Công dụng thuốc Seaoflura

Seaoflura là thuốc gây mê dạng dung dịch hít qua đường hô hấp, thường được chỉ định trong khởi mê, tiền mê hay dẫn mê trước các phẫu thuật cho cả người lớn và trẻ em. Vậy cơ chế tác dụng và các chỉ định của thuốc là gì?

1. Seaoflura là thuốc gì?

Seaoflura có thành phần hoạt chất chính là Sevoflurane - là dẫn chất halogen ở dạng lỏng, dễ bay hơi dùng để hít qua đường thở, không bắt lửa, không gây nổ. Seaoflura không có mùi hăng đặc trưng, không gây kích ứng đường hô hấp khi sử dụng khởi mê.

Seaoflura tác dụng nhanh và phục hồi nhanh khi ngưng sử dụng nhưng vẫn chậm hơn thuốc mê Desfluran, tuy nhiên hiệu lực mạnh hơn Desfluran. Cơ chế tác dụng chính của thuốc là giãn cơ, ức chế tế bào cơ tim, nhưng không có tác dụng giảm đau, từ đó gây tác dụng an thần kinh đủ để tiến hành một số phẫu thuật.

Seaoflura hấp thu qua đường hít thở, tác dụng sau khoảng 1 - 2 phút, hệ số phân bố máu/ khí thấp chỉ khoảng 0,6 - 0,7, do đó thuốc khởi mê nhanh và thoát mê cũng nhanh. Ở liều thông thường, khoảng 5% thuốc hấp thu được chuyển hóa ở gan qua hệ enzym CYP 2E1 và thải trừ qua nước tiểu trong 1 - 2 ngày sau gây mê.

2. Chỉ định của thuốc Seaoflura

Seaoflura được sử dụng để gây mê trong một số trường hợp sau:

  • Khởi mê và duy trì tình trạng mê cho bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em trong quá trình phẫu thuật.
  • Dẫn mê và duy trình mê cho các phẫu thuật nội trú hoặc các phẫu thuật ngoại trú ở cả người lớn và trẻ em.

3. Chống chỉ định của thuốc Seaoflura

Không sử dụng Seaoflura trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Dị ứng với thành phần Sevoflurane hay bất thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán hoặc nghi ngờ đang sốt cao ác tính.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Seaoflura

  • Sử dụng thuốc ở cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện, nhân lực để hồi sức hô hấp, tuần hoàn đảm bảo tính an toàn trong suốt quá trình gây mê.
  • Không dùng Seaoflura quá 2 MAC (nồng độ tối thiểu ở phế nang) giờ với tốc độ dòng khí từ 1 đến dưới 2 lít/ phút để hạn chế thấp nhất sự phơi nhiễm hợp chất A.
  • Theo dõi huyết áp trong suốt quá trình mê do khả năng hạ huyết áp quá mức hoặc ức chế hô hấp của các nhóm thuốc gây mê.
  • Đánh giá tình trạng phục hồi sau gây mê của bệnh nhân qua các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở) trước khi đưa bệnh nhân ra khỏi phòng hồi tỉnh để đề phòng và xử trí kịp thời các tai biến do quá tình mê.
  • Thận trọng khi sử dụng gây mê bằng Seaoflura ở bệnh nhân có nguy cơ co giật hoặc tiền sử các bệnh lý co giật trước đó.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận mức độ nhẹ đến trung bình có thể cân nhắc dùng thuốc, tuy nhiên cần theo dõi chức năng gan, thận trước và sau khi phẫu thuật. Đối với các bệnh nhân suy gan thận mức độ nặng không có khuyến cáo dùng thuốc.
  • Bệnh nhân là người cao tuổi, trẻ em dưới 18 tuổi, thận trọng khi sử dụng thuốc, cần điều chỉnh liều và MAC phù hợp.
  • Khi gây mê bằng Seaoflura không dùng các chất hấp thụ CO2 chứa KOH sẽ gây ra phản ứng tỏa nhiệt.
  • Thuốc có thể qua được nhau thai và chưa đảm bảo được tính an toàn cho thai nhi và cả bà mẹ. Vì vậy, không dùng thuốc ở phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú cân nhắc ngừng cho trẻ bú hoặc không sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho trẻ.

5. Tương tác thuốc của Seaoflura

  • Các thuốc gây mê đường tĩnh mạch như Barbiturat, Propofol,... làm tăng tác dụng gây mê của Seaoflura. Khi sử dụng phối hợp nên cân nhắc điều chỉnh liều lượng.
  • Phối hợp với các thuốc Benzodiazepin và các thuốc giảm đau Opioid làm giảm MAC của Seaoflura.
  • Phối hợp với N2O làm tăng tác dụng hiệp đồng của cả hai thuốc. Vì vậy, giảm liều Seaoflura khi dùng đồng thời với N2O. Giảm 50% liều tương đương MAC (nồng độ phế nang) ở người lớn và 25% ở trẻ em khi dùng 50% N2O.
  • Phối hợp với các thuốc chẹn thần kinh - cơ (Vecuronium, Pancuronium, Atracurium) làm tăng cường độ, tăng hoạt tính và thời gian tác dụng giãn cơ.
  • Một số tương tác khác chưa được báo cáo đầy đủ, vì vậy trước khi thực hiện gây mê bằng Seaoflura nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc người bệnh đang sử dụng trong thời gian gần đây.

6. Liều dùng và cách sử dụng Seaoflura

Cách dùng Seaoflura:

  • Seaoflura được bào chế dưới dạng dung dịch lỏng chai 250ml, để hít trong gây mê qua đường hô hấp.
  • Trong quá trình gây mê, sử dụng bình phun hơi có định mức chuyên dụng tại cơ sở y tế được trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu. Điều chỉnh liều Seaoflura theo đáp ứng của từng người bệnh.
  • Khởi mê qua mặt nạ có thể dùng ở cả người lớn và trẻ em.

Liều dùng Seaoflura:

  • Liều dùng trong khởi mê ở người lớn: Dùng thuốc qua mặt nạ với nồng độ bắt đầu là 5% (tt/tt) kết hợp với oxygen hoặc hỗn hợp N2O và oxygen. Có thể phối hợp với Barbiturat tác dụng ngắn hoặc các thuốc khởi mê đường tĩnh mạch trước khi hít Seaoflura.
  • Liều dùng khởi mê ở trẻ em: Bắt đầu dùng với nồng độ 7% cần sử dụng với oxy hoặc hỗn hợp khí oxy với N2O đi kèm; thuốc bắt đầu tác dụng sau 1 - 2 phút;
  • Liều dùng duy trì mê: Nồng độ 0,5 - 3,0% (tt/tt), có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với N2O. Nên dùng phương tiện gây mê được chuẩn hóa đặc biệt như bình bốc hơi. Không sử dụng oxy trong trường hợp duy trì điều trị hôn mê.
  • Bệnh nhân cao tuổi dùng liều gây mê bằng liều duy trì mê, nồng độ 0,5 - 3%.
  • Liều dùng dẫn mê: Theo chỉnh định của bác sĩ.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy diễn tiến trong quá trình gây mê và tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ gây mê có các chỉ định và thay đổi liều dùng khác nhau.

7. Tác dụng phụ của thuốc Seaoflura

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc gây mê Seaoflura:

Tác dụng phụ ở giai đoạn khởi mê

  • Tăng nhịp tim ở trẻ em và giảm nhịp tim ở người lớn (tỷ lệ tăng nhịp tim ở người lớn thấp hơn).
  • Hạ huyết áp.
  • Kích động, vật vã.
  • Co thắt thanh quản, tắc nghẽn đường hô hấp, ho, ngạt thở, có thể ngưng thở tạm thời.
  • Tăng tiết nước bọt nhiều ở trẻ em.

Tác dụng phụ ở giai đoạn duy trì mê và thoát mê

  • Sốt hoặc hạ thân nhiệt, rét run, đau đầu, động đậy trong quá trình mê.
  • Hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, tăng hoặc giảm nhịp tim.
  • Lơ mơ, kích động, vật vã, hoa mắt, chóng mặt, tăng tiết nước bọt.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Co thắt thanh quản, ho nhiều, ngưng thở tạm thời.
  • Suy nhược cơ thể, đau toàn thân.
  • Rối loạn chức năng hệ tim mạch, thay đổi các sóng trên điện tâm đồ.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng, tăng men gan, tăng LDH, BUN, bilirubin huyết, glucose niệu, nhiễm acid, tăng glucose máu,...
  • Sốt cao ác tính (hiếm gặp).

Tóm lại, Seaoflura là thuốc sử dụng trong quá trình gây mê trước phẫu thuật. Thuốc phải được chỉ định và sử dụng bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sử y tế có đầy đủ trang thiết bị và phương tiện hồi sức cấp cứu chuyên dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

439 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan