Công dụng của Aluminum Hydroxide

Đối với những người bệnh đang cần giảm lượng axit có trong dạ dày, hỗ trợ điều trị chứng đau bụng, ợ chua, khó tiêu thì Aluminum hydroxide là một trong số những loại thuốc được lựa chọn. Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn đọc thuốc Aluminium hydroxide là gì, công dụng và cách sử dụng an toàn.

1. Thuốc Aluminum hydroxide là thuốc gì?

Aluminum hydroxide thuộc loại thuốc kháng acid - nhóm thuốc đường tiêu hoá được bào chế dưới nhiều dạng sử dụng như viên nang (hàm lượng 475mg); viên con nhộng (hàm lượng 300mg, 500mg, 600mg); viên nén bao phin (hàm lượng 600mg) hay dạng hỗn dịch (hàm lượng 320 mg/5 ml, 450 mg/5 ml, 600 mg/5 ml, 675 mg/5 ml).

Khi dùng đường uống, nhôm clorid là kết quả của phản ứng chậm giữa nhôm hydroxyd với acid hydrochloric trong dạ dày được hòa tan, một lượng nhỏ hấp thu vào cơ thể. Lượng thức ăn còn thừa khiến cho thuốc ra khỏi dạ dày chậm hơn, kéo dài thời gian phản ứng của acid hydrocloric dạ dày với nhôm hydroxyd và khiến cho lượng nhôm clorid tăng cao hơn.

Ở ruột non, quá trình tiêu hóa khiến nhôm clorid được chuyển nhanh thành các muối nhôm kiềm không hoà tan được, kém hấp thu. Các muối nhôm có thể là một hỗn hợp nhôm hydroxyd, carbonat kiềm, oxyaluminum hydroxyd và xà phòng nhôm.

Phosphate trong thức ăn cũng kết hợp với nhôm hydroxyd cũng phối hợp với ở ruột non để tạo thành nhôm phosphat không hòa tan, không hấp thu được ở đường tiêu hoá và sẽ bị đào thải ra ngoài qua phân.

Thuốc Aluminum hydroxide không được chuyển hóa. Ở người có chức năng thận bình thường chỉ có khoảng 17 - 30% nhôm clorid tạo thành được hấp thu vào cơ thể và đào thải rất nhanh qua thận. Ở những người bệnh bị suy thận sẽ có nhiều nguy cơ tích lũy nhôm hơn (đặc biệt ở hệ thần kinh trung ương và trong xương) từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm độc nhôm.

Lượng nhôm hấp thu sẽ gắn vào các protein huyết thanh (ví dụ như albumin, transferrin) nên sẽ khó được loại bỏ bằng thẩm phân, phần lớn lượng nhôm còn lại trong đường tiêu hóa sẽ tạo thành các muối nhôm kém hấp thu và được đào thải ra ngoài theo phân.

Nhôm hydroxyd dạng gel khô là loại bột vô định hình, không tan trong nước hay cồn. Bột này có chứa tới 50 đến 57% nhôm oxyd dưới dạng hydrat oxyd và có thể chứa các lượng khác nhau nhôm carbonat, bicarbonat.

Nhôm hydroxyd là một dạng muối vô cơ được dùng làm một thành phần trong thuốc kháng acid. Aluminum hydroxide phản ứng với acid hydrocloric còn dư thừa trong dạ dày để làm giảm nồng độ acid tại dạ dày, có tác dụng giảm các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng, ợ nóng, ợ chua hoặc đầy bụng và trào ngược dạ dày - thực quản.

Bản chất của nhôm hydroxyd hay gây táo bón, nên thuốc thường được uống cùng thuốc kháng acid có chứa thành phần là magnesi (magnesium hydroxide hoặc magnesium oxide) - đây là thuốc có tác dụng nhuận tràng.

Phosphat thức ăn ở dạ dày và ruột cũng gắn với Aluminum hydroxide để tạo thành các phức hợp không hoà tan và nhờ đó làm giảm hấp thu phosphate. Bởi cơ chế trên nên Aluminum hydroxide còn được dùng để điều trị tăng phosphat máu ở người bị tăng cận giáp thứ phát hoặc suy thận.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Aluminum hydroxide

Chỉ định sử dụng thuốc Aluminium hydroxide trong các trường hợp sau:

  • Làm giảm nhẹ các triệu chứng do tình trạng tăng acid dạ dày (như chứng ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, đầy bụng khó tiêu do tăng acid dịch vị);
  • Bệnh nhân có biểu hiện của tăng acid dạ dày do loét dạ dày, tá tràng;
  • Phòng và điều trị loét hay chảy máu dạ dày và tá tràng do căng thẳng quá mức;
  • Điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản;
  • Chứng tăng phosphat máu cùng với chế độ ăn ít phosphat.

Không dùng thuốc Aluminum hydroxide (nhôm hydroxyd) cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn cảm với nhôm hydroxyd;
  • Người bị giảm phosphat máu;
  • Trẻ em còn ít tuổi vì nguy cơ nhiễm độc nhôm, đặc biệt là những trẻ bị mất nước hoặc bị suy thận.

3. Tác dụng phụ của thuốc Aluminium hydroxide

Các tác dụng phụ thường gặp hoặc vấn đề sức khỏe có thể gặp khi sử dụng thuốc Aluminium hydroxide bao gồm:

  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa
  • Tăng tiết hồi phục;
  • Nhiễm độc nhôm;
  • Phốt phát trong máu thấp (giảm phốt phát trong máu);
  • Táo bón (điều này có thể dẫn đến bệnh trĩ hoặc tắc ruột);
  • Phản ứng phân;
  • Co thắt dạ dày;
  • Hội chứng kiềm sữa;
  • Làm mềm xương.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của nhôm hydroxit bao gồm:

  • Thay đổi tâm thần / tâm trạng (ví dụ: lú lẫn, ngủ không sâu);
  • Đau khi đi tiểu;
  • Đau dạ dày hoặc bụng;
  • Nôn trông giống như bã cà phê.

4. Tương tác với các thuốc khác

Aluminum hydroxide có thể làm thay đổi sự hấp thu của một vài loại thuốc khi dùng chung với các loại thuốc sau: Muối sắt, isoniazid, digoxin, indomethacin, alopurinol, corticosteroid, penicillamine, benzodiazepin, ranitidin, ketoconazol, phenothiazin, itraconazole. Vì vậy, cần uống cách xa thuốc kháng acid.

Tuyệt đối không dùng chung: Nhôm hydroxyd dạng gel khô làm giảm hấp thu các Tetracyclin khi dùng kèm do tạo phức hợp.

5. Cách sử dụng thuốc Aluminum hydroxide

5.1. Sử dụng thuốc Aluminum hydroxide đối với người lớn

Để chống dư thừa acid dịch vị:

  • Tùy thuộc vào lượng acid dịch vị tiết ra và khả năng đệm của từng chế phẩm riêng biệt mà liều dùng cần để trung hòa acid dạ dày thay đổi tùy theo từng người bệnh.
  • In vivo, khả năng trung hòa acid của các chất kháng acid có thể tích bằng nhau với các chế phẩm kháng acid có sự biến thiên rất lớn. Nếu uống thuốc vào lúc đói, thời gian thuốc phát huy tác dụng vào khoảng từ 20 đến 60 phút, nhưng nếu bạn uống thuốc khoảng 1 giờ sau bữa ăn, tác dụng trung hòa acid của Aluminum hydroxide có thể kéo dài tới 3 giờ đồng hồ.
  • Thuốc kháng acid dưới dạng hỗn dịch hoà tan dễ hơn và tốt hơn hẳn so với dạng bột và dạng viên nén nên có nhiều khả năng trung hòa acid dịch vị tốt hơn. Cũng chính bởi vậy dạng hỗn dịch kháng acid được ưa chuộng sử dụng nhiều hơn so với dạng bột và dạng viên nén. Nhưng không phải ai cũng có thể uống được dạng hỗn dịch này nhất là với những người khá nhạy cảm vì chúng hơi khó uống và dễ gây cảm giác ghê họng. Dạng viên nén cần phải nhai kỹ trước khi nuốt.
  • Liều dùng tối đa được khuyến cáo để chữa triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, không nên dùng quá thời gian 2 tuần, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ hoặc có giám sát của thầy thuốc.

Điều trị loét dạ dày và tá tràng:

  • Thông thường: Liều 15 - 45 ml, mỗi lần dùng cách nhau 3 đến 6 giờ hoặc 1 đến 3 giờ sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Đối với bệnh nhân bị loét hành tá tràng không biến chứng, để đạt đầy đủ tác dụng chống acid ở thời điểm tối ưu, cần uống thuốc kháng acid 1 đến 3 giờ sau bữa ăn và vào lúc đi ngủ để kéo dài tác dụng trung hòa.
  • Có thể uống thêm liều thuốc để đỡ đau giữa các liều đã được quy định.
  • Thuốc thường cho từ 4 - 6 tuần, còn nếu loét dạ dày, thuốc kháng acid thường cho đến khi vết loét hết hoàn toàn.

Trào ngược dạ dày thực quản:

  • Uống Aluminum hydroxide cứ 1 giờ 1 lần. Nếu triệu chứng kéo dài, có thể cho cách 30 phút 1 lần.
  • Nếu điều trị lâu dài, uống thuốc 1 và 3 giờ sau khi ăn và trước lúc đi ngủ.

Phòng chảy máu đường tiêu hóa, loét do stress:

  • Dùng 30 - 60 ml/liều, cứ 1 giờ 1 lần.
  • Đối với chảy máu dạ dày, thuốc kháng acid phải được điều chỉnh để duy trì dịch hút từ dạ dày qua mũi có pH > 3,5.
  • Đối với trường hợp nặng, hỗn dịch kháng acid phải pha vào nước hoặc sữa và cho truyền liên tục vào dạ dày.
  • Cần điều chỉnh liều lượng để duy trì pH dạ dày >5.

Chứng tăng phosphat máu:

  • Cùng với chế độ ăn hạn chế phosphat, cho hỗn dịch nhôm hydroxyd 30 - 40 ml, ngày 3 hoặc 4 lần.
  • Dùng 500 - 1800 mg, 3 - 6 lần/ngày, uống giữa các bữa ăn và khi đi ngủ, tốt nhất là uống vào bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi ăn.

Để giảm nguy cơ hít phải dịch vị acid khi gây mê:

  • Cho 30 phút trước khi gây mê một hỗn dịch kháng acid.

5.2. Liều lượng đối với trẻ em

Điều trị loét dạ dày:

  • Trẻ em: 5 - 15 ml, hỗn dịch nhôm hydroxyd, cứ 3 - 6 giờ một lần hoặc 1 đến 3 giờ sau các bữa ăn và khi đi ngủ.

Phòng chảy máu đường tiêu hóa:

  • Trẻ nhỏ: 2 - 5 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống một lần.
  • Trẻ lớn: 5 - 15 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống một lần.
  • Cần điều chỉnh liều lượng để duy trì pH dạ dày > 5.

Chứng tăng phosphat máu:

  • Cùng với chế độ ăn hạn chế phosphat, cho hỗn dịch nhôm hydroxyd 30 - 40 ml, ngày 3 hoặc 4 lần.
  • Dùng 50 - 150 mg/kg/24 giờ, chia làm liều nhỏ, uống cách nhau 4 - 6 giờ; liều được điều chỉnh để phosphat huyết thanh ở mức bình thường.

5.3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Aluminium hydroxide

  • Cần dùng thận trọng với người có suy tim sung huyết, suy thận, phù, xơ gan và chế độ ăn ít natri và với người mới bị chảy máu đường tiêu hóa.
  • Người cao tuổi, do bệnh tật hoặc do điều trị thuốc có thể bị táo bón và phân rắn. Cần thận trọng về tương tác thuốc.
  • Kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc 2 tháng 1 lần nồng độ phosphat trong huyết thanh cho người bệnh chạy thận nhân tạo và dùng lâu dài thuốc kháng acid chứa nhôm.

Trên đây là những thông tin về thuốc Aluminium hydroxide, bạn có thể tham khảo giúp việc dùng thuốc đạt hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan