Tại sao tay bạn bị đau?

Bị đau tay trái, đau tay phải, thậm chí là cả hai tay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như vận động sinh hoạt hàng ngày của bạn. Triệu chứng của đau tay có thể khiến bệnh nhân nhầm lẫn giữa các bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau tay.

1. Viêm xương khớp

Viêm xương khớp xảy ra khi có thương tổn hoặc lớp bôi trơn được gọi là sụn bao bọc các đầu xương tại khớp bị mòn. Tình trạng này giải thích tại sao cổ tay bị đau, khớp bị sưng, cứng và khó cử động. Những vị trí phổ biến nhất ở thoái hóa khớp bàn tay là khớp ngón tay và khu vực giao nhau giữa ngón tay cái với cổ tay. Nghỉ ngơi, nẹp, thuốc chống viêm và các bài tập tay chuyên sâu có thể làm dịu các triệu chứng khi bị đau tay. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

2. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến các tế bào có nhiệm vụ bôi trơn khớp. Mô hoạt dịch sẽ sưng lên và làm mòn sụn, xương. Phản ứng viêm cũng có thể lan đến các gân liên kết xương với cơ. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau tay và cứng khớp bằng thuốc, tiêm steroid và trong một số trường hợp, dù hiếm gặp, có thể cần phẫu thuật.

3. Hội chứng ống cổ tay

Dây thần kinh giữa, mạch máu và gân đi qua một lối đi trong cổ tay của bạn được gọi là ống cổ tay. Nếu vì bất kỳ lý do gì gây sưng viêm bên trong đường hầm đè lên dây thần kinh giữa, bạn có thể bị đau, tê, ngứa ran và yếu cơ bàn tay. Theo đó, người mắc hội chứng ống cổ tay thường bị đau tay phải vì thuận tay khi làm việc hơn là bị đau tay trái. Nếu bệnh diễn tiến nặng thì vẫn có thể bị đau tay cả hai bên. Điều trị bằng thuốc kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện các triệu chứng: Cụ thể bằng nẹp, tiêm steroid...

Đau cổ tay kéo dài 5 tuần có sao không?
Cổ tay bị đau do hội chứng ống cổ tay

4. Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Theo thời gian, lượng đường trong máu có thể làm tổn thương các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não của bạn cũng như các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng. Tình trạng này cũng là nguyên nhân tại sao cổ tay bị đau, ngứa ran, bỏng rát và tê ở bàn tay, trở nên nhạy cảm hơn với cả chạm nhẹ. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng này bằng thuốc, hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, quan trọng là phải ổn định đường huyết nếu mắc phải bệnh thần kinh do đái tháo đường hoặc bất kỳ tình trạng nào khác có thể gây ra vấn đề.

5. Viêm bao gân De Quervain

Bạn có thể nhận thấy ngón tay cái và cổ tay bị viêm và đau, đặc biệt là khi bạn nắm hoặc vặn vật gì đó. Các chuyển động tay lặp đi lặp lại thường gây đau tay do nguyên nhân này, gọi là viêm bao gân De Quervain. Bác sĩ có thể điều trị viêm bao gân De Quervain bằng nẹp và thuốc chống viêm và trong một số trường hợp phải làm phẫu thuật.

6. Viêm gân

Các sợi dây chằng nối giữa cơ nhỏ của bàn tay với xương từ từ mòn đi và bị viêm. Lòng bàn tay hoặc ngón tay của bạn có thể bị đau và cơn đau có thể di chuyển lên cánh tay của bạn. Bạn có thể điều trị bằng nước đá, đệm sưởi, nẹp, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các bài tập chuyên biệt do bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn

7. Nang hoạt dịch

Nang hoạt dịch là một túi chứa đầy chất lỏng, thường xuất hiện ở đầu hoặc cuối cổ tay hoặc ở gốc ngón tay của bạn. Nang có thể thay đổi kích thước và thậm chí biến mất. Bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm để giảm đau và nẹp để ngăn một số cử động tay nhất định. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị dẫn lưu bằng kim hoặc cần đến phẫu thuật.

tại sao cổ tay bị đau
Cổ tay bị đau có thể là do gãy xương

8. Gãy xương

Gãy xương bao gồm các tình trạng gãy hoặc nứt một hay nhiều xương trên bàn tay, thường là khi bạn bị ngã hoặc bị một vật nặng rơi vào bàn tay. Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh bị đau tay mà còn gây sưng lên, biến dạng, cảm giác khó cử động hay bất động. Cách điều trị là cố định vị trí gãy xương bằng một số loại bó bột hoặc nẹp, nhưng đối với những trường hợp gãy xương nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phẫu thuật.

9. Bong gân

Dây chằng, phần mô kết nối xương của bạn,có thể bị rách và dẫn tới bong gân. Điều này thường xảy ra khi bạn cử động tay vượt quá biên độ cho phép hay trong các trường hợp gãy xương. Bong gân thường ảnh hưởng đến khớp ngón tay cái hoặc đốt ngón tay giữa trên các ngón tay. Hãy xin tư vấn của bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn khi sử dụng tay hoặc cơn đau tay trở nên nghiêm trọng hay tiếp tục kéo dài hơn một vài ngày. Nếu mức độ nhẹ, áp dụng nguyên tắc RICE - nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao – sẽ hiệu quả cao trong giảm đau tay và sưng tấy.

10. Căng cơ

Tình trạng này xảy ra khi bạn bị rách cơ hoặc gân ở tay, thường là các gân nối cơ cẳng tay với xương ngón tay. Hoàn cảnh này có thể xảy ra một cách đột ngột do bị ngã hoặc từ từ theo thời gian, đặc biệt nếu bạn sử dụng tay nhiều trong công việc để nâng vật nặng, đánh máy hoặc sắp xếp đồ đạc. Tuân theo nguyên tắc RICE trong thời gian ngắn hạn và đến gặp bác sĩ nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không biến mất.

11. Ngón tay cò súng

Đôi khi sợi gân giúp cử động một trong các ngón tay của bạn có thể bị phù nề hay bị sưng lên. Điều này có thể khiến bạn khó cử động ngón tay, đau nhức hay có cảm giác rằng có thứ gì đó đang "bắt lại". Lúc này, hiện tượng ngón tay cò súng sẽ xảy ra khi ngón tay thậm chí có thể bị kẹt ở vị trí đang gấp cong. Nẹp và thuốc chống viêm trong các trường hợp này có thể đem lại tác dụng nhưng người bệnh có thể cần đến phẫu thuật để khắc phục vấn đề.

12. Co thắt Dupuytren

Mô ngay bên dưới da hay cân lòng bàn tay thường dày hơn so với mô trong lòng bàn tay và ngón tay. Bạn có thể nhận thấy các vết sưng, u cục trên lòng bàn tay. Điều này có thể khiến các ngón tay của bạn cong về phía lòng bàn tay, thường xảy ra tại ngón út và ngón đeo nhẫn. Mặc dù co thắt Dupuytren thường không gây đau đớn, bác sĩ có thể đề nghị tiêm giảm đau hoặc phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng.

13. Bệnh Gout

Bệnh Gout là được hiểu là một chất chuyển hóa của cơ thể được gọi là axit uric tích tụ và tạo thành các tinh thể, thường ở ngón chân cái nhưng cũng có khi ở bàn tay và cổ tay. Các tinh thể từ axit uric gây đau và sưng tấy tại khớp dữ dội. Bác sĩ có thể giúp bạn điều trị cơn bằng cách nghỉ ngơi và dùng thuốc. Những thay đổi trong chế độ ăn uống và tập thể dục mới quan trọng, cùng với thuốc, có thể làm giảm các đợt gout cấp trong tương lai.

14. Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud xảy ra khi các mạch máu ở tay phản ứng quá mức với nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng, co lại và làm hạn chế nguồn cung cấp máu đến nuôi đầu chi. Điều này có thể làm cho các ngón tay và ngón chân của bạn bị lạnh và tê liệt. Hội chứng Raynaud thậm chí có thể khiến đầu chi chuyển sang màu trắng hoặc xanh lam. Khi máu được tưới trở lại, đầu ngón có thể bắt đầu có cảm giác ngứa ran và đau nhức. Một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương mô. Trong một số trường hợp hiếm, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

593 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan