Công dụng của thuốc Braicef

Thuốc Braicef là thuốc thuộc nhóm thuốc kháng sinh dự trữ dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và nhiễm khuẩn tiết niệu có biến chứng đe dọa tính mạng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Braicef trong bài viết sau đây.

1. Công dụng thuốc Braicef là gì?

Thuốc Braicef có thành phần chính Cefpirom (dưới dạng hỗn hợp Cefpirom sulfat và Natri carbonat) hàm lượng 2000 mg. Thuốc khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành.

Cefpirom là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin mới có phổ tác dụng rộng trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Cefpirom là kháng sinh mới nên có khuynh hướng ít gây kháng với vi khuẩn Gram dương.

Phổ diệt khuẩn:

  • Vi khuẩn gây bệnh Gram dương như Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus aureus, Staphylococcus saprophyticus và Streptococci nhóm A,B,C.
  • Vi khuẩn Gram âm quan trọng, nhạy cảm với cefpirom gồm có Haemophilus influenzae, Proteus, Escherichia coli, Klebsiella và Enterobacter. Enterococcus faecalis có độ nhạy cảm thấp và Pseudomonas aeruginosa có độ nhạy cảm trung gian.
  • Các Bacteroides fragilis, Staphylococcus kháng methicilin (MRSA) và các loại Bacteroides khác đều kháng cefpirom. Clostridium difficile, Pseudomonas maltophilia và Enterococcus faecium không nhạy cảm với cefpirom.

Thuốc Braicef với thành phần chính là kháng sinh Cefpirom không phải là một kháng sinh được ưu tiên dùng ngay ban đầu, mà là một kháng sinh dự trữ được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiết niệu có biến chứng nặng đe dọa tính mạng, những nhiễm khuẩn huyết có nguồn gốc từ đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa. Thuốc được dùng phối hợp với kháng sinh khác có tác dụng chống các vi khuẩn kỵ khí.

Chống chỉ định thuốc trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Cefpirom, nhóm Cephalosporin hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không khuyến cáo dùng cho trẻ em < 12 tuổi.

2. Cách sử dụng của Braicef

2.1. Cách dùng thuốc Braicef

Thuốc Braicef dùng đường tiêm tĩnh mạch. Liều dùng thông thường và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ và loại nhiễm khuẩn, chức năng thận của người bệnh.

2.2. Liều dùng của thuốc Braicef

  • Liều thường dùng là 1 đến 2 g, cứ cách 12 giờ một lần.
  • Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp có biến chứng: 2 g, cách 12 giờ một lần.
  • Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: 1 g, cách 12 giờ một lần.
  • Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, hoặc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng: 2 g, cách 12 giờ một lần.
  • Bệnh nhân suy thận: Trường hợp độ thanh thải creatinin < 50 ml/phút, cần điều chỉnh liều. Không nên định lượng creatinin huyết thanh bằng phương pháp Jaffé (hay pitrate) vì sẽ cho kết quả sai khi đang dùng cefpirom (kết quả thường cao hơn chỉ số chính xác).
  • Thông thường, trong trường hợp cấp bách việc điều trị Braicef cho trẻ em chỉ được tiến hành khi các cách điều trị khác không thể thực hiện được. Nếu thật sự cần thiết, việc tính liều cho trẻ em sẽ dựa vào các liều trên cho mỗi kg thể trọng và được bác sĩ chỉ định

3. Lưu ý khi dùng thuốc Braicef

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Braicef, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân với nhóm cephalosporin, nhóm penicilin hoặc thuốc khác. Trong trường hợp bệnh nhân có bị dị ứng penicilin, rất có thể xảy ra nguy cơ dị ứng chéo gây ra các phản ứng trầm trọng với cephalosporin.
  • Ðối với các bệnh nhân bị suy thận cần giảm liều dùng.
  • Có nguy cơ tăng các phản ứng không bất lợi đối với thận, nếu dùng Braicef phối hợp với các aminoglycosid (streptomycin, gentamicin....) hay dùng Braicef cùng với các thuốc lợi tiểu quai.
  • Trong thời gian điều trị cũng như sau khi điều trị có thể xảy ra tiêu chảy nặng và cấp, khi dùng các kháng sinh phổ rộng nói chung. Ðây có thể là triệu chứng của chứng viêm đại tràng màng giả. Trong trường hợp này cần ngưng sử dụng thuốc và khám lại, có thể bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh thích hợp (metronidazol hoặc vancomycin). Không được dùng các thuốc gây táo bón.
  • Không dùng thuốc khi niêm phong lọ đã bị hở, mất nắp, cảm quan lọ thuốc thấy bột pha tiêm bị đổi màu.
  • Kinh nghiệm trên lâm sàng trong điều trị bằng cefpirom cho người mang thai còn hạn chế. Nên cân nhắc sử dụng Braicef cho nhóm đối tượng này.
  • Hiện chưa có đủ số liệu để đánh giá nguy cơ cho trẻ đang bú mẹ. Vì vậy, khuyến cáo nên ngừng cho con bú khi cần điều trị với Braicef.
  • Những đối tượng cần lưu ý thận trọng khi dùng thuốc Braicef 2g : người già, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người suy gan, suy thận, người mẫn cảm với bất cứ chất nào trong thành phần của thuốc... Hoặc đối tượng bị hôn mê gan, nhược cơ, viêm loét dạ dày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Braicef

  • Tác dụng phụ thường gặp: Viêm tĩnh mạch ở vị trí tiêm, buồn nôn, bị tiêu chảy, tăng phosphatase và transaminase kiềm, tăng chỉ số creatinin máu....
  • Phản ứng phụ ít gặp: Ðau đầu, sốt, dị ứng, biếng ăn, kích ứng tại chỗ tiêm, nhiễm nấm Candida, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, mất ngủ, chóng mặt, co giật.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: ngủ gà, phản ứng phản vệ, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng màng giả....

5. Tương tác thuốc Braicef

  • Probenecid làm giảm sự bài tiết trong ống thận của các kháng sinh nhóm cephalosporin đào thải bằng cơ chế này, do đó làm tăng và kéo dài nồng độ Braicef trong huyết thanh, kéo dài nửa đời thải trừ và tăng nguy cơ gây độc của Braicef.
  • Có khả năng gây độc tính với thận khi dùng cephalosporin cùng với các thuốc có độc tính với thận khác, ví dụ nhóm thuốc lợi tiểu quai, nhất là ở những bệnh nhân đã bị suy chức năng thận từ trước đó.
  • Thuốc Braicef không được dùng chung với dung dịch bicarbonat.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

91 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan