng dịch khớp tiết ra nhiều;
  • Khó khăn khi co duỗi, gập gối. Khả năng vận động, đi lại cũng giảm.

Khi thấy có những triệu chứng trên, người bệnh nên chủ động đi khám Cơ xương khớp để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cách điều trị.

2. Bệnh tràn dịch khớp gối uống thuốc gì?

Để điều trị bệnh tràn dịch khớp gối, các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:

  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau có thể giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, dễ chịu hơn và nhanh chóng quay về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên cần lưu ý là thuốc này không giúp điều trị hẳn bệnh, các cơn đau đầu gối vẫn có thể tái phát. Việc lạm dụng thuốc giảm đau cũng có thể gây nhờn thuốc và gặp phải các tác dụng ngoài ý muốn;
  • Thuốc kháng sinh: Thường được dùng cho trường hợp tràn dịch do nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh giúp ngăn chặn tình trạng sưng viêm, phòng ngừa nhiễm khuẩn, giúp giảm đau và hạn chế các tổn thương lan rộng;
  • Thuốc kháng viêm corticosteroid: Thường tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm sưng viêm, giảm áp lực lên khớp gối tạm thời. Tuy nhiên các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi chỉ định thuốc này cho người bệnh vì nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao, thuốc kháng viêm corticosteroid có thể làm ảnh hưởng đến gan thận, gây chóng mặt và hạ đường huyết;
  • Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Thường được dùng trong các trường hợp viêm khớp, chấn thương.

Tự ý điều trị bệnh tràn dịch khớp gối bằng thuốc Tây có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, người bệnh cần dùng thuốc dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ.

3. Các cách chữa tràn dịch khớp gối hiệu quả

Ngoài điều trị bằng thuốc và áp dụng mẹo chữa tràn dịch khớp gối theo dân gian, người bệnh cũng có thể cân nhắc loại bỏ dịch nhầy ở khớp gối bằng các cách:

  • Nội soi chọc hút ổ dịch khớp: Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để chọc hút bớt chất dịch ở đầu gối ra ngoài. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiêm Steroid để giảm sưng viêm;
  • Vật lý trị liệu: Bệnh nhân được khuyến khích tập các bài tập vận động để giúp tăng diện tích khớp và cải thiện khả năng vận động của khớp. Nhờ đó, đầu gối sẽ chắc khỏe hơn và điều tiết dịch nhầy tốt hơn;
  • Mổ nội soi khớp: Bác sĩ sẽ dùng 1 ống ánh sáng đưa vào khớp gối và sửa chữa vị trí các khớp có vấn đề, phục hồi tổn thương ở sụn khớp, cải thiện tình trạng tràn dịch khớp;
  • Thay khớp gối: Nếu tình trạng tràn dịch khớp gối vẫn tái phát dù đã áp dụng các biện pháp điều trị kể trên, bác sĩ buộc phải thực hiện phẫu thuật thay khớp gối bởi các bộ phận trong khớp như: sụn, xương, dây chằng... đã bị tổn thương quá nặng không thể phục hồi.

Để tránh phải phẫu thuật tràn dịch khớp gối, người bệnh đừng nên chần chừ đến bệnh viện kiểm tra khi đầu gối có biểu hiện sưng phù nề, đau nhức. Dù cho không phải là do tăng dịch khớp gối thì một khi xuất hiện những dấu hiệu kể trên tức là đầu gối của bạn đang có vấn đề cần được giải quyết.

4. Chế độ chăm sóc người bị tràn dịch khớp gối

Việc điều trị bệnh tràn dịch khớp gối bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh, cách thức điều trị... Để có thể nhanh chóng khỏi bệnh thì người bệnh cần đi khám và điều trị từ sớm, không nên để bệnh trở nặng sẽ có nguy cơ dẫn đến biến chứng và lâu hồi phục hơn.

Để điều trị và phòng tránh tràn dịch khớp gối hiệu quả, dưới đây là một số gợi ý bạn có thể tham khảo:

  • Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, duy trì mức cân nặng phù hợp (nếu thừa cân nên giảm cân);
  • Bổ sung các thực phẩm giàu Canxi, vitamin C, vitamin D, Omega-3 tốt cho dịch khớp. Hạn chế các thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn...;
  • Lao động vừa sức, tránh hoạt động mạnh và mang vác vật quá nặng;
  • Tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày để duy trì độ linh hoạt cho xương khớp, tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh đầu gối. Ưu tiên các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, yoga và cân nhắc giảm dần các môn có khả năng chấn thương đầu gối cao;
  • Tránh thay đổi chuyển động đột ngột khi di chuyển, chơi thể thao;
  • Kiểm tra sức khỏe xương khớp thường xuyên theo lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa;

Ngoài ra nếu điều trị tràn dịch khớp gối bằng thuốc, người dùng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Tuyệt đối tuân theo hướng dẫn về loại thuốc, liều dùng. Không tự ý dừng thuốc, tăng hay giảm lượng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan