Hiểu đúng về tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm

Được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Hiểu đúng về tỷ lệ thành công

Một trong những câu hỏi thường gặp của các cặp vợ chồng khi tới khám vô sinh hiếm muộn, chính là tỷ lệ thành công của họ là bao nhiêu? “Tỷ lệ thành công” về bản chất là một con số, nhưng con số đó lại không cố định và có rất nhiều yếu tố nằm sau con số này.

Hiểu đúng về tỷ lệ thành công giúp người bệnh có thể giúp bệnh nhân có kỳ vọng đúng, từ đó tránh các ảnh hưởng do yếu tố tâm lý.

2. Các thuật ngữ liên quan đến tỷ lệ thành công

Cách đo lường phổ biến nhất khi nói đến tỉ lệ thành công là đo lường con số thai lâm sàng (ghi nhận hình ảnh túi ối trên siêu âm) hoặc tỉ lệ thai sinh sống trên một chu kì điều trị, trên số lượng phôi chuyển, hay trên số lượng trứng thu được. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích một số thuật ngữ và giới thiệu cho các bạn biết cách mà Trung tâm HTSS Vinmec ghi nhận tỷ lệ thành công.

  • Tỉ lệ em bé chào đời - Thai sinh sống - live birth rate: Đúng như tên gọi, tỉ lệ thai sinh sống ghi nhận số lượng em bé thành công chào đời sau một chu kỳ làm IVF, trong tỉ lệ thai sinh sống này, không phân biệt giữa thai đơn, hay đa thai. Đây là tỉ lệ gần nhất với mục tiêu của các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên việc thu thập dữ liệu cho con số này, thường khá mất thời gian do phải chờ đến khi em bé chào đời.

Tỉ lệ em bé chào đời mang nhiều ý nghĩa lâm sàng nhất trong số các con số theo dõi.

  • Tỉ lệ có thai: Là dữ liệu thu thập bằng xét nghiệm β-hCG 14 ngày sau khi chuyển phôi – Tại TT HTSS Vinmec, chỉ số β-hCG tiêu chuẩn để chúng tôi ghi nhận thai vào tử cung đạt trên 25 mIU/mL. Nếu nồng độ β-hCG ở trong khoảng 6 – 24 mIU/mL thì cần được kiểm tra và theo dõi sau 48 giờ xem có tăng lên hay không để xác định tình trạng có thai.
  • Thai lâm sàng: Trái với hiện tượng sảy thai sinh hóa là tình trạng sảy thai sớm trước khi siêu âm thấy hình ảnh túi ối. Thai lâm sàng được tính là khi bác sĩ ghi nhận hình ảnh túi ối trên siêu âm, thường rơi vào khoảng tuần thứ 6. Thai lâm sàng cho phép ghi nhận tỉ lệ thành công trong khoảng thời gian ngắn hơn tỉ lệ thai sinh sống.
  • Beta - hCG: Là chỉ số đo nồng độ hormone beta-hCG (Human Chorionic Gonadotropin) trong máu, được tạo thành từ nhau thai và xuất hiện khi phôi bắt đầu làm tổ tại nội mạc tử cung. Xét nghiệm beta-hCG là bước đầu chẩn đoán có hiện tượng thụ thai hay không.
Thử thai bằng nồng độ beta hcg
Kết quả thụ thai hay không sẽ dựa vào chỉ số nồng độ beta hCG

Thông thường trong 10 tuần đầu, nồng độ beta hCG sẽ tăng gấp đôi cứ sau 48 đến 72 giờ và sẽ đạt đỉnh trong 8-11 tuần đầu tiên của thai kỳ, sau đó sẽ giảm dần và bình nguyên trong phần còn lại của thai kỳ.Kết quả thụ thai hay không sẽ dựa vào chỉ số nồng độ beta hCG theo tiêu chuẩn quốc tế và tại Vinmec ghi nhận như sau:

  • Nồng độ beta hCG < 5 mIU / mL được xem là âm tính đối với thai kỳ (kết quả không có thai)
  • Nồng độ trên ≥ 25 mIU / mL được xem là dương tính đối với thai kỳ (kết quả có thai)
  • Tùy vào chỉ số beta hCG mà bác sĩ điều trị sẽ có nhận định phù hợp để theo dõi thai kỳ

Một số trường hợp đặc biệt của nồng độ beta hCG:

  • Nồng độ beta hCG rất cao: Khả năng người phụ nữ có thể mang đa thai (sinh đôi hoặc sinh ba) hoặc thai trứng,...
  • Nồng độ beta hCG thấp: Nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sẩy thai hoặc tính tuổi thai không chính xác,...

Các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công

Tuổi của người mẹ: Độ tuổi của người mẹ là yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của việc thụ thai nói chung chứ không chỉ cho thụ tinh ống nghiệm. Trong khoảng từ 24 đến 34 tuổi, người phụ nữ sẽ có khả năng thành công cao nhất khi làm thụ tinh ống nghiệm (45-50%), vì ở độ tuổi này, phụ nữ có khả năng thụ thai cao nhất. Khi phụ nữ ở mức 40 tuổi, tỷ lệ thành công chỉ còn khoảng 13.6%.

Nguyên nhân hiếm muộn
Phụ nữ càng lớn tuổi tỷ lệ thụ thai thành công càng thấp

Yếu tố về tuổi là yếu tố quan trọng nhất. Chất lượng trứng và số lượng trứng sẽ giảm khi người phụ nữ lớn tuổi dần lên. Tuy nhiên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì đều có khả năng thụ thai. Bạn vẫn nên tham khảo các phác đồ điều trị cho dù bạn đã nhiều tuổi.

Nguyên nhân hiếm muộn

TTON có thể giải quyết phần lớn các nguyên nhân gây hiếm muộn như: Lạc nội mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung (ở người nữ) hay số lượng, khả năng di chuyển và hình thái tinh trùng không tốt (ở người nam). Một số vấn đề đặc biệt như u xơ tử cung, bất thường tử cung và rối loạn chức năng buồng trứng khó khắc phục hơn bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đơn giản và yêu cầu phẫu thuật.

Vì những điều này có ảnh hưởng tới yếu tố thành công, nên chúng tôi có ghi nhận yếu tố này khi nói tới tỷ lệ thành công.

Chất lượng phôi chuyển:

Đối với yếu tố này, để giám sát chất lượng phôi chuyển, trung tâm HTSS có các phương pháp sau:

  • Nuôi phôi bằng tủ nuôi cấy phôi theo dõi và chụp ảnh phôi liên tục (Time-lapse)
    • Đây là loại tủ hiện đại và có nhiều ưu điểm nhất hiện nay
    • Giúp chuyên viên phôi học dễ dàng ghi nhận thông tin của hợp tử và phôi, nhanh chóng phát hiện những bất thường trong quá trình phân chia mà những bất thường này có thể không được phát hiện khi phôi được nuôi cấy bằng hệ tủ nuôi cấy thông thường. Từ đó đưa ra quyết định chọn phôi chuyển chính xác, tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công
  • Chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh
    • Phụ nữ sau khi được kích thích buồng trứng nhằm thu trứng sẽ có nội tiết tố tăng cao hơn nhiều lần, không tốt cho phôi làm tổ. Do đó việc giữ phôi đông lạnh chờ thời điểm thích hợp khi nội tiết tố ổn định trở lại mới chuyển phôi sẽ tăng hiệu quả thụ thai
  • Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing – PGT)
    • Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ giúp chọn lựa được phôi có bộ nhiễm sắc thể bình thường, từ đó giúp tăng khả năng có thai và cho ra đời những em bé khỏe mạnh, không mang bệnh tật di truyền

Ở IVF Vinmec Times City

Các con số về tỷ lệ thành công được thống kê từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2021 của chúng tôi được ghi nhận như sau:

Tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống - phôi tươi
Tỷ lệ nhóm tuổi
Tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống - phôi đông
Tỷ lệ nhóm tuổi 1
Tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống - PGT
Tỷ lệ nhóm tuổi 2

Một số lưu ý

Một trong những quan điểm thường gặp ở các bệnh nhân có chỉ định thụ tinh ống nghiệm đó là chuyển nhiều phôi hơn thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Thực tế là ngược lại, tử cung của con người vốn dĩ được sinh ra để mang thai một phôi – một em bé. Việc mang nhiều hơn một thai, không được khuyến cáo bởi nó có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé. Các chuyên gia hiện tại, khuyến khích việc chuyển phôi đơn hơn là đa phôi.

Có rất nhiều thông số cần phải được cân nhắc khi nói tới tỉ lệ thành công của IVF, vì thế, mỗi khi các cặp vợ chồng cần biết thêm về tỉ lệ thành công, hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu được hết các thông tin cần thiết. Cũng đừng ngại ngần khi yêu cầu các bác sĩ của bạn giải thích kĩ hơn về tỉ lệ thành công này.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan