Các biến chứng sau mổ kết hợp xương có thể gặp

Phẫu thuật kết hợp xương là phương pháp điều trị gãy xương đang được áp dụng phổ biến hiện nay vì có hiệu quả cao, ít biến chứng, giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Tuy vậy, sau phẫu thuật, vẫn có trường hợp bệnh nhân gặp phải một số biến chứng không mong muốn như đau, cứng khớp, teo cơ,...

1. Phẫu thuật kết hợp xương là gì?

Kết hợp xương là kỹ thuật sử dụng các thiết bị cấy ghép hiện đại để cố định đầu xương gãy sau khi được nắn chỉnh về tư thế giải phẫu. Kết hợp xương có thể mổ mở hoặc nội soi nhằm mục đích cố định vững chắc ổ gãy xương, giúp bệnh nhân tập vận động phục hồi chức năng sớm, thúc đẩy xương liền nhanh và người bệnh sớm quay trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường.

Các phương pháp kết hợp xương gồm: Kết hợp xương bên trong và kết hợp xương bằng khung cố định ngoài. Kết hợp xương bên trong có 2 phương pháp là gồm kết hợp xương bằng nẹp vít và kết hợp xương bằng đinh nội tủy. Mỗi phương pháp có đặc điểm riêng, được chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể.

2. Các biến chứng sau mổ kết hợp xương

Kết hợp xương điều trị chấn thương trẻ em
Kết hợp xương là kỹ thuật sử dụng các thiết bị cấy ghép hiện đại để cố định đầu xương gãy

Sau phẫu thuật kết hợp xương, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Đau hậu phẫu: Đau là một hiện tượng sinh lý thường gặp nhằm bảo vệ cơ thể. Nếu vượt ngưỡng đau của cơ thể, tình trạng này sẽ khiến bệnh nhân khó chịu. Đau hậu phẫu kết hợp xương chủ yếu là đau do vết mổ, cơn đau nhiều nhất là sau khi hết tác dụng của thuốc mê hoặc thuốc tê thần kinh, thường là đêm đầu tiên sau mổ. Sau đó, cơn đau giảm dần và thường kéo dài không quá 3 ngày. Mức độ đau nhiều, ít phụ thuộc vào mức độ sang chấn của mô trong quá trình phẫu thuật. Cụ thể, những ca gãy nát xương, dập thịt nhiều, gãy cũ thường đau nhiều vì phải phẫu thuật phức tạp hơn, sang chấn nhiều hơn. Thời gian phẫu thuật càng kéo dài thì phẫu thuật càng đau nhiều;
  • Chảy máu: Thông thường vết mổ sẽ tự cầm máu sau 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị rỉ máu, dịch sau khoảng 7 - 10 ngày;
  • Tác dụng phụ do dùng thuốc hậu phẫu: Dùng kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy;
  • Nhiễm trùng: Tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ cao hơn ở bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá;
  • Sưng phù: Phẫu thuật kết hợp xương gây sự chèn ép các mạch máu, cản trở lưu thông máu, gây sưng phù sau mổ;
  • Một số biến chứng tại chỗ: Xương chậm liền, xương không liền, xương liền bị lệch, viêm xương tủy xương, đứt dập mạch máu, tổn thương thần kinh lân cận, teo cơ, xơ cứng, hạn chế vận động,... Các biến chứng này là do tác động của lực chấn thương vào vị trí gãy xương và tổ chức phần mềm xung quanh hoặc do phương pháp điều trị không phù hợp, quá trình phục hồi sai nguyên tắc;
  • Một số biến chứng toàn thân: Loét các điểm tỳ đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, táo bón, khó tiêu, chướng bụng, nhiễm trùng tiểu,... do bệnh nhân nằm lâu, ít vận động. Đây là biến chứng gặp trong thời gian phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật kết hợp xương.

3. Điều trị phẫu thuật kết hợp xương ở đâu?

Các biến chứng sau mổ kết hợp xương có thể dự phòng được nếu bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện lớn, có hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang áp dụng kỹ thuật điều trị kết hợp xương ít xâm lấn, phòng ngừa biến chứng cho bệnh nhân gãy xương.

Phòng mổ Hybrid
Phẫu thuật kết hợp xương tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan