Uống thuốc gút như thế nào cho đúng cách?

Gút (gout) là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ biến chứng cao. Vì vậy, người bệnh cần uống thuốc gout đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng và cách dùng để kiểm soát bệnh tốt nhất.

1. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout

Gút là 1 bệnh khớp vi tinh thể. Nguyên nhân gây bệnh là do acid uric máu tăng, lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp, gây viêm khớp. Ở Việt Nam, bệnh gút đang trở nên phổ biến, đứng thứ 4 trong 15 bệnh khớp thường gặp nhất.

Khi mắc bệnh gout mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng, dẫn tới những hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong. Có 4 loại biến chứng của bệnh gout là:

  • Biến chứng liên quan tới tổn thương xương khớp: Là tình trạng hủy hoại khớp, đầu xương, khiến bệnh nhân tàn phế. Các hạt tophi bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào khớp, gây viêm khớp nhiễm khuẩn, thậm chí là nhiễm trùng khớp;
  • Biến chứng liên quan tới tổn thương thận: Thận ứ nước ứ mủ, sỏi thận, suy thận, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,...;
  • Biến chứng liên quan đến chẩn đoán nhầm: Bệnh gút thường bị chẩn đoán nhầm sang viêm khớp nhiễm khuẩn, được điều trị bằng nhiều loại kháng sinh khác nhau. Người bệnh có nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí có thể tử vong. Một trong những chẩn đoán nhầm khác là sang viêm khớp dạng thấp. Từ đó, người bệnh được điều trị tràn lan bằng các loại thuốc chống viêm không steroid, dexamethason, prednisolon. Hậu quả là dẫn tới biến chứng loãng xương, gãy xương, lao, tiểu đường, tăng huyết áp,...;
  • Biến chứng liên quan tới tai biến do dùng thuốc: Kể cả khi chẩn đoán đúng, việc điều trị bệnh gút vẫn có thể gây tai biến. Các thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan như thận, hệ tiêu hóa, máu, gây dị ứng,...

2. Nguyên tắc điều trị bệnh gút

Người bệnh gút cần xác định tư tưởng điều trị lâu dài, không được bỏ thuốc kể cả khi bệnh có biểu hiện thuyên giảm. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh trong thời gian dài. Ngoài ra, người bệnh nên tích cực phối hợp với bác sĩ trong việc điều trị, ngăn ngừa biến chứng của bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc đúng.

Để trị bệnh hiệu quả, cần thường xuyên kiểm tra acid uric máu, acid uric niệu và chức năng thận. Đồng thời, người bệnh cũng cần được chẩn đoán, điều trị các bệnh đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid,...

Gút có 2 thể là: Cấp tính và mãn tính. Hiện nay, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Mục đích chính của việc điều trị là làm giảm cơn đau do gút và ngăn ngừa sự gia tăng của acid uric trong máu.

3. Uống thuốc gout thế nào đúng cách?

Các thuốc điều trị bệnh gout hiện bao gồm: Thuốc điều trị triệu chứng (giúp người bệnh giảm đau đớn khi bị cơn gút cấp) và thuốc điều trị dự phòng (kéo giãn khoảng cách giữa các cơn gút, ngăn ngừa các cơn tấn công, tránh sự hình thành sạn thận và khối u quanh khớp bị gút).

Vậy uống thuốc gút như thế nào cho đúng cách? Sau đây là một số loại thuốc và hướng dẫn sử dụng:

3.1 Thuốc điều trị cơn gút cấp

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cơn gút cấp là:

Colchicin

Đây là loại thuốc được sử dụng để làm giảm đau trong các đợt gút cấp. Bệnh nhân nên dùng thuốc càng sớm càng tốt (trong vòng 12 giờ đầu tiên sau khi khởi phát cơn gút).

Tuy nhiên, khi uống thuốc gout Colchicin, nếu có triệu chứng nôn hoặc tiêu chảy thì người bệnh nên giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Đồng thời, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để được điều chỉnh về liều dùng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác. Ngoài ra, thuốc Colchicin có thể gây nổi mề đay, suy giảm tủy xương, ban đỏ dạng sởi, viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc,... Tuy nhiên, các tác dụng phụ này rất hiếm gặp nếu bệnh nhân sử dụng đúng liều.

Sử dụng thuốc Colchicin thận trọng ở người bệnh có tiền sử mắc bệnh dạ dày - ruột, gan, tim, thận. Những bệnh nhân mắc các bệnh trên trầm trọng không nên sử dụng thuốc Colchicin. Đồng thời, cần thận trọng khi dùng thuốc cho người già, người có sức khỏe yếu, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bú. Ngoài ra, không nên dùng Colchicin trong thời gian dài vì có thể gây các bệnh về nhược cơ. Trong trường hợp người bệnh không sử dụng được Colchicin, có thể dự phòng bằng các loại thuốc kháng viêm không steroid với liều thấp.

Thuốc kháng viêm không steroid

Người bị bệnh gút có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc sau: Indomethacin, naproxen, ketoprofen, ibuprofen, piroxicam, diclofenac,... hoặc các nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, meloxicam, etoricoxib,...).

Tuy nhiên, do nhóm thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên chống chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân bị gút mắc kèm theo các bệnh như suy thận, viêm loét dạ dày - tá tràng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng uống thuốc gout phối hợp thuốc kháng viêm không steroid với Colchicin để nâng cao tác dụng, hạn chế các phản ứng bất lợi của cả 2 loại thuốc.

Corticoid

Thuốc Corticoid đường toàn thân sẽ được bác sĩ chỉ định khi các thuốc kể trên không có hiệu quả hoặc chống chỉ định ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, vì Corticoid có nhiều tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan trên cơ thể nên cần sử dụng hạn chế, chỉ dùng ngắn ngày theo chỉ định, có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài việc điều trị chống viêm, giảm đau, bệnh nhân còn cần sử dụng thêm thuốc hạ acid uric máu để dự phòng cơn gút cấp.

3.2 Thuốc dự phòng cơn gút cấp

Uống thuốc gout thế nào? Vì các thuốc làm giảm triệu chứng của cơn gút cấp kể trên không thể ngăn chặn sự gia tăng của acid uric máu nên không dự phòng được cơn gút tiếp theo. Biện pháp lâu dài và tốt nhất là sử dụng các loại thuốc làm giảm nồng độ acid uric để ngăn chặn sự lắng đọng của các tinh thể urat trong xương.

Các thuốc thường được sử dụng là:

Allopurinol

Đây là loại thuốc hàng đầu được sử dụng. Tuy nhiên, khi mới dùng, nên bắt đầu với liều thấp, sau tăng dần mỗi 3 - 4 tuần/lần cho tới khi nồng độ acid uric máu của bệnh nhân trở lại mức bình thường. Do thuốc Allopurinol gây độc cho thận nên cần thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử suy thận.

Trong quá trình dùng thuốc Allopurinol, người bệnh cần được kiểm tra chức năng thận thường xuyên. Khi độ lọc cầu thận giảm thì nên giảm liều dùng thuốc hoặc giãn khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Thuốc Allopurinol không được sử dụng trong điều trị cơn gút cấp mà chỉ dùng khi đã thuyên giảm tình trạng viêm khớp.

Probenecid

Đây là loại thuốc được sử dụng hằng ngày để dự phòng bệnh gút tái phát. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là gây buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, phát ban da và sỏi thận. Vì vậy, người bệnh uống thuốc gout này cần phải cẩn trọng.

Pegloticase

Loại thuốc này có tác dụng làm giảm acid uric máu nhanh hơn so với nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên, Pegloticase là thuốc tiêm nên chỉ được sử dụng ở các cơ sở y tế, do bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định và thực hiện. Người bệnh được tiêm thuốc 2 lần/tuần vào tĩnh mạch. Các tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp khi dùng thuốc là đau họng, buồn nôn, đau ngực, táo bón, bầm tím vùng tiêm,...

Febuxostat

Thuốc này được chỉ định sử dụng nếu người bệnh bị gút kèm suy thận hoặc gặp phải tác dụng không mong muốn với thuốc Allopurinol.

Tự ý dùng thuốc trị gút có thể khiến bệnh nặng hơn và dẫn tới nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng trầm trọng. Do đó, khi uống thuốc gout, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Dùng thuốc đúng cách sẽ làm giảm triệu chứng khó chịu do bệnh gút gây ra, đồng thời làm giảm mức độ phá hủy ở những khớp xương bị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan