Công dụng thuốc Urocit-K

Thuốc Urocit K được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là kali citrate. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh sỏi thận và một số bệnh lý khác.

1. Urocit K là thuốc gì?

Thuốc Urocit K có thành phần chính là kali citrate. Thuốc được sử dụng để làm cho nước tiểu có ít acid hơn (kiềm hóa nước tiểu). Tác dụng này sẽ giúp thận đào thải acid uric, từ đó ngăn ngừa bệnh gútsỏi thận. Đồng thời, thuốc cũng có thể ngăn ngừa, điều trị một số vấn đề về chuyển hóa (như nhiễm toan) do bệnh thận gây ra.

Chỉ định sử dụng thuốc Urocit K:

  • Điều trị bệnh sỏi thận: 2 loại sỏi thận phổ biến là sỏi canxi oxalat và sỏi axit uric;
  • Điều trị một số vấn đề về chuyển hóa (nhiễm toan) gây ra bởi bệnh thận.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Urocit K cho trẻ em dưới 18 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Urocit K

Cách dùng: Thuốc Urocit K được dùng theo đường uống với chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc có thể dùng trong bữa ăn chính, trong bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ hoặc trong vòng 30 phút sau khi ăn.

Khi uống thuốc, bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thuốc với 1 ly nước đầy (khoảng 240ml). Không nghiền nát, nhai hoặc ngậm viên thuốc vì làm như vậy có thể giải phóng toàn bộ thuốc cùng lúc, làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Ngoài ra, bệnh nhân không nên chia nhỏ viên thuốc trừ khi được bác sĩ cho phép. Đồng thời, người bệnh không nên nằm xuống trong vòng tối thiểu 10 phút sau khi uống thuốc và không uống thuốc khi bụng đói.

Khi dùng thuốc Urocit K, bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân tuân theo 1 chế độ ăn ít muối (ít natri) và uống nhiều nước. Người bệnh nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách chặt chẽ. Bệnh nhân cũng không nên sử dụng chất thay thế muối có chứa kali.

Liều dùng: Được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với việc điều trị của bệnh nhân. Bệnh nhân nên dùng thuốc chính xác, không tăng liều hoặc tăng tần suất sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép. Để ghi nhớ, bạn nên uống thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày.

Trong khi sử dụng thuốc Urocit K, người bệnh có thể cần kiểm tra độ pH của nước tiểu. Độ pH giúp xác định liều dùng thuốc thích hợp.

Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Urocit-K quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nhịp tim chậm, đau tim, không thể di chuyển,... Nên gọi cấp cứu ngay khi bệnh nhân có các biểu hiện trên hoặc những triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, bất tỉnh.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Urocit K, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần tới thời điểm dùng liều kế tiếp thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo như kế hoạch đã lên từ trước.

3. Tác dụng phụ của thuốc Urocit K

Khi sử dụng thuốc Urocit K, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày và tiêu chảy. Để khắc phục, người bệnh nên uống thuốc sau bữa ăn. Nếu các tác dụng phụ này kéo dài hoặc trầm trọng hơn, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Vỏ thuốc rỗng có thể xuất hiện trong phân. Điều này hoàn toàn vô hại vì cơ thể người bệnh đã hấp thụ hoàn toàn dược chất trong thuốc;
  • Thuốc Urocit K có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở dạ dày - đường ruột như chảy máu, tắc nghẽn, thủng,... Người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Trướng bụng, táo bón, phân đen hoặc có máu, tim đập nhanh, chóng mặt, đau dạ dày, đau bụng dữ dội, khó nuốt, nôn mửa dữ dội, chất nôn giống bã cà phê;
  • Thuốc Urocit-K có thể làm tăng nồng độ kali trong máu. Người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Chuột rút, yếu cơ, nhịp tim chậm hoặc không đều, chóng mặt nghiêm trọng, thay đổi tâm trạng (nhầm lẫn, bồn chồn), da lạnh bất thường, ngứa ran bàn tay hoặc bàn chân;
  • Thuốc Urocit K hiếm khi gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ phản ứng dị ứng nào như phát ban, ngứa hoặc sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng,... thì bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ ngay.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Urocit K

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Urocit K:

  • Trước khi sử dụng thuốc Urocit K, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu mình bị dị ứng với thuốc hay bất kỳ dạng dị ứng nào khác;
  • Trước khi dùng thuốc này, người bệnh nên báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là các vấn đề về tuyến thượng thận (bệnh Addison), tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang, nồng độ canxi thấp, các vấn đề về tim (nhịp tim không đều, đau tim), tiêu chảy nặng, các vấn đề về thận, chế độ ăn hạn chế kali, nồng độ kali cao, mất nước, các vấn đề về dạ dày - ruột (táo bón, tắc nghẽn, loét);
  • Thuốc Urocit-K có thể gây kích ứng miệng hoặc cổ họng. Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu cảm thấy như viên thuốc bị kẹt trong cổ họng khi nuốt xuống;
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần được xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được kiểm tra chức năng tim bằng điện tâm đồ hoặc ECG (EKG);
  • Người bệnh nên hạn chế ăn muối, uống nhiều nước trong thời gian dùng thuốc. Bệnh nhân không nên sử dụng chất bổ sung kali hoặc chất thay thế muối khi chưa được bác sĩ cho phép;
  • Người bệnh nên tránh tập thể dục quá sức nếu cảm thấy không khỏe;
  • Trong khi mang thai, chỉ nên sử dụng thuốc Urocit K khi thực sự cần thiết. Bà mẹ mang thai nên xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc;
  • Hiện chưa rõ thuốc Urocit-K có đi vào sữa mẹ hay không. Bà mẹ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này.

5. Tương tác thuốc Urocit K

Một số loại thuốc có thể tương tác với Urocit-K gồm:

  • Thuốc kháng acid có chứa nhôm;
  • Aspirin và các salicylat khác (như salsalate);
  • Một số loại thuốc huyết áp (gồm thuốc ức chế men chuyển như lisinopril, thuốc chẹn angiotensin như losartan);
  • Drospirenone;
  • Thuốc làm chậm quá trình đưa thức ăn/thuốc qua thực quản hoặc dạ dày: Gồm thuốc kháng cholinergic (như belladonna, scopolamine, benztropine), thuốc chống co thắt (như glycopyrrolate, oxybutynin), thuốc giảm đau opioid mạnh (như morphine );
  • Eplerenone;
  • Một số loại thuốc tim (như quinidine, digoxin);
  • Lithium;
  • Chất bổ sung kali (gồm cả chất thay thế muối);
  • Pramlintide;
  • Một số loại thuốc nước (thuốc lợi tiểu giữ kali như amiloride, spironolactone, triamterene).

Bên cạnh đó, nếu bác sĩ chỉ định bệnh nhân sử dụng aspirin liều thấp để phòng ngừa đau tim hoặc đột quỵ (liều thông thường là 81 - 162mg/ngày) thì người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Urocit K, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ. Đây là yêu cầu tiên quyết để bệnh nhân đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế đáng kể nguy cơ phát sinh những biến chứng bất lợi đối với sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

229 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan