Khắc phục loãng xương ở người trẻ tuổi như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo em bị viêm khớp và loãng xương. Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh kê thuốc cho em nhưng em uống không thấy đỡ. Em muốn xuống bệnh viện Vinmec để kiểm tra lại nhưng do dịch nên em chưa xuống được. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em nên khắc phục loãng xương ở người trẻ tuổi như thế nào? Em cảm ơn ạ

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi BSCK II Hoàng Thị Hiền - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Khắc phục loãng xương ở người trẻ tuổi như thế nào?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Xương bình thường cần các khoáng chất Canxi và Phosphate để tạo thành. Nếu cơ thể không nhận đủ Canxi từ chế độ ăn uống, việc hình thành các mô xương và xương có thể bị ảnh hưởng.

Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng năm 20 tuổi. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương.

Loãng xương ở người trẻ là loãng xương thứ phát. Người trẻ bị loãng xương do nhiều nguyên nhân như bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn, những bệnh mạn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hoặc hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương như: Corticosteroid, thuốc chống co giật,...

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,... Phụ nữ lại thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương.

Loãng xương là một bệnh có thể phòng ngừa nếu được quan tâm hợp lý. Bạn cần cung cấp đầy đủ Canxi, Vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cũng như hạn chế những thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống,... để có một hệ xương khỏe mạnh, vững chắc.

Với thông tin bạn cung cấp thì có một điểm nào đó chưa chính xác bởi độ tuổi 26, bạn không có yếu tố nguy bị loãng xương được. Không biết bạn được chẩn đoán loãng xương bằng phương pháp nào, nếu chỉ đo bằng siêu âm ở gót chân thì biện pháp này không thể dùng để chẩn đoán loãng xương. Do vậy, bạn cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được làm các xét nghiệm chuyên sâu như đo mật độ xương bằng máy DEXA, làm các xét nghiệm máu giúp chẩn đoán.

Nếu bạn còn thắc mắc về việc khắc phục loãng xương ở người trẻ tuổi, bạn có thể đến cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế Vinmec thăm khám và điều trị sớm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan