Công dụng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

Alzocalm 0.5 và 1.0 thuộc nhóm thuốc chống co giật, chỉ định điều trị trong các trường hợp động kinh ở người lớn và trẻ em. Vậy Alzocalm sử dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho người dùng thuốc đảm bảo hiệu quả và an toàn.

1. Thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 là thuốc gì?

Thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 có chứa thành phần Clonazepam, tùy hàm lượng của hoạt chất có trong thuốc tương ứng 0.5mg, 1mg và các tá dược vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, quy cách đóng gói hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên hoặc lọ 100 viên.

2. Thuốc Alzocalm có tác dụng gì?

Thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh động kinh: Điều trị mọi thể động kinh và co giật, đặc biệt đối với động kinh cơn nhỏ điển hình hoặc không điển hình.
  • Chứng hoảng sợ: Điều trị các chứng hoảng sợ, kèm hoặc không kèm theo chứng sợ chỗ đông người và sợ khoảng rộng.

Thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 chống chỉ định dùng cho các bệnh nhân như sau:

  • Dị ứng với hoạt chất Clonazepam hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Có tiền sử dị ứng với các thuốc nhóm Benzodiazepin.
  • Bệnh liên quan đến suy giảm chức năng gan (viêm gan, xơ gan) hay tăng nhãn áp.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

Thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 bào chế ở dạng viên nén, dùng thuốc bằng đường uống.

Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Alzocalm:

Trong điều trị bệnh động kinh:

Người lớn:

  • Liều dùng khởi đầu là 1mg (đối với người cao tuổi là 0,5mg), không dùng quá liều tối đa cho phép là 1,5mg mỗi ngày, chia thành 3 lần dùng.
  • Liều dùng có thể tăng thêm từ 0,5 – 1mg mỗi 3 ngày cho đến khi cơn động kinh đã được kiểm soát hoặc khi xảy ra các tác dụng không mong muốn ngăn cản việc gia tăng liều dùng cho bệnh nhân.
  • Liều dùng duy trì khoảng từ 4 – 8mg mỗi ngày, chia thành 3 lần dùng thuốc tùy theo đáp ứng của từng người bệnh. Liều tối đa dùng thuốc là 20mg/ ngày.

Trẻ bú mẹ và trẻ em (dưới 10 tuổi hoặc cân nặng dưới 30kg):

  • Liều khởi đầu từ 0,01 – 0,03mg/ kg/ ngày, chia thành 3 lần dùng thuốc.
  • Mỗi 3 ngày, có thể tăng thêm liều dùng không quá từ 0,25 – 0,5mg/ kg/ ngày cho tới liều duy trì 0,1 – 0,2mg/ kg/ ngày, chia thành 3 lần dùng thuốc.
  • Liều dùng tối đa là 0,2mg/ kg/ ngày.

Trong điều trị bệnh chứng hoảng sợ:

Người lớn:

  • Liều khởi đầu là 0,25mg/ lần, dùng 2 lần mỗi ngày.
  • Có thể tăng liều lên đến 1mg/ ngày, sau 3 ngày dùng thuốc.
  • Khi ngưng điều trị phải giảm liều dùng thuốc từ từ, trong 3 ngày giảm 0,125mg cho tới khi ngừng dùng thuốc.

Trẻ bú mẹ và trẻ em:

  • Chưa có đầy đủ kinh nghiệm sử dụng lâm sàng thuốc Alzocalm 0.5 và 1 trong điều trị chứng hoảng sợ với người bệnh dưới 1 tuổi.

Chú ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, bác sĩ điều trị sẽ dựa vào tình trạng của mỗi bệnh nhân để chỉ định liều lượng phù hợp.

4. Tác dụng phụ của thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

Trước khi kê đơn, bác sĩ luôn cân nhắc giữa lợi ích hiệu quả mà thuốc Alzocalm 1.0 và 0.5 mang lại cũng như nguy cơ có thể xảy ra cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn như sau:

Thường gặp:

  • Buồn ngủ, rối loạn điều phối, rối loạn hành vi, lú lẫn, giảm khả năng trí tuệ, táo bón, đau bụng, thống kinh (gặp ở nữ giới).

Ít gặp:

  • Thiếu máu, giảm bạch cầu/ tiểu cầu, suy hô hấp.

Trong quá trình dùng thuốc, khi người bệnh gặp phải các tác dụng không mong muốn như trên hoặc bất kỳ triệu chứng nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để can thiệp phù hợp.

5. Tương tác thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

Nhằm tránh những tương tác xảy ra khi dùng phối hợp các thuốc, người bệnh nên cho bác sĩ biết các loại thuốc đang sử dụng.

Sau đây là một số thuốc có khả năng tương tác với Alzocalm 0.5 và 1.0 khi kết hợp:

  • Thuốc Phenytoin, Phenobarbital có thể làm tăng chuyển hóa của Alzocalm và giảm nồng độ thuốc trong huyết tương.
  • Tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thuốc Alzocalm có nguy cơ tăng lên khi sử dụng chung với rượu, thuốc gây mê, thuốc ngủ, thuốc giải lo âu, chống loạn thần, ức chế men monoamine và các thuốc chống co giật khác.
  • Dùng thận trọng các thuốc chống nấm loại uống khi phối hợp với Alzocalm 0.5 và 1.0.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0

Dưới đây là một số lưu ý khi dùng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 giúp đạt hiệu quả điều trị cũng như giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ:

  • Ngừng dùng thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0 đột ngột, đặc biệt ở người bệnh đang điều trị thuốc dài hạn liều cao có thể gây ra tình trạng động kinh, triệu chứng cai thuốc như co giật, loạn thần, ảo giác, rối loạn hành vi, run, co cứng cơ và bụng. Do đó, việc ngừng dùng thuốc phải được tiến hành từng bước và đồng thời có thể chỉ định một thuốc chống co giật khác thay thế.
  • Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc thuốc.
  • Sử dụng đồng thời cả 2 thuốc acid Valproic và Alzocalm 0.5, 1.0 có thể làm xuất hiện cơn vắng ý thức.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Không dùng thuốc cho nhóm đối tượng này. Có thể ngưng cho con bú khi dùng thuốc này với những người nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc này ở đối tượng những người lái xe hay điều khiển máy móc bởi những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra.
  • Khi quá liều thuốc Alzocalm 0.5 và 1.0, người bệnh thường gặp các triệu chứng như ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, giảm phản xạ. Cần theo dõi hô hấp, mạch và huyết áp, các biện pháp hỗ trợ, rửa dạ dày ngay khi có thể. Nên đặt đường truyền để truyền dịch tĩnh mạch và đảm bảo thông khí tốt cho người bệnh. Trường hợp người bệnh có hạ huyết áp thì dùng thuốc Levarterenol.

Trên đây là những thông tin quan trọng của thuốc Alzocalm, việc đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp người bệnh sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

175 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan