Bị trật khớp cổ tay phải làm sao? Bao lâu thì khỏi?

Trật khớp cổ tay là một chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi do vận động không đúng cách trong sinh hoạt, chơi thể thao hay lao động. Trật khớp cổ tay nếu không được xử trí đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như gãy xương, tổn thương mạch máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, thoái hóa khớp,...

1. Trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay hay còn được gọi là sai khớp cổ tay là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp tuy nhiên thường gặp nhất đó là các khớp hoạt dịch.

Trật khớp cổ tay xảy ra khi có các lực mạnh tác động lên cổ tay đột ngột hoặc liên tục dẫn tới tổn thương dây chằng. Khi dây chằng bị đứt, cổ tay sẽ không còn được bảo vệ khiến cho phần đầu xương cổ tay bị lệch khỏi vị trí cố định trong ổ khớp gây ra tình trạng trật khớp cổ tay. Dấu hiệu trật khớp cổ tay bao gồm:

  • Đau cổ tay dữ dội liên tục.
  • Bàn tay bị lệch.
  • Tại vị trí cổ tay thấy có dấu hiệu bị sưng, phù nề.
  • Cổ tay khó cử động hơn trước, không xoay cổ tay được, không thể cầm cầm nắm các vật nặng, tình trạng nghiêm trọng hơn có thể không cử động được cổ tay.

Tình trạng trật khớp cổ tay sẽ diễn ra liên tục trong những ngày sau, biểu hiện đau nhức ngày càng nhiều khiến cho cổ tay khó cử động và không thể cầm nắm vật nặng.

2. Trật khớp cổ tay phải làm sao?

Khi bị sai khớp cổ tay, người bệnh cần phải được xử trí đúng cách nhằm tránh những tai biến có thể xảy ra. Vậy trật khớp cổ tay phải làm sao? Một số lưu ý khi bị trật khớp cổ tay bao gồm:

  • Cho người bệnh dừng lại mọi hoạt động, không di chuyển bệnh nhân đi chỗ khác.
  • Sử dụng chườm đá thật nhẹ nhàng lên chỗ bị trật khớp để giúp giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên không sử dụng đá lạnh chườm trực tiếp vào vết thương mà cần quấn qua lớp khăn tránh hiện tượng bỏng lạnh.
  • Không tự ý nắn khớp bị trật về vị trí ban đầu nếu người sơ cứu không có chuyên môn y học.
  • Giữ nguyên vết thương bằng cách sử dụng gạc hoặc vải để buộc lại.
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám và can thiệp đúng cách.

Khi bị trật khớp cổ tay, nếu không được xử trí đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng như:

  • Gãy xương: trật khớp có thể đi kèm với gãy xương.
  • Chảy máu: Chảy máu thường đi kèm với những tổn thương tại mô mềm nghiêm trọng.
  • Tổn thương mạch máu: Một số trường hợp bị trật khớp cổ tay dạng kín có thể dẫn tới thiếu máu cục bộ ở ngoại vi. Tổn thương mạch máu có thể xuất hiện trên lâm sàng vài giờ sau chấn thương.
  • Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh có thể bị tổn thương do căng giãn khi trật khớp hoặc có thể bị đứt trong trật khớp hở
  • Nhiễm trùng: Bất kỳ tổn thương nào tại khớp cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ nhiễm trùng cao phụ thuộc về những bệnh nhân trật khớp hở hoặc phải phẫu thuật. Nhiễm trùng cấp tính có thể dẫn tới viêm xương và rất khó điều trị khỏi.
  • Mất vững: Sai khớp cổ tay có thể dẫn tới sự mất vững khớp. Sự mất vững của khớp có thể làm mất chức năng và tăng nguy cơ thoái hóa khớp
  • Cứng khớp và hạn chế vận động: Nếu khớp cổ tay bị bất động quá lâu thì tình trạng cứng khớp sẽ xảy ra sớm hơn. Đặc biệt, khớp cổ tay rất dễ bị cứng khớp sau chấn thương, nhất là ở người cao tuổi.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp xuất hiện chủ yếu khi mạch máu nuôi khớp bị tổn thương.
trật khớp cổ tay phải làm sao
Giải đáp trật khớp cổ tay phải làm sao?

3. Điều trị khi bị trật khớp cổ tay

3.1 Điều trị cấp cứu ban đầu

Trước tiên, bệnh nhân trật khớp cổ tay cần hay bất kỳ vị trí nào khác cần được xử lý, kiểm soát các tình trạng cấp cứu ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh như tình trạng shock do đau, shock mất máu do trật khớp hở có kèm theo tổn thương mạch. Giảm đau ngay cho người bệnh bằng các loại thuốc giảm đau.

Nếu có nghi ngờ bị trật khớp hở thì cần tiến hành băng kín vị trí trật khớp bằng gạc vô trùng, đồng thời tiêm uốn ván và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Sau đó là phẫu thuật nhằm cắt lọc và làm sạch phòng ngừa nhiễm trùng. Hầu hết những trường hợp bị trật khớp cổ tay mức độ vừa và nặng cần bất động khớp bằng nẹp để giảm đau và tránh những tổn thương thứ phát không đáng có như tổn thương thần kinh, mạch máu hay mô mềm xung quanh do khớp mất vững.

3.2 Nắn chỉnh

Nắn chỉnh khớp là phương pháp điều trị không cần rạch da bộc lộ khớp, thường được ưu tiên khi có thể. Đối với những trường hợp nắn kín thất bại thì cần tiến hành phẫu thuật đặt lại khớp cổ tay. Sau khi nắn chỉnh khớp trật thành công, người bệnh được khuyên cần:

  • Bất động khớp bằng cách sử dụng nẹp bất động, bó bột hoặc sử dụng nạng ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
  • Băng ép và chườm đá lạnh là biện pháp giúp giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc bằng túi nhựa hoặc khăn, chườm lạnh càng sớm càng tốt trong thời gian 15-20 phút đầu tiên, chườm liên tục từ 24-48 giờ sau nắn, có thể băng ép hoặc nẹp cố định vị trí chấn thương.
  • Kê cao chi bị chấn thương trên mức tim trong vòng 2 ngày đầu để máu về tim không gián đoạn giúp dẫn lưu máu tĩnh mạch tốt theo chiều trọng lực nhằm hạn chế phù nề.
  • Sau 48 giờ, có thể chuyển sang biện pháp chườm ấm (ví dụ sử dụng tấm đệm sưởi ấm) trong 15-20 phút để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục tổn thương nhanh hơn.

3.3 Cố định

Cố định khớp cổ tay có tác dụng giảm đau và kích thích phục hồi nhanh, ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Nên bất động trên dưới khớp bị tổn thương. Những biện pháp bất động thường được sử dụng đó là:

  • Bó bột: thường được sử dụng khi bị trật khớp cổ tay có kèm với gãy xương đơn giản hoặc các thương tích khác cần cố định trên một tuần. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị phù nề chi sau khi bó bột khi cần rạch dọc bột và lớp đệm toàn bộ chiều dài phía trong và phía ngoài. Bệnh nhân được hướng dẫn khám lại khi đau nhiều, cảm thấy bột quá chặt, hay tê bì yếu chi sau khi bó bột,...
  • Dùng nẹp: nẹp được sử dụng để bất động khớp cổ tay bị trật sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, nẹp bất động giúp giảm phù nề, do vậy hiếm khi dẫn tới hội chứng khoang sau nẹp.
  • Cố định bằng đai đeo phù hợp nhằm hỗ trợ khớp trật và giới hạn vận động.

Nếu bất động kéo dài (ở người trẻ tuổi >3-4 tuần) có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm và thậm chí teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh và tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Vận động thụ động chi tổn thương trong vài ngày thậm chí vài tuần sau chấn thương sẽ giảm co rút phần mềm, teo cơ và tăng phục hồi chức năng chi. Do vậy, người bệnh cần phải tập các bài tập trong quá trình cố định, giúp cải thiện tầm vận động khớp, tăng cường độ vững của khớp cổ tay bị tổn thương, sức cơ nhằm duy trì càng nhiều chức năng càng tốt. Từ đó có thể phòng ngừa trật khớp cổ tay tái phát và giảm chức năng khớp về sau.

trật khớp cổ tay phải làm sao
Cố định khớp cổ tay có tác dụng giảm đau và kích thích phục hồi nhanh

4. Trật khớp cổ tay bao lâu thì khỏi?

Trật khớp cổ tay bao lâu thì khỏi” là một câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Tùy theo từng trường hợp trật khớp cổ tay cụ thể sẽ có thời gian phục hồi khác nhau, điều này phụ thuộc vào vị trí khớp trật, trật khớp cổ tay hở hay kín, các tổn thương phối hợp khác, thời gian được phát hiện và điều trị, thể trạng nền của người bệnh và chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng như tuân thủ điều trị. Phần lớn những trường hợp bị trật khớp cổ tay cấp tính sau khi được nắn chỉnh và cố định người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn trong vài tuần.

Do vậy, để phục hồi trật khớp cổ tay nhanh chóng, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị, đồng thời có một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối với 6 nhóm chất trong thực phẩm quan trọng sẽ giúp người bệnh thúc đẩy quá trình phục hồi. 6 nhóm chất bao gồm:

Tóm lại, trật khớp cổ tay hay sai khớp cổ tay là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp tuy nhiên thường gặp nhất đó là các khớp hoạt dịch. Trật khớp cổ tay nếu không được xử trí đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như gãy xương, tổn thương mạch máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, thoái hóa khớp,... Do vậy, khi bị trật khớp cần được sơ cấp cứu đúng cách và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

189.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan