Cách vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì là gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu hay bị mệt mỏi về chuyện học hành, về nhà còn bị mẹ la mắng. Cháu hay ở một mình, các bạn nói cháu bị tự kỷ ạ. Gần đây cháu cười khá nhiều, bị mẹ mắng còn cười nữa ạ, hình như cháu không biết khóc ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi: cách vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì là gì?

Nguyễn Thị Tường Vy (2007)

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Cách vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Trước tiên cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Vinmec. Điều đó cho thấy dù bạn đang độ tuổi đi học nhưng đã ý thức được việc yêu bản thân mình bằng cách quan tâm đến chính chất lượng cuộc sống của mình. Đó là những giá trị mà người trị liệu như chúng tôi vẫn luôn hướng tới.

Trong câu hỏi, bạn có đề cập đến nhiều vấn đề và chắc hẳn bạn đang bối rối vì trong một khoảng thời gian ngắn có quá nhiều sự việc xảy ra. Những tác nhân ấy khiến bạn cảm thấy chưa biết nguyên nhân xuất phát từ đâu và cũng chưa biết cách để giải quyết như thế nào.

Bạn thân mến, trước khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta cần hiểu chính cơ thể chúng ta. Cơ thể chúng ta gồm 2 phần: sinh lý (sự phát triển chiều cao/cân nặng, sự phát triển của não bộ, các khối cơ...) và tâm lý (xúc cảm, tình cảm, tư duy, tưởng tượng...). Khi một trong hai phần gặp tổn thương thì phần còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Bên cạnh đó, ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có một sự thay đổi về mặt sinh lý cũng như tâm lý khác nhau. Trong suốt quá trình phát triển, con người sẽ trải qua các giai đoạn khủng hoảng như: khủng hoảng sơ sinh, khủng hoảng ấu thơ, khủng hoảng lên 3, khủng hoảng 7 tuổi, khủng hoảng tuổi dậy thì, khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng tuổi già... Khi kết thúc khủng hoảng chúng ta sẽ học được những kỹ năng mới với sự phát triển mới.

Bây giờ đang là thời gian thi cuối kỳ. Chắc hẳn bạn đang gặp phải rất nhiều áp lực từ học hành. Có thể việc sắp xếp giờ học và giờ nghỉ ngơi chưa hợp lý dẫn đến việc bạn rơi vào tình trạng “mệt mỏi”. Cộng thêm việc hay bị mẹ la mắng, bạn bè gọi bạn là “tự kỷ” khiến bạn cảm thấy bị tổn thương. Bạn có nhắc đến việc “Bạn hay ở một mình” cho thấy bạn đang có nhu cầu chia sẻ với người khác mà chưa biết cách chia sẻ như thế nào. Bạn có thể tìm cho mình một người thực sự tin tưởng để giãi bày. Tôi tin rằng nếu bạn mở lòng, mẹ bạn và những người xung quanh sẽ lắng nghe bạn.

Vì chưa rõ những vấn đề xung quanh bạn như: mối quan hệ giữa bạn và mẹ/những người thân xung quanh bạn hoặc những vấn đề về môi trường như: bạn có gặp khó khăn trong học tập không, có gặp bạo lực học đường không.... nên bác sĩ chưa thể tham vấn cho bạn một cách triệt để.

Trong phạm vi câu hỏi này, bạn có thể xây dựng kế hoạch học tập phù hợp, khoa học. Tăng cường tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể tham gia thêm một số lớp hướng dẫn kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng giải quyết vấn đề. Bạn có thể tham gia tham vấn tâm lý tại bệnh viện Vinmec.

Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề nữ sinh 14 tuổi gặp khủng hoảng về tâm lý , bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Chuyên viên tâm lý Trương Tạ Anh Nga - Bác sĩ Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y Học Tái Tạo và Tâm lý Giáo Dục.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan