Thai nhi rối loạn nhịp tim điều trị như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em có thai 23.6 tuần. Thai bị tràn dịch màng phổi, giờ đã rút dịch. Em đi khám bác sĩ kết luận thai nhi dịch phổi đã hết nhưng tim bị rối loạn nhịp tim, dịch ở tim ít 3.5mm. Bác sĩ chỉ định siêu âm tim và kết luận tim thai bị ngoại tâm thu, còn lại bình thường. Hiện tại, em đang dùng JN của Project V được 2 tuần, sáng 3 viên, chiều 3 viên tổng magie 1 ngày là 265mg. Vậy bác sĩ cho em hỏi thai nhi rối loạn nhịp tim điều trị như thế nào? Liều lượng magie cho sản phụ là bao nhiêu? Em cảm ơn bác sĩ.

Trần Thị Thu Yến (1984)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Thai nhi rối loạn nhịp tim điều trị như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hiện tượng tràn dịch đối với thai nhi, nếu có tràn dịch 1 màng bất kỳ như màng phổi, tim, bụng đơn độc có thể theo dõi và kiểm tra hình thái của bé. Nếu tràn dịch từ 2 màng trở lên thì được chẩn đoán là bệnh lý phù thai. Bệnh lý này có rất nhiều nguyên nhân gây nên. Bé của bạn đã không còn tràn dịch màng phổi nữa nhưng vẫn phải theo dõi định kỳ nhé. Khoảng 2% thai nhi có rối loạn nhịp. Nhờ vào theo dõi thai nhi bằng siêu âm và máy ghi nhịp tim thai ngày càng nhiều, cho phép phát hiện rối loạn nhịp và dẫn truyền ở thai nhi. Rối loạn nhịp nhanh thường gặp trong bào thai, việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp có hiệu quả nhất định (thường được dùng qua đường uống). Rối loạn nhịp chậm, liên quan đến rối loạn dẫn truyền nhĩ thất cao độ, vẫn là một thách thức điều trị đối với các chuyên gia tim mạch tiền sản. Những cơn ngoại tâm thu nhĩ, hiếm hơn là thất, không đều hoặc thành chuỗi cố định (nhịp đôi, nhịp ba), đơn độc hoặc thành chuỗi, có thể xảy ra ở thai nhi có tim hoàn toàn bình thường.

Ngoại tâm thu nhĩ biểu hiện là một co bóp sớm của tâm nhĩ, kế tiếp hay không một co bóp của thất tùy theo ngoại tâm thu có dẫn hay không. Ngoại tâm thu nhĩ nhịp đôi bị “nghẽn” dẫn đến nhịp thất chậm tương đối cần phải tránh nhầm lẫn với block nhĩ thất cao độ hay nhịp chậm xoang hằng định (thường gây suy thai). Những sai lầm này có thể dẫn đến mổ lấy thai sớm và không đúng lúc.

Ngoại tâm thu thất được nhận biết qua một co bóp thất sớm, không có co bóp nhĩ trước đó.

Ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất thường lành tính chúng thường được ghi nhận ở ba tháng cuối của thai kỳ và biến mất trước sinh hoặc những tuần lễ sau đó. Chúng không cần phải được điều trị nhưng cần theo dõi nhịp tim thai để phát hiện những loại nhịp nhanh khác. Magie (Mg) cần thiết cho sự biến dưỡng của calci, photpho, natri, kali, vitamin C, một số vitamin nhóm B, giúp điều hòa trạng thái thần kinh và chức năng vận động của hệ cơ, góp phần quan trọng trong việc biến đổi đường trong máu thành năng lượng, giúp đốt cháy chất béo để biến thành năng lượng. Do đó, giúp chống lại sự suy nhược, mệt mỏi và mập phì, làm giãn mạch nên giúp cho hệ tim mạch được khỏe mạnh và giúp ngăn ngừa tai biến tim mạch.

Magie cho bà bầu có vai trò rất đặc biệt, đó là ngăn ngừa bệnh sản giật, do đó ngừa đẻ non và giảm tử vong sản khoa. Ngoài ra, magie còn làm giảm bớt triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, giữ răng và hệ xương khỏe mạnh, phòng ngừa sự lắng đọng calci thành sỏi thận, giảm chứng khó tiêu và táo bón, magie có vai trò như là một chất an thần chống stress, chống lão hóa và ngừa ung thư.

Cơ thể con người chứa khoảng 20g magie chủ yếu ở hệ xương và cơ. Mỗi ngày, magie luôn bị mất đi theo mồ hôi, nước tiểu. Nhu cầu cần bổ sung magie hàng ngày cho người lớn khoảng 420mg, ở phụ nữ có thai và cho con bú nhu cầu 400mg/ngày.

Magnesium đóng vai trò tương tự insulin giúp duy trì nồng độ glucose máu ổn định. Magnesium tác dụng hiệp đồng với canxi giúp xương và răng chắc khỏe. Magnesium cũng giúp điều hòa lượng cholesterol và các rối loạn nhịp tim. Sự căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần cũng làm tăng nhu cầu magnesium. Như vậy magne B6 có rất nhiều vai trò đối với mẹ bầu và liều sử dụng là 400mg/ngày.

Nếu bạn còn thắc mắc về thai nhi rối loạn nhịp tim, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan