Công dụng thuốc Antituss

Thuốc Antituss plus được chỉ định sử dụng để điều trị cho các tình trạng ho do cảm cúm, cảm lạnh, ho gà hoặc do viêm nhiễm đường hô hấp. Trong mỗi lọ Antituss plus có chứa nhiều hoạt chất trị ho khác nhau, tuy nhiên có thể tiềm ẩn một số tác dụng phụ ngoại ý. Bởi vậy, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất mà bác sĩ khuyến nghị.

1. Thuốc Antituss plus là gì?

Thuốc Antituss plus thuộc nhóm thuốc ho và cảm lạnh, chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ. Thuốc ho Antituss được bào chế dưới dạng siro, với quy cách đóng gói hộp 1 chai x 60ml. Trong mỗi lọ siro Antituss có chứa các thành phần chính dưới đây:

  • Hoạt chất chính: Dextromethorphan hydrobromide hàm lượng 60mg.
  • Chlorpheniramine maleate hàm lượng 15,96mg.
  • Guaifenesin (Glyceryl guaiacolate) hàm lượng 600mg.
  • Sodium citrate dihydrate hàm lượng 1596mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Antituss plus

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Antituss plus

Thuốc ho Antituss plus thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị ho do cúm, cảm lạnh, ho gà, sởi, kích thích nhẹ tại họng, phế quản hoặc do hít phải chất gây kích ứng.
  • Giảm ho do viêm nhiễm đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm phổi – phế quản, viêm thanh quản, viêm họng, viêm khí phế quản, viêm khí quản.

2.2 Công dụng của thuốc Antituss plus

Mỗi hoạt chất trong thuốc Antituss plus đều có tác dụng giảm ho theo cơ chế riêng, cụ thể:

  • Dextromethorphan: Có khả năng giảm thiểu cơn ho nhờ cơ chế tác động lên vùng trung tâm ho ở hành não.
  • Guaifenesin: Có tác dụng long đờm giảm ho nhờ kích thích tăng tiết dịch tại đường tiêu hoá.
  • Chlorpheniramine: Thuộc nhóm thuốc kháng histamine, có tác dụng điều trị ho do dị ứng một cách hiệu quả.

3. Liều lượng, cách dùng, xử trí quá liều và quên liều thuốc Antituss plus

3.1 Liều lượng và cách dùng thuốc Antituss plus

Thuốc ho Antituss plus được bào chế dưới dạng dung dịch siro, do đó thuốc cần được sử dụng bằng đường uống với phân liều chuẩn xác. Liều lượng sử dụng thuốc Antituss plus theo chỉ định của bác sĩ được xác định cụ thể như sau:

  • Trẻ em < 2 tuổi: Uống siro ho Antituss theo liều khuyến nghị của bác sĩ.
  • Trẻ từ 2 – 6 tuổi: Uống 5ml Antituss / lần x 2 – 3 lần / ngày.
  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Uống 10ml Antituss / lần x 2 – 3 lần / ngày.
  • Trẻ > 12 tuổi và người lớn: Uống 15ml Antituss / lần x 2 – 3 lần / ngày.

3.2 Cần làm gì khi quên liều hoặc uống quá liều thuốc Antituss plus?

Khi trót bỏ lỡ liều thuốc Antituss plus

  • Bệnh nhân cần uống liều đã quên vào thời điểm sớm nhất có thể.
  • Bỏ qua liều đã lỡ nếu gần với thời điểm uống liều thuốc tiếp theo. Thay vào đó, sử dụng thuốc tiếp theo đúng kế hoạch.
  • Tuyệt đối không uống chồng liều hoặc gấp đôi liều.

Khi quá liều thuốc Antituss plus

Trong trường hợp uống quá liều Antituss plus, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng của quá liều Dextromethorphan, chẳng hạn như mắt nhìn mờ, bí tiểu, buồn nôn, nôn ói, rung giật nhãn cầu, suy hô hấp, co giật hoặc ảo giác. Ngoài ra, triệu chứng quá liều liên quan đến Chlorpheniramine cũng có thể xảy ra, bao gồm loạn tâm thần, loạn nhịp, truỵ tim mạch, an thần, cơn động kinh, ngưng thở, co giật, chống tiết Acetylcholin hoặc kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương.

Trong trường hợp lỡ uống quá liều thuốc Antituss plus và gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế hoặc báo cho bác sĩ để có phương hướng xử trí thích hợp. Tuỳ thuộc vào từng tình trạng quá liều thuốc mà bác sĩ sẽ đưa ra cách giải quyết phù hợp, cụ thể:

  • Điều trị quá liều liên quan đến Dextromethorphan: Sử dụng Naloxon 2mg đường tiêm tĩnh mạch, có thể cho bệnh nhân dùng nhắc lại nếu cần tới tổng liều lên đến 10mg.

Điều trị quá liều liên quan đến Chlorpheniramine: Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị các triệu chứng quá liều mà bệnh nhân đang gặp phải, hỗ trợ gây nôn bằng siro ipecacuanha hoặc rửa dạ dày. Để hạn chế thuốc hấp thu trong cơ thể, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc tẩy và than hoạt tính. Đối với trường hợp có triệu chứng loạn nhịp hoặc hạ huyết áp, bệnh nhân cần được điều trị tích cực. Triệu chứng co giật có thể được điều trị bằng phương pháp tiêm tĩnh mạch Phenytoin hoặc Diazepam. Nếu bệnh nhân có triệu chứng quá liều nặng có thể cần đến truyền máu.

4. Các tác dụng phụ của thuốc Antituss plus

Trong quá trình điều trị bằng thuốc ho Antituss plus, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:

  • Tác dụng phụ phổ biến: An thần, nhịp tim nhanh, ngủ gà, mệt mỏi, đỏ bừng da, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khô miệng.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Nổi mề đay, tăng nồng độ acid uric trong máu, tẩy ruột nhẹ hoặc kiềm chuyển hoá ở những bệnh nhân suy thận.

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ có chuyên môn nếu có sự hiện diện của bất kỳ tác dụng phụ nào được liệt kê ở trên. Việc phát hiện và điều trị tác dụng phụ chậm trễ có thể dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm khác cho sức khỏe người bệnh.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Antituss plus

5.1 Chống chỉ định sử dụng thuốc ho Antituss plus

Theo khuyến cáo của chuyên gia, những đối tượng dưới đây tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc ho Antituss khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với Dextromethorphan, Guaifenesin hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần dược chất nào khác trong thuốc.
  • Bệnh nhân đã từng hoặc đang điều trị bằng thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO) trong vòng 14 ngày trước đó.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Antituss plus cho bệnh nhân có cơn hen cấp.
  • Bệnh nhân có các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang, glaucom góc hẹp, tắc môn vị - tá tràng hoặc loét dạ dày.
  • Không dùng thuốc Antituss plus cho những người bị suy thận nặng.
  • Bệnh nhân bị ứ dịch hoặc tăng natri máu.
  • Không dùng Antituss plus cho thai phụ, trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc trẻ sinh non.

5.2 Những điều cần thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Antituss plus

Khi điều trị ho và các triệu chứng cảm lạnh bằng thuốc Antituss plus, bệnh nhân cần thận trọng một số điều dưới đây:

  • Hoạt chất Chlorpheniramine trong thuốc có thể dẫn đến tình trạng bí tiểu tiện do tác dụng chống sản xuất Acetylcholin. Điều này cần đặc biệt cẩn trọng đối với những bệnh nhân bị tắc đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt, nhược cơ hoặc tắc môn vị tá tràng.
  • Khi sử dụng rượu và các thuốc an thần khác trong quá trình điều trị bằng thuốc Antituss plus có thể làm tăng tác dụng an thần, buồn ngủ của hoạt chất Chlorpheniramine.
  • Những người mắc bệnh phổi mãn tính, khó thở, thở ngắn, ho nhiều đờm, ho mãn tính (người hút thuốc lá), tràn khí, hen, có nguy cơ cao hoặc đang bị suy giảm hô hấp, trẻ em < 2 tuổi cần thận trọng khi điều trị bằng thuốc Antituss plus.
  • Thận trọng khi dùng Antituss plus cho bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) bởi những đối tượng này thường dễ nhạy cảm với công dụng chống tiết Acetylcholin của thuốc.
  • Hoạt chất Dextromethorphan trong thuốc có thể kích thích giải phóng histamine, do đó cần thận trọng dùng thuốc cho bệnh nhi có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn.
  • Nguy cơ lạm dụng hoặc phụ thuộc vào Dextromethorphan có thể xảy ra, nhất là khi bệnh nhân dùng thuốc ở liều cao kéo dài, tuy nhiên tình trạng này khá hiếm gặp.
  • Tránh sử dụng thuốc Antituss plus cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp (ví dụ như glaucoma).
  • Thuốc Antituss plus có thể gây triệu chứng hoa mắt, nhìn mờ, ngủ gà, chóng mặt hoặc suy giảm tâm thần vận động, do đó những người lái xe cộ, điều khiển máy móc cần thận trọng khi điều trị bằng thuốc này.

5.3 Tương tác của Antituss plus với các thuốc khác

Thuốc Antituss plus có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với những loại thuốc dưới đây:

Khi dùng kết hợp Antituss plus với những chất hoặc thuốc này có thể làm tăng tác dụng phụ hoặc giảm mức độ hiệu quả của thuốc. Để đảm bảo an toàn và tránh tương tác khi điều trị bằng thuốc Antituss plus, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ về danh sách các dược phẩm, chất bổ sung, thảo dược hoặc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ mà mình đang dùng cũng như những tình trạng bệnh khác đang mắc phải. Bác sĩ có thể tư vấn điều chỉnh thời gian sử dụng giữa các loại thuốc hoặc thay thế loại thuốc khác phù hợp hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan