Nguyên tắc bất động khi sơ cứu gãy cột sống

Sơ cứu chấn thương cột sống đóng vai trò hết sức quan trọng. Một bệnh nhân gãy cột sống nếu không được bất động hoặc bất động không đúng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến việc điều trị và hồi phục sau này. Việc bất động khi sơ cứu gãy cột sống cần đảm bảo một số nguyên tắc được trình bày trong bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân và biểu hiện gãy cột sống

Gãy cột sống là 1 chấn thương nặng, có thể đe dọa đến tính mạng của nạn nhân. Chấn thương cột sống có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung là do lực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào cột sống, khiến cột sống gập quá mức hoặc duỗi quá mức,...Ngoài ra, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, chấn thương cột sống do hỏa khí hay ẩu đả,... đều có thể là nguyên dân dẫn đến tình trạng gãy cột sống.

Cần nghĩ đến chấn thương cột sống trong một số trường hợp tai nạn sau đây để bất động, sơ cứu đúng cách:

  • Chấn thương vùng đầu và/ hoặc rối loạn ý thức.
  • Chấn thương tác động 1 lực đáng kể vào vùng cổ hoặc vùng lưng.
  • Ngã từ độ cao hơn 2 lần chiều cao của nạn nhân.
  • Cổ hoặc cơ thể bị xoắn hay ở tư thế bất thường do sự thay đổi tư thế đột ngột.
  • Thi đấu, giao đấu thể thao, võ thuật.

Các triệu chứng thường gặp ở nạn nhân gãy cột sống bao gồm:

  • Đau dữ dội vùng cổ hoặc vùng lưng, có điểm đau chói tại chỗ.
  • Không thể cử động cổ, hạn chế vận động cột sống.
  • Biến dạng cột sống.
  • Bầm tím và sưng nề tại vị trí đốt sống tổn thương.
  • Tê, yếu, liệt chi, mất cảm giác, đại tiểu tiện không tự chủ.

2. Nguyên tắc bất động gãy cột sống

Cấp cứu gãy cột sống đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần nhận biết các dấu hiệu chấn thương cột sống và biết cách sơ cứu gãy cột sống trước khi vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Khi nạn nhân có các biểu hiện nghi ngờ gãy cột sống, cần đảm bảo các nguyên tắc bất động khi sơ cứu chấn thương cột sống theo các bước sau đây:

  • Bước 1: Gọi Cấp cứu
  • Bước 2: Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo, còn thở, mạch còn đập hay không.
  • Bước 3: Bất động cột sống.
    • Nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ, để nạn nhân nằm yên và tiến hành cố định cột sống cổ với nẹp cột sống chuyên dụng hay các vật liệu có sẵn (như bao cát, khăn vải cuộn chặt) để cố định 2 bên cột sống cổ, lưng. Khi sử dụng nẹp cổ, đầu dưới nẹp phải tỳ vào xương đòn và khối cơ vai, đầu trên nẹp tỳ vào xương hàm dưới và chẩm. Khi nạn nhân nằm trên ván cứng, có thể đặt hai túi cát ở hai bên cổ từ tai đến xương đòn, sau đó cố định bằng dây buộc tại trán, vai, cánh chậu, gối và cổ chân.
    • Lưu ý: Khi cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp ở nạn nhân nghi ngờ chấn thương cột sống cổ, không dùng kỹ thuật ngửa đầu nâng cằm mà dùng ngón tay nhẹ nhàng đẩy xương hàm về phía trước. Nếu nạn nhân đang đội nón bảo hiểm, đừng cố gắng tháo bỏ nó ra mà chỉ cần tháo kính chắn gió nếu cần tiếp cận đường thở. Nếu nạn nhân nôn hay sặc dịch tiêu hóa, máu, dị vật mà vẫn còn thở thì cho nạn nhân nằm nghiêng nhưng cần đảm bảo đầu, cổ và lưng của nạn nhân vẫn thẳng, muốn làm được điều này thì cần có hai người sơ cứu: 1 người sẽ cố định đầu và cổ nạn nhân, người còn lại phối hợp để nghiêng nạn nhân sao cho đầu, cổ lưng nạn nhân thẳng.
    • Đối với chấn thương cột sống ngực hay cột sống thắt lưng, đa số các trường hợp này không cần bất động bằng nẹp tại hiện trường, mà có thể đặt nạn nhân lên một tấm ván cứng, sau đó cố định nạn nhân vào ván ở các điểm đầu, vai và khung chậu.
  • Bước 4: Băng ép, cầm máu đối với các vết thương chảy máu (nếu có), nhưng phải đảm bảo cột sống được bất động.
  • Bước 5: Cố định, bất động các chi gãy ở trên và dưới ổ gãy trước khi đặt nạn nhân lên cáng để vận chuyển.
  • Bước 6: Vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng xe cứu thương, xe ô tô. Trong suốt quá trình vận chuyển, cần đảm bảo tư thế bất động cột sống.

3. Những điều cần tránh khi tiến hành sơ cứu chấn thương cột sống

  • Tuyệt đối không xốc, vác, cõng nạn nhân; không vận chuyển nạn nhân bằng xe đạp, xe máy, xích lô; không di chuyển nạn nhân bằng võng, ghế tựa thấp, hay kê gối dưới đầu vì có nguy cơ làm tăng tổn thương cột sống.
  • Không bao giờ đặt nạn nhân nằm sấp khi nghi ngờ chấn thương cột sống cổ.
  • Không lôi kéo, xoay trở nạn nhân khi không có nhiều người hỗ trợ và phối hợp.
  • Tránh loay hoay thăm khám kiểm tra xem có tổn thương cột sống hay không vì sẽ làm mất thời gian can thiệp và có thể ảnh hưởng đến việc bất động cột sống.
  • Đối với trường hợp nạn nhân nặng cần hồi sức tim phổi thì khi tiến hành cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn vẫn cần đảm bảo cố định, bất động cột sống tránh di lệch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

641 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan