Công dụng thuốc Cepemid

Thuốc Cepemid là thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Với tác dụng của thuốc sẽ có công dụng điều trị nhiễm khuẩn nặng ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, giúp chống lại vi khuẩn xâm nhập, tiêu diệt và làm lành lại các vết thương, ổ nhiễm trùng nhanh chóng.

1. Thuốc Cepemid là thuốc gì?

Thuốc Cepemid thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm.

  • Dạng bào chế: Thuốc bột pha tiêm
  • Đóng gói: Hộp gồm 1 lọ duy nhất loại dung tích 20ml
  • Thành phần chính là: mỗi lọ chứa Imipenem monohydrat tương đương với 0,75g Imipenem và cilastatin natri tương đương với 0,75g cilastatin
  • Tác dụng của hoạt chất: Dược chất Imipenem là một kháng sinh phổ rất rộng thuộc nhóm beta - lactam. Công dụng thuốc Cepemid là diệt khuẩn nhanh do tương tác với một số protein gắn kết với penicillin (PBP) trên màng ngoài của vi khuẩn. Qua đó, thuốc gây ra ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn theo cơ chế giống như các kháng sinh beta - lactam khác.

2. Công dụng thuốc Cepemid

  • Dược chất Imipenem không phải là một thuốc lựa chọn đầu tiên mà chỉ dành cho điều trị những loại nhiễm khuẩn nặng. Dược chất Imipenem hay Cilastatin có hiệu quả trên nhiều loại nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm khuẩn đường tiết niệu và đường hô hấp dưới; nhiễm khuẩn trong ổ bụng và phụ khoa; nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm, xương và khớp.
  • Thuốc Cepemid đặc biệt hữu ích trong điều trị những nhiễm khuẩn hỗn hợp mắc trong bệnh viện.
  • Điều trị nhiễm khuẩn nguyên nhân do nhiều loại vi khuẩn hỗn hợp mà những thuốc khác có phổ hẹp hơn hoặc bị chống chỉ định do có nguy cơ gây độc.

3. Cách dùng thuốc Cepemid

Thuốc Cepemid chỉ nên sử dụng theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, không sử dụng để tiêm tĩnh mạch trực tiếp. Theo đó, thuốc Cepemid cần phải pha loãng lượng thuốc trong lọ với dung dịch tiêm truyền sao cho nồng độ cuối cùng của dược chất Mipenem không được quá 5 mg/ml. Truyền thuốc Cepemid trong thời gian từ 30 đến 60 phút.

Người bệnh tự theo dõi nếu xuất hiện cảm buồn nôn hay nôn mửa trong khi dùng thuốc, phải giảm tốc độ truyền.

Cần lắc kỹ lọ thuốc cho đến khi tạo thành một dung dịch trong suốt. Sự thay đổi màu sắc từ không màu sang màu vàng không ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. Thuốc Cepemid ổn định nhất ở pH 6,5 - 7,5. Dùng dịch treo chế phẩm trong Lidocain hydroclorid để tiêm bắp trong thời gian 1 giờ sau khi pha.

4. Liều dùng thuốc Cepemid

Liều dùng: Dựa trên hàm lượng hoạt chất Imipenem phải dùng.

4.1. Đối với người lớn

Tiêm truyền tĩnh mạch: Nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa: 250 - 500 mg, cứ 6 - 8 giờ một lần (1 - 4g mỗi ngày). Nhiễm khuẩn nặng do những vi khuẩn chỉ nhạy cảm mức độ vừa: 1g cứ 6 - 8 giờ một lần. Liều điều trị tối đa hàng ngày 4g hoặc 50 mg/kg thể trọng. Truyền liều 250 - 500 mg trong 20 - 30 phút; truyền liều 1g trong 40 - 60 phút.

Tiêm bắp: Chỉ áp dụng khi điều trị các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa: 500 - 750 mg, cứ 12 giờ một lần (Ghi chú: Liều điều trị 750mg được sử dụng đối với những nhiễm khuẩn trong ổ bụng và những nhiễm khuẩn nặng hơn ở đường hô hấp, da và phụ khoa). Không sử dụng tổng liều tiêm bắp quá 1,5 g một ngày và cần tiêm sâu trong khối cơ lớn.

4.2. Đối với trẻ em

Trẻ em dưới 12 tuổi: Độ an toàn và hiệu lực của dược chất Imipenem chưa được xác định đối với trẻ em, nhưng Imipenem tiêm tĩnh mạch đã được sử dụng có hiệu quả, với liều điều trị là 12 - 25 mg/kg, 6 giờ một lần.

Trong trường hợp suy thận, giảm liều như sau: Độ thanh thải creatinin 30 - 70 ml/phút, cho 75% liều thường dùng; Độ thanh thải creatinin 20 - 30 ml/phút, cho 50% liều thường dùng; Độ thanh thải creatinin dưới 20 ml/phút, cho 25% liều thường dùng. Trẻ em sẽ thường được chỉ định thêm một liều bổ sung sau khi thẩm tách máu.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cepemid

  • Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc Cepemid là buồn nôn và nôn mửa. Co giật có thể xảy ra, đặc biệt khi sử dụng liều cao cho người bệnh có thương tổn ở hệ thần kinh trung ương và người suy thận. Người bệnh có tiền sử bị dị ứng với những kháng sinh beta-lactam khác có thể có phản ứng mẫn cảm khi dùng imipenem.
  • Tác dụng không mong muốn hiếm gặp như hạ huyết áp, đánh trống ngực; cơn động kinh; ban đỏ; viêm đại tràng màng giả; giảm bạch cầu trung tính (gồm cả mất bạch cầu hạt), tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng thời gian prothrombin; , thử nghiệm Coombs (+), tăng AST, ALT, phosphatase kiềm, và bilirubin; phản ứng tại vị trí chỗ tiêm; tăng urê và creatinin trong máu, xét nghiệm nước tiểu không bình thường.
  • Những tác dụng không mong muốn đối với thần kinh trung ương như giật rung cơ, trạng thái lú lẫn hoặc xuất hiện các co giật sau khi tiêm tĩnh mạch imipenem/cilastatin. Những tác dụng không mong muốn này thường gặp hơn ở những người bệnh có rối loạn thần kinh trung ương và bị suy giảm chức năng thận.
  • Cũng như đối với các kháng sinh khác, việc sử dụng kéo dài thuốc có thể dẫn tới sự phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm.
  • Thông báo cho bác sĩ điều trị những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác của thuốc Cepemid

Các kháng sinh Beta-lactam và Probenecid có thể làm tăng độc tính của dược chất Imipenem/Cilastatin hay thuốc Cepemid.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cepemid

7.1. Chống chỉ định của thuốc Cepemid

  • Người có cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
  • Khi sử dụng các dung dịch pha loãng có lidocain hydroclorid, chế phẩm dùng tiêm bắp bị chống chỉ định đối với những người bệnh có tiền sử nhạy cảm đối với những loại thuốc gây tê thuộc loại amid, và những người bệnh bị sốc nặng hoặc bị blốc tim.

Sử dụng thuốc trên những phụ nữ có thai và cho con bú:

  • Thời kỳ mang thai: Dược chất Imipenem qua nhau thai. Hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng dược chất Imipenem/cilastatin đối với phụ nữ đang mang thai. Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi đã được bác sĩ điều trị cân nhắc giữa lợi ích thu được hơn hẳn so với nguy cơ xảy ra đối với người mẹ và thai nhi.
  • Thời kỳ cho con bú: Vì dược chất Imipenem bài tiết trong sữa mẹ, cần dùng thận trọng chế phẩm đối với phụ nữ cho con bú.

Thận trọng khi sử dụng thuốc:

  • Những tác dụng không mong muốn về thần kinh trung ương như co giật rung cơ, trạng thái lú lẫn hoặc con co giật đã xảy ra khi tiêm tĩnh mạch thuốc Cepemid. Những tác dụng không mong muốn này thường gặp hơn ở những người bệnh có rối loạn thần kinh trung ương đồng thời với bị suy giảm chức năng thận.
  • Cũng như đối với các kháng sinh khác, việc sử dụng kéo dài thuốc Cepemid có thể dẫn tới sự phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm.

Tóm lại, thuốc Cepemid là thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Với tác dụng của thuốc sẽ có công dụng điều trị nhiễm khuẩn nặng ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, giúp chống lại vi khuẩn xâm nhập, tiêu diệt và làm lành lại các vết thương, ô nhiễm trùng nhanh chóng. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan