Các phương pháp chẩn đoán, điều trị lao cột sống

Lao cột sống là một bệnh lý lao thứ phát, đây là bệnh thường gặp nhất trong hệ vận động. Trước đây, lao xương cột sống là thách thức trong điều trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện y học đã có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, khi có những dấu hiệu khởi phát như đau lưng, mệt mỏi, chán ăn...

1. Chẩn đoán lao cột sống

1.1 Triệu chứng lâm sàng của bệnh lao xương cột sống

Bệnh lao cột sống làm phá huỷ các thân đốt sống, bệnh xảy ra âm thầm, các triệu chứng xuất hiện rất chậm. Các triệu chứng chủ quan của bệnh cũng tương tự như với lao phổi: sốt nhẹ về chiều, người bệnh biếng ăn hay chán ăn, mất trọng lượng cơ thể, ốm dần, mỏi mệt...Ngoài ra, một số dấu hiệu điển hình chẩn đoán bệnh lao cột sống bao gồm:

  • Cảm giác đau: Lúc đầu đau âm ỉ, đau tăng từ chiều đến đêm, đặc biệt đau tập trung ở nơi đốt sống bị tổn thương. Khi người bệnh ngồi lên hoặc đi lại thì cơn đau càng tăng thêm. Đau thường khu trú ở 1, 2 đốt sống ở vùng ngực nếu mắc phải lao cột sống ngực. Đau sẽ càng ngày càng tăng cường độ đặc biệt là khi mắc phải lao vùng thắt lưng. Đau do bệnh lao cột sống thắt lưng thường dữ dội hơn cả đau thần kinh tọa. Khi cột sống thắt lưng bị phá hủy nặng, 1 hoặc 2 chân sẽ co giật và cơn đau sẽ lan theo rễ thần kinh bị chèn ép. Đau giả thần kinh tọa là một ám ảnh lớn của người bệnh khi mắc bệnh lao cột sống thắt lưng thấp.
  • Dấu hiệu teo chân: Chân người bệnh teo nhỏ lại, đặc biệt là vùng trước ngoài cẳng chân hay vùng bắp chuối chân, thường thấy trong bệnh lao cột sống thắt lưng. Teo 1 hay 2 chân có thể xuất hiện nhanh do chèn ép rễ thần kinh cẳng chân. Teo đồng bộ cả 2 chân có thể thấy trong liệt vận động 2 chân hoặc do chèn ép tủy sống, xuất hiện chậm hơn.
  • Triệu chứng rối loạn biến dưỡng da, lông, móng, thường thấy ở 2 chân khi có tình trạng chèn ép rễ thần kinh.
  • Áp xe do lao: Dấu hiệu thường thấy là nổi phồng lên trong ổ bụng dưới bên phải hoặc bên trái, khi áp xe lớn sẽ chui qua dây chằng bẹn, xuống đùi. Hiện tượng rò mủ xảy ra khi kích thước áp xe quá lớn dưới da, áp xe có thể bể và chảy mủ ra da. Chỗ rò mủ thường rất khó lành nếu bệnh nhân không được chẩn đoán nguyên nhân do lao cột sống và không được điều trị kháng lao đúng mức.
  • Liệt vận động cả hai chân thường thấy hơn liệt vận động tứ chi, đa phần là do lao cột sống ngực thấp. Liệt vận động tứ chi hay liệt vận động 2 chân là biến chứng nặng nề nhất, có thể dẫn đến tử vong.

1.2 Cận lâm sàng của bệnh lao xương cột sống

Chụp X quang bệnh lao cột sống
Hình ảnh chụp X-quang bệnh lao xương cột sống

  • X-quang thường quy: Phát hiện tổn thương lao rất chậm, khi bệnh đã diễn biến lâu, tổn thương lao cột sống đã quá nặng nề sau vài tháng.
  • Hình ảnh chụp cộng hưởng từ: Giúp chẩn đoán bệnh lao cột sống sớm nhất trong tháng đầu, từ khi bắt đầu khởi phát bệnh.
  • X-quang cắt lớp điện toán: Xem rõ sự phá hủy thân đốt sống và tính kế hoạch phẫu thuật hàn xương.
  • Các xét nghiệm máu: Chỉ mang mục đích hỗ trợ.
  • Xét nghiệm PCR: Giúp chẩn đoán xác định sau khi lấy được các bệnh phẩm như mủ, bã đậu hay xương chết trong ổ lao.
  • Giải phẫu bệnh: Kết luận lao cột sống khi phát hiện các san thương lao đặc thù, nhưng phương pháp này chiếm tỷ lệ chẩn đoán xác định không cao.

2. Điều trị bệnh lao cột sống

Uống thuốc quá liều có sao không
Nếu phát hiện bệnh kịp thời có thể điều trị bằng thuốc kháng lao

Ngày nay, tỷ lệ bệnh lao cột sống nhìn chung giảm nhiều do chất lượng cuộc sống ngày càng cao, tuy nhiên quá trình điều trị có thể chuyển bến phức tạp hơn khi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng lao nhưng không khỏi, lúc này cần phải áp dụng giải pháp phẫu thuật để dọn sạch ổ lao, dọn sạch mủ, mô bã đậu, xương chết, đĩa sống hư biến dạng gây chèn ép tuỷ sống hay chèn ép rễ thần kinh.

Chẩn đoán sớm bệnh lao cột sống và cách điều trị đóng vai trò rất quan trọng, vì bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn khỏi bệnh nếu phát hiện kịp thời. Điều trị thuốc kháng lao là chủ yếu và không cần mang nẹp thân, không cần nhập viện, không cần hạn chế làm các việc nhẹ, bệnh nhân vẫn sinh hoạt hàng ngày như bình thường. Thuốc kháng lao khi sử dụng phải được dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc - ngưng thuốc. Bệnh nhân điều trị lao cột sống cần thực hiện đúng nguyên tắc 3 Đ: “Đúng – Đều – Đủ” nhằm tránh lao tái phát, lao kháng thuốc.

Thống kê có khoảng 12% bệnh nhân cần phải nhờ đến phương pháp phẫu thuật điều trị. Chỉ định mổ cần thận trọng trong các trường hợp như: ổ áp xe lao lớn, bệnh nhân than đau nhiều, liệt vận động cả hai chân hoặc liệt tứ chi... Phẫu thuật kinh điển là mổ lối vào trước xương sống để dọn dẹp ổ lao, ghép xương liên thân đốt từ đốt lành bên trên qua đốt lành bên dưới. Nếu người bệnh có điều kiện, bác sĩ có thể áp dụng thêm dụng cụ cố định cột sống trước hoặc sau. Nếu chỉ dọn dẹp ổ lao và ghép xương thì thời gian nằm để chờ lành xương là khoảng 2 tháng, nếu phẫu thuật có kèm theo cố định dụng cụ thì chỉ vài ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể ngồi lên và tập luyện đi lại.

Lưu ý khi điều trị lao cột sống: Cho dù bệnh nhân được điều trị bảo tồn hay điều trị bằng phẫu thuật thì thuốc kháng lao khi sử dụng vẫn phải dùng đúng thời gian (dùng liên tục cho đến khi đủ một năm), dùng đúng cách (uống buổi sáng lúc bụng đói), uống đủ thuốc, đúng liều lượng...

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan