Công dụng thuốc Philipacol

Thuốc Philipacol là thuốc kê đơn có thành phần kết hợp, được dùng để giảm các triệu chứng do bệnh cảm cúm, cảm lạnh và viêm mũi xoang gây ra cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn.

1. Thuốc Philipacol có tác dụng gì?

Thành phần trong mỗi viên nang mềm của thuốc Philipacol gồm:

  • Acetaminophen 325mg: Paracetamol hay Acetaminophen: Đây là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt thuốc nhóm thuốc chống viêm không steroid. Được dùng để hạ sốt và giảm đau do các bệnh như viêm họng, cảm lạnh, viêm amidan, cảm cúm...có tác dụng tương tự như aspirin nhưng thuốc không có tác dụng chống viêm và ảnh hưởng tới sự ngưng kết tiểu cầu. Thuốc paracetamol chỉ hạ thân nhiệt ở người bệnh có sốt, hiếm khi có sự hạ thân nhiệt ở người bình thường.
  • Dextromethorphan HBr 10mg: Đây là thuốc có tác dụng chống ho, có bản chất gần như morphin, nhưng không có tác dụng giảm đau và an thần. Thuốc có tác động ức chế phản xạ ho do ức chế trung tâm ho. Thường được dùng trong bệnh ho khan, ho do kích ứng và ho khan mạn tính.
  • Chlorpheniramine maleate 2mg: Đây là một thuốc kháng histamin, có tác dụng giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi và các thuốc kháng histamin cũng được dùng để giảm ho khan, ho do kích ứng.
  • Phenylephrine HCI 5mg: Đây là chất có tác dụng cường giao cảm do kích thích trực tiếp thụ thể alpha, từ đó có tác dụng gây co mạch và tăng huyết áp, giảm sự sung huyết mũi và giảm tình trạng phù nề cuốn mũi, giảm dấu hiệu ngạt mũi.
  • Tá dược bao gồm: Polyethylene glycol 400, Polyethylene glycol 600, Povidon, Gelatin, Glycerin đậm đặc, D-sorbitol, Màu xanh số 1, Màu đỏ số 40, Ethyl vanillin và Nước tinh khiết).

Với những thành phần hoạt chất kết hợp, thuốc Philipacol thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Philipacol

2.1.Chỉ định

Thuốc Philipacol được dùng để làm giảm các triệu chứng cảm cúm như nhức đầu, đau họng, đau nhức cơ, đau nhức khớp, sốt kèm theo ho, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi; bệnh viêm mũi xoang...

2.2.Chống chỉ định

Chống chỉ định thuốc Philipacol trong những trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Suy hô hấp cấp, cao huyết áp, bệnh mạch vành nặng, bệnh gan nặng hay suy chức năng gan, đang cơn hen cấp, có triệu bệnh chứng phì đại tuyến tiền liệt, glocom góc hẹp, tắc cổ bàng quang, loét dạ dày chít hẹp, tắc môn vị - tá tràng.
  • Đang dùng hoặc đã dùng chất ức chế monoamine oxidase ( IMAO) trong vòng 14 ngày qua.
  • Người bệnh nhiều lần thiếu máu, thiếu men G6PD.
  • Phụ nữ đang cho con bú.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Philipacol

Cách dùng: Thuốc được bào chế dạng viên nang nên được dùng bằng đường uống, người bệnh có thể uống bất kỳ khi nào mà không liên quan tới thức ăn. Người bệnh cần chú ý, mỗi lần uống cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Uống 2 viên/lần, nên uống trước khi đi ngủ, vì Chlorpheniramine có tác dụng an thần nhẹ. Người bệnh cần chú ý không được uống quá 06 viên mỗi 24 giờ.
  • Người già > 65 tuổi: cần dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

Quá liều: Khi dùng thuốc với liều cao, dùng thuốc kéo dài hay kết hợp các thuốc khác có thành phần tương tự có thể gây ra quá liều, đặc biệt với người chức năng gan thận suy giảm. Theo đó, việc sử dụng quá liều có thể gây ra biểu hiện như bồn chồn, thay đổi nhịp tim, chán ăn, mệt mỏi, vàng da...nặng có thể gây suy gan cấp và hoại tử tế bào gan. Người thân cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế ngay nếu sử dụng thuốc Philipacol quá liều hay có biểu hiện của tình trạng quá liều nguy hiểm.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Philipacol

Tác dụng phụ bạn có thể gặp phải khi dùng thuốc Philipacol bao gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp như bồn chồn, lo âu, phát ban da hoặc nổi mày đay; Tác dụng an thần rất khác nhau ở mỗi người từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng và có thể gây kích thích xảy ra khi điều trị ngắt quãng.
  • Ít gặp: Buồn nôn, cảm giác chóng mặt, tăng huyết áp, phù phổi, loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, co mạch ngoại vi, co mạch nội tạng, nguy cơ gây suy hô hấp, ảo giác hoang tưởng, mờ giác mạc.
  • Hiếm gặp: Viêm cơ tim dạng ổ, xuất huyết dưới màng ngoài tim, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay khó tiêu, hành vi kỳ quặc do ngộ độc thuốc; ức chế hệ thần kinh trung ương; phản ứng dị ứng nặng, phản ứng trên da nghiêm trọng có thể gặp mà người bệnh cần được cảnh báo như hội chứng Steven-Johnson (SJS) hay hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell...; rối loạn chức năng tạo máu. Trường hợp uống lặp lại với liều lớn thuốc có chứa thành phần acetaminophen hoặc do uống thuốc dài ngày có nguy cơ viêm gan hoại tử tế bào gan.

Người bệnh thông báo ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu gặp phải những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc để được tư vấn và điều trị.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Philipacol

Không nên sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo hay dùng kéo dài mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đây là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ dùng khi được chỉ định và trước khi dùng cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng hay bệnh lý khác gặp phải.

Đây là thuốc điều trị triệu chứng, nếu trong quá trình điều trị, người bệnh thấy tình trạng viêm họng nặng, đau nhiều hơn, kéo dài hơn 2 ngày, kèm theo sốt, nhức đầu nhiều, phát ban, buồn nôn, nôn,... thì nên nên ngừng thuốc và đi khám. Nếu các triệu chứng của người bệnh không được cải thiện tốt trong vòng 7 ngày dùng thuốc hay trở nên nặng hơn cũng cần thăm khám với bác sĩ.

Thận trọng dùng thuốc cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn và chỉ dùng khi thật sự cần thiết;

Dùng thận trọng cho người bệnh gan, vì trong thành phần của thuốc có chứa acetaminophen có chuyển hoá qua gan. Tình trạng tổn thương tế bào gan có thể xảy ra khi dùng thuốc quá 6 viên/24 giờ, hay khi dùng chung với thuốc khác cũng có chứa acetaminophen, hoặc người bệnh uống rượu trong thời gian dùng thuốc;

Tương tác với các thuốc khác:

  • Thước có thể gây tương tác với thuốc chống đông máu, khi dùng acetaminophen có thể làm tăng nhẹ thời gian prothrombin.
  • Phenobarbital khi dùng chung sẽ làm tăng độc tính trên gan của thuốc acetaminophen.
  • Các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh khi dùng chung với thuốc dextromethorphan.
  • Dùng chlorpheniramin với thuốc ngủ hoặc thuốc giải lo âu có thể gây ra chứng ngủ gật. Dùng chung với rượu cũng gây ra tác dụng tương tự;
  • Chlorpheniramin ức chế sự chuyển hóa phenytoin và có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.
  • Các chất ức chế monoamine oxidase và chẹn beta giao cảm làm tăng tác dụng tương tự giao cảm của thành phần phenylephrine.

Bảo quản: Bảo quản thuốc Philipacol trong bao bì kín, ở những nơi khô mát, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ dưới 30°C. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ và vật nuôi trong gia đình.

Hy vọng qua bài viết này, độc giả đã hiểu hơn về thuốc Philipacol. Để đảm bảo an toàn bạn không nên tự ý dùng thuốc, nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc nào trong quá trình sử dụng, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ để biết thêm thông tin.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

83 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan