Công dụng thuốc Ceclor

Thuốc Ceclor là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin. Thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nguyên nhân do vi khuẩn như viêm tai giữa, các tổn thương ngoài da, nhiễm trùng đường tiết niệu hay những bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp.

1. Thuốc Ceclor là thuốc gì? Tác dụng của thuốc Ceclor

Thuốc Ceclor thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin có tác dụng diệt khuẩn do khả năng ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào. Thuốc Ceclor có hiệu quả đối với các loại vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn gram dương và gram âm như sau:

  • Staphylococci, bao gồm các chủng tạo men penicillinase, coagulase dương tính, coagulase âm tính (khi được thử nghiệm in vitro), có biểu hiện đề kháng chéo giữa cefaclor và methicillin.
  • Streptococcus pneumoniae;
  • Streptococcus pyogenes;
  • Citrobacter diversus;
  • Escherichia coli;
  • Haemophilus influenzae;.
  • Klebsiella spp.
  • Moraxella (Branhamella) catarrhalis
  • Neisseria gonorrhoeae
  • Proteus mirabilis

Đồng thời, thuốc Ceclor cũng có tác dụng đối với nhóm vi khuẩn kỵ khí như:

  • Bacteroides spp. (ngoại trừ Bacteroides fragilis);
  • Peptococcus niger;
  • Peptostreptococcus spp;
  • Propionibacteria acnes.

2. Chỉ định của thuốc Ceclor

Thuốc Ceclor được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn nguyên nhân do các vi khuẩn nhạy cảm sau đây:

  • Viêm tai giữa do chủng S. pneumoniae, H. influenzae, Staphylococci và M. catarrhalis.
  • Viêm đường hô hấp dưới, bao gồm cả bệnh viêm phổi, gây ra bởi các vi khuẩn như S. pneumoniae, H. influenzae.
  • Viêm đường hô hấp trên, bao gồm cả bệnh viêm họng và viêm amidan.
  • Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu bao gồm viêm bể thận và viêm bàng quang nguyên nhân do vi khuẩn E. coli, Klebsiella spp, P. mirabilis và tụ cầu coagulase âm tính. Lưu ý: Thuốc Cefaclor có hiệu quả trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn tiết niệu kể cả cấp tính lẫn mạn tính.
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da nguyên nhân do S. aureus và S. pyogenes.
  • Bệnh lý viêm xoang.
  • Viêm niệu đạo nguyên nhân do lậu cầu.

3. Cách pha thuốc Ceclor 125mg

Thuốc Ceclor được bào chế dưới dạng cốm pha hỗn dịch uống nên bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng theo đường uống. Bạn có thể sử dụng theo cách sau:

  • Bạn pha cốm với nước tạo hỗn dịch uống.
  • Sau khi pha thuốc, 5mL hỗn dịch có chứa cefaclor monohydrat tương đương 125mg hoặc 250mg Ceclor.

Lưu ý: Bạn cần tuân thủ chỉ định về liều dùng và cách dùng thuốc Ceclor theo chỉ định của bác sĩ điều trị hoặc thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

4. Cách dùng và liều dùng thuốc Ceclor

4.1. Cách sử dụng thuốc Ceclor

Để đảm bảo dùng thuốc Ceclor đúng cách, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Tuân thủ đúng theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị về liều lượng và thời gian sử dụng. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Chỉ được sử dụng thuốc Ceclor bằng đường uống.
  • Thuốc Ceclor có dạng bào chế là dạng viên nang và hỗn dịch uống có thể uống lúc no hoặc đói. Dạng viên nén giải phóng kéo dài nên sử dụng trong bữa ăn hoặc trong vòng 1 giờ quanh bữa ăn để tăng hấp thu.
  • Nếu sau khi sử dụng hết liều lượng và thời gian đã được quy định mà tình trạng bệnh vẫn không khỏi hoặc có biểu hiện nặng thêm, bạn hãy ngừng sử dụng thuốc và tìm gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn cách điều trị hiệu quả hơn.

4.2. Liều dùng của thuốc Ceclor

Tùy vào từng đối tượng, tình trạng bệnh lý và các điều kiện y tế liên quan đến mà các bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp. Thông thường, thuốc Ceclor sẽ được sử dụng với liều lượng như sau:

Đối với người lớn

  • Uống thuốc Ceclor 250 mg/ 8 giờ/ lần. Trường hợp nặng, bạn cần tăng liều lên gấp đôi và tối đa 4 g/ngày.
  • Viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng tiết niệu không có biến chứng. Uống thuốc Ceclor 250 mg/ 8 giờ/ lần.
  • Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng hơn hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể sử dụng 500 mg/ 8 giờ/ lần.
  • Dạng viên nén giải phóng kéo dài dùng thuốc Ceclor 375mg/ 12 giờ/ lần x 10 ngày.
  • Nhiễm trùng hô hấp dưới: Uống thuốc Ceclor 250 mg/ 8 giờ/ lần. Nếu tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn như bị mắc bệnh viêm phổi hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể dùng 500 mg/ 8 giờ/ lần.
  • Dạng thuốc Ceclor viên nén giải phóng kéo dài để điều trị cơn bùng phát của viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phế quản cấp tính có bội nhiễm là 500 mg/ 12 giờ/ lần trong thời gian từ 7 đến 10 ngày.

Lưu ý: Đây là liều dùng tham khảo, tùy vào những đối tượng khác nhau ( người cao tuổi, trẻ, suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú) sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Do đó, bạn cần tuân thủ theo đúng liều mà bác sĩ điều trị đã chỉ định.

4.3. Trường hợp quá liều thuốc Ceclor

Dấu hiệu ngộ độc khi dùng thuốc Ceclor có thể gồm:

  • Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy;
  • Đau rát vùng thượng vị.

Mức độ đau rát vùng thượng vị và tiêu chảy phụ thuộc vào liều lượng sử dụng. Nếu bạn xuất hiện thêm các dấu hiệu triệu chứng khác thì có thể là do phản ứng thứ phát của một bệnh tiềm ẩn, hoặc của phản ứng dị ứng hay tác động của chứng ngộ độc khác kèm theo.

Ngay khi bạn hay người thân phát hiện dấu hiệu quá liều thuốc Ceclor thì việc cần làm là liên hệ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp xử trí sớm.

4.4. Trường hợp quên liều thuốc

Bạn cần sử dụng lại ngay sau khi bạn nhớ ra liều đã quên. Nếu thời gian uống liều quên gần đến thời điểm của liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng như đúng lịch trình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc với liều lượng gấp đôi liều dùng quy định với mục đích bù thuốc.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ceclor

Thuốc Ceclor có thể gây ra rất nhiều các tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng. Các vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Đau rát vùng thượng vị;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Vàng da và vàng mắt;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Cơ thể dễ xuất hiện bầm tím và chảy máu;
  • Các biểu hiện của nhiễm trùng như đau mỏi, sốt;
  • Thay đổi tâm trạng và tinh thần.

Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng khi uống thuốc Ceclor cũng có nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về đường ruột, vì một số vi khuẩn có khả năng kháng thuốc hoạt động gây hại cho đường ruột. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi đang trong quá trình điều trị hoặc sau khi ngưng sử dụng thuốc khoảng 1 vài tuần, thậm chí là vài tháng. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, bạn không được tự ý sử dụng thêm bất cứ một loại thuốc nào để chữa trị mà cần báo ngay cho các bác sĩ điều trị. Các biểu hiện của các vấn đề về đường ruột có thể gặp như sau:

  • Tiêu chảy thời gian dài.
  • Bị chuột rút, đau mỏi cơ.
  • Trong phân có lẫn nhầy hay máu.

Với các trường hợp sử dụng thuốc Ceclor trong thời gian dài hoặc dùng lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn có thể sẽ bị nhiễm nấm vùng miệng và vùng âm đạo. Bạn cần chú ý quan sát và thông báo với bác sĩ điều trị nếu trong miệng xuất hiện các mảng trắng hoặc vùng âm đạo thay đổi dịch tiết.

Ngoài các dấu hiệu bất thường đã được nêu ở trên, bạn cần liên hệ với các trung tâm y tế để được xử lý ngay lập tức nếu thấy cơ thể có biểu hiện của các phản ứng dị ứng như sau:

  • Mẩn ngứa, phát ban;
  • Sưng miệng, lưỡi, cổ họng;
  • Đau mỏi các khớp bất thường;
  • Khó thở.

Trên đây là một danh sách không đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Ceclor, tùy vào từng đối tượng mà bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác nữa. Bạn cần trao đổi với các bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể khi sử dụng thuốc Ceclor.

6. Tương tác của thuốc Ceclor

  • Sử dụng kết hợp thuốc Ceclor và Warfarin hiếm khi gây tăng thời gian prothrombin và điều chỉnh liều nếu cần thiết.
  • Probenecid làm tăng nồng độ thuốc Ceclor trong huyết thanh.
  • Thuốc Ceclor sử dụng đồng thời với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi niệu furosemid làm tăng độc tính đối với thận.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ceclor

  • Thận trọng với các người có tiền sử hay cơ địa nhạy cảm với thuốc Ceclor.
  • Dùng kháng sinh trong thời gian dài có thể gây viêm đại tràng giả mạc do C. difficile.
  • Người có chức năng thận suy giảm nặng thì cần phải giảm liều. Tuy nhiên, đối với những người bị suy thận ở mức độ trung bình thì không cần hiệu chỉnh liều.
  • Độ an toàn và hiệu quả của viên nang thuốc Ceclor và hỗn dịch uống cho trẻ dưới 1 tháng tuổi vẫn chưa được chứng minh.
  • Đối với những người đã từng bị bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt viêm đại tràng. Bạn nên thận trọng khi sử dụng và chú ý đến nguy cơ mắc viêm đại tràng màng giả.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai thì thuốc được đánh giá là an toàn khi dùng trên phụ nữ có thai. Tuy nhiên, do hiện vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu chứng minh về tính an toàn của thuốc Ceclor cho nên bạn chỉ sử dụng thuốc khi đã được bác sĩ điều trị cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định sử dụng.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Nồng độ thuốc Ceclor trong sữa mẹ rất thấp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ về các tác động của thuốc trên trẻ em đang bú mẹ nên bạn cần chú ý quan sát và thận trọng khi thấy trẻ bị tiêu chảy, tưa và nổi ban. Do đó, trong thời gian người mẹ sử dụng thuốc Ceclor nên cân nhắc việc ngừng việc cho con bú.

Thuốc Ceclor là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nguyên nhân do vi khuẩn như viêm tai giữa, các tổn thương ngoài da, nhiễm trùng đường tiết niệu hay những bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan