Công dụng thuốc Hanotrypsin

Thuốc Hanotrypsin được sử dụng chủ yếu để điều trị tình trạng phù nề sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Ngoài ra, thuốc Hanotrypsin cũng được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm làm loãng các dịch tiết ở đường hô hấp trên cho người mắc bệnh viêm xoang, hen,... Trong suốt quá trình điều trị bằng Hanotrypsin, bệnh nhân cần thực hiện đúng theo các chỉ dẫn mà bác sĩ đã đề xuất để sớm đạt kết quả.

1. Hanotrypsin là thuốc gì?

Thuốc Hanotrypsin thuộc nhóm men kháng viêm, được kê đơn sử dụng cho các trường hợp bị phù nề sau khi gặp chấn thương hoặc phẫu thuật. Trong mỗi viên nén Hanotrypsin là sự kết hợp của các hoạt chất và tá dược dưới đây:

  • Hoạt chất chính: Chymotrypsin hoặc Alphachymotrypsin 21 microkatals (hàm lượng 4,2 mg)
  • Các tá dược khác: Tinh dầu bạc hà, đường Saccharose, Magnesi stearat, Aerosil và Maltodextrin.

2. Công dụng của hoạt chất chính trong thuốc Hanotrypsin

Hoạt chất Chymotrypsin trong thuốc Hanotrypsin là một loại enzym thuỷ phân, có khả năng xúc tác chọn lọc những liên kết peptid liền kề các acid amin có nhân thơm. Thuốc Hanotrypsin thường được kê đơn sử dụng để điều trị các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị phù nề xảy ra sau khi phẫu thuật hoặc sau chấn thương.
  • Chỉ định dùng cho các trường hợp bị viêm phế quản, viêm xoang hoặc hen suyễn nhằm làm lỏng dịch tiết ở đường hô hấp trên.

Ngoài ra, thuốc Hanotrypsin cũng có thể được phê duyệt và chỉ định sử dụng cho một số trường hợp khác chưa được đề cập đến ở trên. Tốt nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để sử dụng thuốc đúng cách và phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Không nên tự ý sử dụng thuốc Hanotrypsin nếu bạn thuộc vào một trong số các trường hợp sau:

  • Bị quá mẫn hoặc dị ứng với Chymotrypsin hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong chế phẩm.
  • Bị suy giảm Alpha - 1 antitrypsin.
  • Mắc tình trạng khí phế thủng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Mắc hội chứng thận hư.
  • Đang mang thai hoặc nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Hanotrypsin

3.1 Liều dùng thuốc Hanotrypsin theo khuyến cáo

Thuốc Hanotrypsin có thể sử dụng bằng đường uống hoặc đường ngậm dưới lưỡi, tuỳ thuộc vào chỉ dẫn của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng Hanotrypsin đối với từng trường hợp cụ thể:

  • Liều Hanotrypsin đường uống: Uống 2 viên / lần, ngày dùng từ 3 – 4 lần.
  • Liều Hanotrypsin đường ngậm dưới lưỡi: Ngậm 4 – 6 viên / ngày, chia thành nhiều lần.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Hanotrypsin hiệu quả

Trước khi điều trị với Hanotrypsin, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì hoặc tờ thông tin kèm theo hộp thuốc. Trong suốt quá trình điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ định về liều lượng và thời gian mà bác sĩ khuyến cáo. Tránh tự ý điều chỉnh liều thuốc hoặc áp dụng cách sử dụng khác chưa được bác sĩ chấp thuận.

Đối với thuốc Hanotrypsin đường uống, bạn nên uống thuốc với ít nhất 240ml cho mỗi liều dùng nhằm hỗ trợ gia tăng hoạt tính men và giúp thuốc phát huy công dụng tối ưu nhất. Trong trường hợp dùng Hanotrypsin bằng đường ngậm dưới lưỡi, bạn cần để viên nén tan và hấp thu dần dưới lưỡi cho đến khi hết hẳn, tránh nuốt hoặc nhai viên thuốc.

Trong trường hợp trót uống quá liều thuốc Hanotrypsin và gặp phải các triệu chứng cấp tính, bệnh nhân cần dừng dùng thuốc và đến ngay cơ sở y tế để được điều trị. Nếu bạn lỡ bỏ quên một liều thuốc Hanotrypsin, hãy cố gắng dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tránh dùng quá sát với liều kế tiếp hoặc gấp đôi liều so với quy định.

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Hanotrypsin

Theo nghiên cứu cho biết, phản ứng phụ có nguy cơ xảy ra thường xuyên nhất khi điều trị bằng thuốc Hanotrypsintăng nhãn áp nhất thời. Tác dụng ngoại ý này xảy ra là do các mảnh vụn chằng bị tiêu huỷ, dẫn đến tình trạng tắc mạng bó dây. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác trong quá trình dùng thuốc Hanotrypsin, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn hoặc ói mửa.

Bên cạnh các phản ứng phụ trên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ đối mặt với một số tình trạng khác chưa được đề cập đến. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ tác dụng phụ ngoài ý muốn nào khi sử dụng thuốc Hanotrypsin.

5. Cảnh báo một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc Hanotrypsin

Trước khi điều trị bằng thuốc Hanotrypsin, bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu:

  • Bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần dược chất nào trong thuốc.
  • Đang sử dụng các loại thuốc khác, bao gồm thuốc không kê toa, thuốc kê toa, thực phẩm chức năng và thảo dược tự nhiên.
  • Đã từng hoặc đang mắc các bệnh lý như tăng áp suất dịch kính, có vết thương hở, bị đục nhân mắt bẩm sinh (đục thuỷ tinh thể).
  • Mắc các rối loạn đông máu.
  • Đang sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Chuẩn bị trải qua cuộc phẫu thuật.
  • Bị dị ứng với protein.
  • Đang bị loét dạ dày.

Việc sử dụng thuốc Hanotrypsin có thể làm tăng nguy cơ mất dịch kính ở mắt. Vì vậy, không nên sử dụng Hanotrypsin cho bệnh nhân dưới 20 tuổi chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật đục thuỷ tinh thể.

6. Thuốc Hanotrypsin có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Khi phối hợp dùng chung thuốc Hanotrypsin với các thuốc khác có thể làm gia tăng sự ảnh hưởng của tác dụng phụ mà các loại thuốc mang lại cho người bệnh. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ tương tác giữa Hanotrypsin với các dược phẩm khác, bạn cần báo cho bác sĩ biết danh sách các loại thuốc đang được sử dụng trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi điều trị với Hanotrypsin, bạn cũng cần tránh tự ý áp dụng liều hoặc ngưng dùng thuốc mà chưa được bác sĩ cho phép.

Dưới đây là các loại thuốc có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với Hanotrypsin:

  • Có thể gia tăng tác dụng điều trị khi phối hợp Hanotrypsin với các thuốc dạng men khác. Ngoài ra, để tăng hoạt tính của Chymotrypsin, bệnh nhân nên kết hợp lối sống và chế độ ăn uống cân đối, hoặc bổ sung vitamin và muối khoáng.
  • Hoạt tính của Chymotrypsin có thể bị ức chế nếu dùng chung với một số loại hạt có chứa protein như đậu nành hoặc đậu Jojoba (Bắc Mỹ). Để tránh xảy ra tương tác, bạn nên đun sôi các loại hạt này trước khi sử dụng nhằm giúp bất hoạt lượng protein có trong chúng.
  • Tránh dùng chung thuốc Hanotrypsin với Acetylcystein – thuốc có tác dụng làm tan đờm đường hô hấp.
  • Không nên phối hợp Hanotrypsin cùng với các loại thuốc kháng đông máu.

7. Nên bảo quản thuốc Hanotrypsin như thế nào?

Thuốc Hanotrypsin nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và nơi có độ ẩm cao. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không nên lưu trữ thuốc Hanotrypsin vào trong ngăn đá hay phòng tắm bởi điều này có thể gây mất tác dụng của hoạt chất trong thuốc. Giữ thuốc Hanotrypsin ở xa tầm với của trẻ nhỏ nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ uống phải thuốc mà không biết.

Đối với thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu hư hỏng, bạn cần xử lý thuốc theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Tránh tự ý vứt thuốc xuống đường ống dẫn nước hoặc toilet, trừ khi có yêu cầu của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

29 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan