Các tác dụng và chỉ định của thuốc Adapalene

Mụn trứng cá là một bệnh thường gặp và khó chữa dứt điểm nếu không điều trị đúng cách. Hiện nay, có nhiều loại thuốc dùng để điều trị mụn trứng cá, tùy theo từng loại mụn và tình trạng mụn khác nhau và thuốc Adapalene là một trong số đó. Vậy thuốc Adapalene là thuốc gì? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây:

1. Thuốc Adapalene là thuốc gì?

Thuốc Adapalene là thuốc thuộc nhóm thuốc retinoid dùng để điều trị mụn trứng cá. Thuốc làm giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và thúc đẩy mụn đang nổi lành nhanh hơn. Thuốc Adapalene có chứa thành phần chính là Adapalene.

Dược lực học: Adapalene là một dẫn xuất của acid naphthoic đồng thời là một chất chuyển hóa có hoạt tính nên không cần chuyển hóa trao đổi chất. Khi bôi tại chỗ thuốc Adapalene sẽ thâm nhập vào các nang lông do bản chất thân dầu của nó và sự hấp thu xảy ra 5 phút sau khi bôi.

Thuốc liên kết các thụ thể acid retinoic hạt nhân, RAR- beta và RAR-gamma. Sau đó, phức hợp này liên kết với DNA thông qua liên kết với một trong ba thụ thể retinoid để khởi động phiên mã, dẫn đến sự tăng sinh và biệt quá tế bào sừng ở hạ nguồn. Kết quả là Adapalene bình thường hóa sự biệt hóa của các tế bào biểu mô nang và tế bào chết trưởng thành.

Ngoài ra, Adapalene điều chỉnh phản ứng miễn dịch bằng cách điều chỉnh giảm sự biểu hiện của thụ thể số 2 (TLR2) và ức chế protein kích hoạt yếu tố phiên mã 1 (AP-1). TLR2 nhận ra Cuti Bacterium acnes, vi khuẩn chủ yếu liên quan đến mụn trứng cá. Kích hoạt TLR2 gây ra sự chuyển bị hạt nhân của AP-1 và quy định gen tiền viêm. Vì vậy, thuốc Adapalene có tác dụng chống viêm làm giảm các triệu chứng của mụn trứng cá.

Dược động học

  • Hấp thu và phân bố: Sự hấp thu của Adapalene qua da thấp. Trong các thử nghiệm lâm sàng, không tìm thấy nồng độ Adapalene trong huyết tương sau khi thoa lên da bị mụn với độ nhạy phân tích là 0.15mg/ml.
  • Chuyển hóa: Glucuronide là sản phẩm chính của quá trình chuyển hóa thuốc Adapalene. Khoảng 25% thuốc được chuyển hóa, phần còn lại được bài tiết ở dạng nguyên vẹn.
  • Thải trừ: Adapalene được bài tiết chủ yếu qua đường mật với khoảng 30ng/g lượng bôi tại chỗ. Sau đó được đào thải nhanh chóng khỏi huyết tương, thường không thể phát hiện khoảng 72 giờ sau khi bôi.

Dạng thuốc và hàm lượng: Kem: 0,1%. Gel Adapalene/benzoyl peroxide: 0,1%/2,5%, 0,3%/2,5%.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Adapalene

2.1. Chỉ định

Thuốc Adapalene được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, mụn bọc, mụn sẩn và mụn mủ.
  • Sử dụng cho da khô, sáng màu. Điều trị mụn trứng cá ở các vị trí như mặt, ngực hoặc lưng.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Adapalene chống chỉ định với các trường hợp:

  • Người bệnh quá mẫn với Adapalene.
  • Phụ nữ đang có thai hoặc dự định có thai.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Adapalene

3.1. Liều lượng

Người lớn bị mụn trứng cá

  • Dùng kem bôi Adapalene 0,1%, gel 0,1%, gel 0,3%.
  • Bôi lên vùng được chỉ định điều trị mụn trứng cá mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, sau khi đã rửa sạch vùng da bị mụn. Bôi một lớp mỏng trên vùng da cần điều trị, không được để thuốc dính quanh mắt, miệng, góc mũi và màng nhầy.
  • Kem dưỡng da: Thoa một lớp mỏng kem dưỡng da cho toàn bộ khuôn mặt và các vùng da bị mụn khác mỗi ngày một lần, sau khi đã rửa mặt nhẹ nhàng với sữa rửa mặt không chứa xà phòng. Bôi một lượng kem dưỡng da bằng hạt đậu (3-4 lần bôi thuốc) bôi đều toàn khuôn mặt. Hạn chế bôi kem vị trí quanh mắt, môi và màng nhầy.

Trẻ em bị mụn trứng cá

  • Kem 0,1%, gel 0,1%, gel 0,3%
  • Trẻ dưới 11 tuổi: Chưa có báo cáo về độ an toàn và tính hiệu quả trên đối tượng này. Vì vậy, không tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn xảy ra.
  • Trẻ từ 12 đến 18 tuổi: Bôi lên vùng da bị tổn thương mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, sau khi rửa mặt. Bôi một lớp mỏng vào vùng da cần điều trị, tránh để thuốc dính vùng quanh mắt, miệng, góc mũi và màng nhầy.

3.2.Cách dùng thuốc Adapalene

  • Rửa tay trước khi thoa thuốc, có thể dùng ngón tay hoặc một miếng gạc, tăm bông để thoa đều thuốc.
  • Thuốc Adapalene chỉ sử dụng trên da, không sử dùng để bôi trên các vùng niêm mạc bên trong môi hoặc vùng da bên trong mũi/miệng. Không bôi thuốc lên các vùng da bị vết thương hở, bỏng, cháy nắng hoặc bị bệnh chàm da.

Nếu lỡ thuốc dính vào mắt, rửa nhẹ nhàng với nhiều nước, nếu tình trạng kích ứng mắt nặng thêm hãy báo cho bác sĩ của bạn. Rửa tay sau khi bôi thuốc để tránh vô tình làm dính vào mắt. Hiệu quả nhận thấy rõ rệt của thuốc sau khi dùng từ 8-12 tuần điều trị. Tuy nhiên, trong vài tuần đầu tiên sử dụng Adapalene, tình trạng mụn trứng cá của bạn có thể sẽ nặng hơn vì thuốc tác động lên mụn hình thành bên trong da.

Cần lưu ý: Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và số lần sử dụng trong ngày. Không tự ý giảm tăng liều dùng mỗi lần hoặc tự tăng số lần bôi thuốc theo quy định. Tình trạng mụn sẽ không được cải thiện nhanh hơn, mà ngược lại làm tăng nguy cơ nổi mẩn đỏ, bong tróc và đau.

4. Xử trí khi quá liều, quên liều thuốc Adapalene

4.1.Quá liều

Thuốc Adapalene chỉ dùng bôi ngoài da và tác dụng tại chỗ, không được dùng bằng đường uống nên khả năng hấp thụ toàn thân khá thấp. Một số trường hợp, người dùng bôi thuốc quá mức để mong muốn thấy hiệu quả ngay. Tuy nhiên, điều này sẽ không có kết quả nhanh chóng hoặc tốt hơn mà có thể gây kích ứng da có hại hơn.

Khi xuất hiện các triệu chứng của sử dụng quá liều, bạn cần xem lại liều lượng dùng mà bác sĩ đã chỉ dẫn để dùng đúng liều lượng đã quy định. Nếu bạn lỡ uống một lượng nhỏ thuốc Adapalene hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp can thiệp phù hợp.

4.2.Quên liều

Hãy dùng ngay khi nhớ ra, không dùng liều gấp đôi để bù lại liều đã quên. Nếu đã gần với thời điểm dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và dùng liều như chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Adapalene

Ngưng sử dụng thuốc Adapalene và đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có bất cứ dấu hiệu dị ứng như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi và họng.

Da của bạn có thể bị khô, đỏ hoặc có vảy, đây là phản ứng thường gặp trong 4 tuần đầu tiên sử dụng thuốc Adapalene.

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng cũng có thể xảy ra, chẳng hạn như nóng, rát, ngứa, mẩn đỏ hoặc kích ứng.

Nếu trong quá trình dùng thuốc có xảy ra bất kỳ tác dụng không mong muốn nào nghi ngờ liên quan đến thuốc hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để biết.

6. Tương tác thuốc Adapalene

  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Adapalene với các thuốc có tác dụng bong da, se da hay những thuốc có tính kích ứng
  • Nếu phải dùng kết hợp với kháng acid ngoài da như dung dịch erythromycin (tối đa 4%) hoặc clindamycin phosphate (1% làm nền) hoặc gel gốc nước benzoyl peroxide lên đến 1giờ thì nên dùng vào buổi sáng và chỉ định dùng vào ban đêm là thuốc Adapalene. Tránh trường hợp hai thuốc tương kỵ và không đạt mục tiêu điều trị như mong muốn.
  • Hãy cho bác sĩ biết các thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng) để được tư vấn phù hợp.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Adapalene

Trước khi dùng thuốc Adapalene:

  • Hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn dị ứng với Adapalene hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Nếu bạn đang có sử dụng hoặc dự định sử dụng một số thuốc khác (thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược, vitamin) hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ được biết. Thậm chí các sản phẩm chăm sóc da hằng ngày của bạn như sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, mỹ phẩm. Bởi vì một số loại khi dùng đồng thời với thuốc Adapalene có thể làm tăng nguy cơ kích ứng da.
  • Nếu bạn có tiền sử mắc ung thư hay bệnh eczema hãy cho bác sĩ biết để được chỉ định dùng thuốc an toàn và hiệu quả hơn.
  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo, bạn nên mặc áo quần che nắng, dùng kính mát và bôi kem chống nắng có độ SPF 15 hoặc cao hơn, đặc biệt là nếu da bạn dễ cháy nắng.bên cạnh đó, hãy tránh cho da tiếp xúc kéo dài với khí hậu lạnh hoặc có nhiều gió.
  • Trong quá trình dùng thuốc Adapalene không được sử dụng sáp nóng để nhổ lông (wax lông).
  • Sử dụng cho phụ nữ có thai hay cho con bú: Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc Adapalene trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trường hợp phải dùng thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thuốc này thuốc nhóm thuốc C đối với thai kỳ. Không sử dụng thuốc bôi Adapalene nếu không hỏi ý kiến bác sĩ khi bạn đang cho con bú.
  • Để thuốc ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ẩm và ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào. Tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.

Thuốc Adapalene là thuốc thuộc nhóm thuốc retinoid dùng để điều trị mụn trứng cá. Thuốc làm giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và thúc đẩy mụn đang nổi lành nhanh hơn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

113.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan