Công dụng thuốc Mecam 15

Thuốc Mecam 15 được chỉ định điều trị giảm viêm đau trong các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Mecam 15 qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Mecam

Thuốc Mecam 15 được bào chế dưới dạng viên nén tròn, chứa hoạt chất Meloxicam 15mg.

Meloxicam là dẫn chất oxicam thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid, có tác dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm. Cơ chế tác dụng của Meloxicam thông qua ức chế Cyclooxygenase (COX) làm giảm tổng hợp Prostaglandin – chất trung gian có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của quá trình sốt, viêm và đau. Meloxicam chủ yếu tác động ức chế trên COX – 2 (tác dụng gấp 10 lần trên COX – 1) nên tác dụng phụ trên đường tiêu hóa ít hơn so với thuốc ức chế không chọn lọc trên COX.

Thuốc Mecam 15 được chỉ định điều trị giảm viêm đau trong các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp...

2. Liều dùng của thuốc Mecam 15

Thuốc Mecam 15 công dụng giảm đau chống viêm, có liều dùng được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng và khả năng dung nạp của người bệnh. Để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, liều thuốc nên được dùng ở mức thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Một số khuyến cáo về liều thuốc Mecam như sau:

Người trưởng thành:

  • Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp: Liều thuốc khởi đầu là 7,5mg/ ngày, tối đa không quá 15mg/ ngày. Trường hợp phải dùng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là ở người cao tuổi không có nguy cơ gặp các tai biến phụ thì liều dùng khuyến cáo là 7,5mg/ lần/ ngày.
  • Đợt cấp của thoái hóa khớp: Liều thuốc khuyến cáo là 7,5mg/ lần/ ngày, khi cần thiết có thể tăng lên 15mg/ lần/ ngày.

Người cao tuổi: Liều thuốc Mecam 15 khuyến cáo là 7,5mg/ lần/ ngày, khi cần thiết hoặc triệu chứng bệnh không đỡ có thể tăng lên 15mg/ lần/ ngày.

Người bệnh suy gan, suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy gan, suy thận nhẹ đến trung bình. Đối với người bệnh suy gan, suy thận nặng khuyến cáo không dùng thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mecam 15

Thuốc Mecam 15 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp: Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, táo bón, đau bụng, đầy hơi, thiếu máu, tiêu chảy, ngứa da, phát ban, đau đầu và phù.
  • Ít gặp: Đầy hơi, tăng nhẹ transaminase máu và bilirubin máu, loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản, xuất huyết tiêu hóa tiềm ẩn, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng huyết áp, hồi hộp, nguy cơ huyết khối tim mạch, tăng ure và creatinin máu, ù tai, chóng mặt và buồn ngủ.
  • Hiếm gặp: Loét – thủng dạ dày, viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm gan, hồng ban đa dạng, tăng nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Lyell và cơn hen phế quản.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Mecam 15 và thông báo cho bác sĩ điều trị khi gặp phải các tác dụng không mong muốn.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Mecam 15

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng Mecam 15 trong những trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với Meloxicam hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Mecam 15;
  • Mẫn cảm với Aspirin và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID);
  • Người bệnh hen phế quản, polyp mũi, nổi mày đay và phù vận mạch... khi điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid;
  • Người bệnh bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc viêm ruột hoạt động;
  • Người bệnh suy gan, suy thận nặng không lọc máu;
  • Người bệnh suy tim chưa kiểm soát được;
  • Trẻ em, thanh thiếu niên trên 18 tuổi;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người bệnh xuất huyết mạch máu não gần đây hoặc được chẩn đoán là bị rối loạn xuất huyết toàn thân;
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế CYP2C9.

4.2. Lưu ý khi sử dụng

Tác động trên tim mạch: Meloxicam nói riêng và thuốc chống viêm không steroid nói chung dùng đường toàn thân có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch, bao gồm cả đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này xuất hiện sớm trong vài tuần đầu điều trị bằng Mecam và có thể tăng lên theo thời gian điều trị. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các tiền sử và triệu chứng của biến cố tim mạch nghiêm trọng. Để giảm nguy cơ gặp phải biến cố tim mạch, người bệnh cần dùng liều thuốc thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Tác động trên dạ dày – ruột: Thuốc Mecam 15 có thể gây ra các biến cố bất lợi trên đường tiêu hóa như chảy máu, viêm, loét và thủng dạ dày, ruột non hoặc ruột già, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc NSAID ở người bệnh có tiền sử viêm loét hoặc xuất huyết tiêu hóa ở dạ dày – ruột.

Tác động trên gan: Meloxicam nói riêng và các NSAID nói chung có thể làm tăng men gan, hiếm gặp các trường hợp xảy ra phản ứng ở gan nghiêm trọng. Trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng tương đồng với sự hình thành bệnh gan hoặc có biểu hiện toàn thân xảy ra cần ngưng sử dụng Meloxicam.

Bệnh tăng huyết áp: Thuốc Mecam 15 có thể dẫn đến khởi phát một cơn tăng huyết áp mới hoặc làm nặng hơn tình trạng tăng huyết áp hiện có, điều này làm tăng các biến cố tim mạch. Vì vậy thuốc cần được sử dụng thận trọng ở người bệnh tăng huyết áp.

Người bệnh phù, suy tim ứ huyết: Phù và ứ đọng dịch đã được ghi nhận ở một số người bệnh điều trị bằng NSAID,vì vậy cần thận trọng khi sử dụng Meloxicam ở người bệnh có tình trạng ứ đọng dịch như phù và suy tim ứ huyết.

Tác động lên thận: Điều trị dài ngày bằng thuốc Mecam 15 có thể gây tổn thương, suy giảm chức năng thận.

Phản ứng phản vệ: Có thể xảy ra ở người bệnh chưa được điều trị bằng Meloxicam trước đó. Ở người bệnh có cơn hen phế quản nhạy cảm với Aspirin, việc điều trị bằng Aspirin trong thời gian dài sẽ đi kèm với tình trạng co thắt phế quản và có thể gây tử vong, bởi vì có phản ứng chéo giữa Aspirin và các NSAID nên không được sử dụng Meloxicam ở người bệnh nhạy cảm với Aspirin.

Phản ứng có hại trên da, niêm mạc: NSAID nói chung và Meloxicam nói riêng có thể gây ra các phản ứng có hại trên da và niêm mạc như hội chứng Steven – Johnsons, viêm da tróc vảy, hoại tử ngoại bì nhiễm độc và có thể gây chết người. Người bệnh cần được thông báo về dấu hiệu, triệu chứng của phản ứng có hại trên da, niêm mạc và cần ngưng sử dụng thuốc ngay khi xảy ra phản ứng.

Người bệnh đang điều trị bằng Corticoid: Không sử dụng đồng thời thuốc Mecam với Corticoid vì làm tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn, đặc biệt là trên đường tiêu hóa.

Che giấu các triệu chứng viêm, sốt: Meloxicam có tác dụng giảm viêm, giảm sốt nên có thể che giấu các dấu hiệu chẩn đoán phát hiện biến chứng của bệnh lý, các chứng đau.

Tác động lên máu: Thuốc Mecam 15 có thể gây thiếu máu ở một số người bệnh. Người bệnh điều trị lâu dài bằng Meloxicam cần kiểm tra dung tích hồng cầu, hemoglobin máu khi có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nào của tình trạng thiếu máu.

Đối với phụ nữ đang mang thai: Không dùng thuốc Mecam ở phụ nữ đang mang thai do nguy cơ đóng sớm ống động mạch hoặc nguy cơ tiềm ẩn khác đối với thai nhi.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Meloxicam qua được hàng rào sữa mẹ và có thể gây hại cho trẻ bú mẹ. Vì vậy không sử dụng thuốc Mecam ở phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Mecam 15 có thể gây ra một số tương tác như sau:

  • Nguy cơ xuất hiện các biến cố bất lợi, đặc biệt là trên đường tiêu hóa tăng lên khi sử dụng đồng thời thuốc Mecam với Aspirin và các NSAID khác.
  • Dùng phối hợp Mecam với thuốc chống đông máu như Heparin, Ticlodipine, thuốc tan huyết khối có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Tương tác xảy ra khi dùng Meloxicam cùng thuốc Lithium, thuốc điều trị rối loạn cảm xúc.
  • Thuốc điều trị trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu Serotonin.
  • Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp;
  • Thuốc Methotrexate;
  • Meloxicam làm giảm tác dụng điều trị của thuốc chống tăng huyết áp như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh beta, thuốc lợi tiểu và thuốc giãn mạch....

Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của thuốc Mecam 15, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm bổ sung trước khi điều trị bằng Mecam 15 để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

308 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan