Công dụng của thuốc Benztropine

Thuốc Benztropin thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic được chỉ định trong điều trị parkinson, các triệu chứng ngoại tháp gây ra do thuốc. Cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Benztropin qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Benztropine

Benztropine là thuốc gì và có công dụng trong điều trị bệnh lý nào?”. Theo đó, thuốc Benztropine chứa hoạt chất Benztropine – thuộc nhóm kháng cholinergic. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén và dung dịch tiêm truyền. Benztropine được chỉ định trong điều trị các tình trạng sau:

  • Điều trị tất cả các dạng của bệnh Parkinson, liệu pháp điều trị có thể đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc điều trị Parkinson khác
  • Điều trị các triệu chứng ngoại tháp cấp tính gây ra do thuốc.

2. Liều dùng thuốc Benztropine

Thuốc Benztropine thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều dùng thuốc cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng bệnh. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số khuyến cáo về liều dùng Benztropine như sau:

Liều dùng ở người trưởng thành:

  • Điều trị triệu chứng ngoại tháp do thuốc gây ra: Đối với các triệu chứng cấp tính nặng ưu tiên dùng thuốc bằng đường tiêm trong thời gian đầu điều trị, khi các triệu chứng thuyên giảm chuyển sang dùng đường uống. Thời gian điều trị bằng Benztropine phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng ngoại tháp, dược động học của thuốc và tình trạng người bệnh. Trường hợp điều trị cấp tính, liều thuốc điều trị khuyến cáo là 1 – 2mg/lần x 2 – 3 lần/ngày. Liều thuốc được điều chỉnh dựa vào khả năng đáp ứng của người bệnh, thông thường liều thuốc sẽ được tăng dần 0,5mg sau 5 ngày điều trị cho đến liều duy trì hàng ngày tối đa là 6mg;
  • Điều trị loạn trương lực cơ: Liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 1 – 2mg/lần/ngày. Liều thuốc duy trì trong các lần tiếp theo là 1 – 2mg/lần x 1 – 2 lần/ngày;
  • Điều trị Parkinson sau viêm não: Liều thuốc khởi đầu là 2mg/ngày uống 1 lần duy nhất trước khi đi ngủ hoặc chia làm 2 – 4 lần uống. Trường hợp người bệnh có độ nhạy cảm cao nên xem xét dùng liều khởi đầu thấp hơn là 0,5mg uống trước khi đi ngủ. Liều thuốc sau đó có thể tăng lên 0,5mg cách 5 – 6 ngày dựa vào khả năng đáp ứng của người bệnh, duy trì liều 1 – 2 mg/ngày;
  • Điều trị Parkinson: Đối với bệnh Parkinson vô căn, liều thuốc Benztropine khởi đầu là 0,5 – 1mg/ngày uống 1 liều duy nhất trước khi đi ngủ. Liều thuốc duy trì có thể tăng lên 0,5mg cách mỗi 5 – 6 ngày dựa vào khả năng dung nạp của người bệnh (thông thường là 1 – 2mg/ngày).

Liều dùng ở trẻ em:

  • Hội chứng ngoại tháp: Thanh thiếu niên và trẻ em từ 3 tuổi trở lên dùng liều 0,02 – 0,05mg/kg/liều x 1 – 2 lần/ngày;
  • Hội chứng tâm thần phân liệt khởi phát sớm: Trẻ em trên 8 tuổi dùng liều 0,5mg/lần cách mỗi 12 giờ.

Liều dùng ở người suy gan, suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều. Thận trọng khi sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 3 tuổi do tác dụng kháng cholinergic.

3. Tác dụng phụ thuốc Benztropine

Thuốc Benztropine có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Mờ mắt, khô miệng, giãn đồng tử, hồi hộp, buồn nôn, nhịp tim nhanh, hồi hộp, táo bón, liệt ruột;
  • Không xác định tần suất: Rối loạn tâm thần phân liệt do nhiễm độc, tê ngón tay, mất phương hướng, lú lẫn, ảo giác thị giác, suy giảm trí nhớ, trầm trọng thêm các triệu chứng loạn thần, trầm cảm, căng thẳng, sốt, tăng thân nhiệt.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Benztropine

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Benztropine trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với Benztropine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Benztropine;
  • Trẻ em dưới 3 tuổi do nguy cơ gặp tác dụng phụ ngoại ý như tăng thân nhiệt gây tử vong, mất nước trầm trọng.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Benztropine như sau:

  • Nguy cơ giảm tiết mồ hôi, tăng thân nhiệt: Thuốc có thể gây tăng thân nhiệt và chứng anhidrosis nghiêm trọng. Nguy cơ gặp tình trạng này tăng lên trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người cao tuổi, người nghiện rượu, người mắc bệnh thần kinh trung ương. Vì vậy người bệnh cần sử dụng thận trọng trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc khi luyện tập thể dục.
  • Tác dụng kháng cholinergic: Benztropine gây tác dụng kháng cholinergic với các triệu chứng gồm rối loạn chuyển hóa, táo bón, bí tiểu, mờ mắt;
  • Tác dụng lên thần kinh trung ương: Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ảo giác, nhầm lẫn, hưng phấn. Các triệu chứng hoặc rối loạn tâm thần độc hại có thể xảy ra ở người bệnh bị rối loạn tâm thần. Vì vậy, sử dụng Benztropine với liều lớn hoặc ở người bệnh bị mẫn cảm có thể gây yếu hoặc không có khả năng cử động một số nhóm cơ;
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có nhịp tim nhanh, người bệnh bị tắc nghẽn đường tiêu hóa, người bệnh tăng nhãn áp, người bệnh tăng sản tuyến tiền liệt và/hoặc bí tiểu;
  • Khuyến cáo không sử dụng thuốc trong điều trị ở người bệnh bị rối loạn vận động chậm, Benztropine có thể làm nặng thêm các triệu chứng bệnh;
  • Lưu ý đối với phụ nữ đang mang thai: Đã có báo cáo về tình trạng liệt ruột ở trẻ sơ sinh khi người mẹ sử dụng thuốc kết hợp giữa Benztropine và Chlorpromazine trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc Benztropine ở phụ nữ đang mang thai;
  • Lưu ý đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Benztropine. Tuy nhiên thuốc kháng cholinergic có thể làm ức chế bài tiết sữa. Vì vậy khuyến cáo nên ngưng cho con bú khi đang điều trị bằng Benztropine;
  • Lưu ý với người lái xe, vận hành máy móc: Benztropine có thể làm suy nhược thần kinh, suy giảm khả năng tinh thần và thể chất. Vì vậy người bệnh cần được cảnh báo về việc thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo cao như lái xe, vận hành máy móc.

5. Quá liều thuốc Benztropin và cách xử trí

Quá liều thuốc Benztropine gây suy nhược thần kinh, hồi hộp, tăng cường các triệu chứng tâm thần, bơ phờ, rối loạn tâm thần ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc an thần.... Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng của quá liều thuốc, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

6. Tương tác thuốc Benztropin

6.1. Tương tác thuốc – thuốc

Thuốc kháng cholinergic: Sử dụng chung với Benztropine làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Thuốc ba vòng, thuốc chống trầm cảm, Haloperidol: Tăng nguy cơ tử vong do tăng thân nhiệt, tăng liệt ruột hoặc không dung nạp nhiệt.

Phenothiazines: Sử dụng cùng với Benztropin làm tăng cường các triệu chứng tâm thần ở người bệnh bị rối loạn tâm thần, tăng nguy cơ gây tử vong do tăng thân nhiệt, liệt ruột hoặc không dung nạp nhiệt.

6.2. Tương tác thuốc – thực phẩm

Rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc Benztropine. Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, giảm tác dụng điều trị của thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng (bao gồm cả thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng).

Trên đây là những thông tin quan trọng về việc dùng thuốc Benztropine. Hy vọng sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để quá trình điều trị bệnh đạt được hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan