Công dụng thuốc Zilamac-50

Zilamac 50 là một loại thuốc có tác dụng đối với máu, thường được chỉ định điều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ và phòng ngừa nhồi máu não tái phát. Dưới đây là toàn bộ thông tin về công dụng của thuốc, cũng như cách dùng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng mà người bệnh cần nắm rõ.

1. Zilamac 50 là thuốc gì?

Zilamac 50 là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc tác dụng đối với máu, được sản xuất và chịu trách nhiệm bởi Macleods Pharm., Ltd của Ấn Độ.

Thuốc có thành phần chính là hoạt chất Cilostazol hàm lượng 50mg, thường được dùng điều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ và dự phòng nhồi máu não tái phát (ngoại trừ nghẽn mạch não do tim).

Thuốc được bào chế dạng viên nén, đóng gói hộp 5 vỉ x 10 viên, mỗi viên có chứa 50mg Cilostazol và các tá dược khác (Cellulose vi tinh thể, croscarmellose natri, silic dioxit keo khan, nước tinh khiết, magnesium stearat) vừa đủ 1 viên.

2. Thuốc Zilamac 50 có tác dụng gì?

2.1. Tác dụng thành phần thuốc

Cilostazol có thể làm tăng lưu lượng máu và lượng oxy cho cơ bắp, giúp cải thiện các triệu chứng tuần hoàn máu ở chân (đau cách hồi ở chân). Từ đó, giúp làm giảm đau cơ hoặc chuột rút xảy ra khi tập thể dục, đi bộ.

Cilostazol là một loại thuốc kháng tiểu cầu và giãn mạch máu bằng cách ngăn chặn các tế bào tiểu cầu dính lại với nhau, ngăn không cho chúng tạo thành cục máu đông. Thuốc cũng giúp máu di chuyển dễ dàng hơn và giúp cho máu chảy lưu thông đến khắp cơ thể.

2.2. Chỉ định thuốc Zilamac-50

Thuốc Zilamac-50 thường được dùng chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Ðiều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ như : loét, đau, lạnh ở các chi trong chứng nghẽn tắc động mạch mãn tính (bệnh Buerger, bệnh mạch máu ngoại biên do tiểu đường, xơ cứng động mạch tắc).
  • Dùng thuốc để phòng ngừa tái phát nhồi máu não (ngoại trừ nghẽn mạch não do tim).

2.3. Chống chỉ định thuốc Zilamac-50

Không sử dụng thuốc Zilamac 50mg cho một trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân quá mẫn với cilostazol hoặc các thành phần tá dược có trong công thức thuốc.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết (chứng tăng dễ vỡ mao mạch, bệnh ưa chảy máu, xuất huyết nội sọ, xuất huyết đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa, ho ra máu, xuất huyết dịch kính).
  • Suy tim sung huyết.
  • Suy gan nặng
  • Suy thận nặng.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ đang có thai.

3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Zilamac-50

Công dụng thuốc Zilamac-50 sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất khi được dùng đúng cách và đúng liều lượng do bác sĩ có chuyên môn kê đơn, chỉ định và hướng dẫn.

3.1. Cách dùng thuốc Zilamac-50

Thuốc được dùng bằng đường uống trực tiếp, nên uống thuốc trước khi ăn sáng hoặc tối khoảng 30 phút hoặc sau khi ăn 2 giờ để thuốc được hấp thụ tốt nhất và phát huy được hết công dụng.

Lưu ý nên nuốt nguyên viên thuốc với nước đã được đun sôi hoặc đã được tinh lọc, không nên nghiền nát hay bẻ nhỏ, phân tán viên thuốc vì có thể làm biến đổi thành phần thuốc. Bên cạnh đó không uống thuốc với bia, rượu, nước trà, cà phê, nước ngọt đóng chai, nước có gas... vì có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

3.2. Liều dùng thuốc

  • Người lớn dùng liều 100mg x 2 lần/ ngày.
  • Có thể xem xét liều dùng 50mg x 2 lần/ngày khi dùng đồng thời với chất gây ức chế CYP3A4 như: erythromycin, itraconazol, diltiazem, ketoconazol và khi dùng đồng thời với các chất ức chế CYP2C19 như: omeprazol.
  • Một số hiệu quả của thuốc có thể thấy sau 4-12 tuần điều trị và điều trị trong vòng 16 – 24 tuần có thể cải thiện đáng kể về khoảng đi bộ.

Lưu ý: Liều dùng thuốc có thể thay đổi dựa vào mức độ diễn tiến của bệnh và tình trạng của từng người bệnh. Vì thế, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định liều dùng phù hợp nhất.

4. Tác dụng phụ của thuốc

Khi sử dụng thuốc Zilamac 50mg có thể gây ra một số các tác dụng phụ ngoài ý muốn cho người bệnh như:

  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt.
  • Suy tim xung huyết, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhịp nhanh thất.
  • Có xu hướng chảy máu.
  • Giảm huyết cầu, tiểu cầu và chứng mất bạch cầu hạt.
  • Viêm phổi kẽ.
  • Chức năng gan rối loạn, vàng da.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Chú ý: Người bệnh có thể gặp phải một số các tác dụng phụ trên của thuốc, nhưng cũng có thể gặp phải những tác dụng phụ khác chưa được đề cập tới. Vì thế, nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi dùng thuốc thì hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách xử trí an toàn.

5. Tương tác thuốc

Thành phần Cilostazol có trong thuốc Zilamac 50mg có thể tương tác với một số thuốc khác, gây ảnh hưởng đến công dụng của các thuốc đang dùng hoặc làm gia tăng tác dụng phụ.

Vì vậy, để tránh tương tác thuốc, người bệnh nên báo cho bác sĩ điều trị về các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thực phẩm chức năng và các thảo dược. Để từ đó bác sĩ sẽ có sự chỉ định hoặc điều chỉnh liều lượng hay thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.

Một số tương tác thuốc của Cilostazol bao gồm:

  • Thận trọng khi dùng Cilostazol kết hợp với thuốc chống đông, thuốc làm tan huyết khối, thuốc hủy tiểu cầu.
  • Cần thận trọng khi dùng kết hợp với prostaglandin E1.
  • Thận trọng khi dùng Cilostazol đồng thời với chất ức chế enzyme chuyển hóa thuốc CYP3A4: Ritonavir, Macrolide, kháng nấm Azole, Diltiazem, Cimetidine..

6. Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Zilamac

Khi dùng thuốc Zilamac để đạt được hiệu quả tốt nhất và an toàn, hạn chế tác dụng phụ thì người bệnh cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:

  • Nên dùng thuốc theo đúng cách, chỉ định, hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ. Không nên tự ý thay đổi hay điều chỉnh liều lượng hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định.
  • Thận trọng khi dùng thuốc bệnh nhân đang có kinh nguyệt
  • Chú ý đề phòng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có xu hướng chảy máu, bị hẹp động mạch vành, giảm tiểu cầu, tiểu đường hoặc có bất thường về dung nạp glucose.
  • Thận trọng hoặc tốt nhất không nên dùng thuốc ở bệnh nhân suy gan nặng, suy thận nặng, tăng huyết áp nặng.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị nhồi máu não cho đến khi tình trạng bệnh đã ổn định.
  • Không dùng thuốc cho phụ nữ đang có thai vì thuốc có thể gây độc tính trên thai nhi.
  • Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ, vì thế đối với phụ nữ cho con bú nếu được chỉ định dùng thuốc thì nên ngưng cho con bú khi dùng thuốc.
  • Thuốc có thể gây chóng mặt, nhức đầu nên cần thận trọng ở đối tượng lái xe hoặc đang vận hành máy móc. Nếu dùng thuốc thì không nên lái xe hoặc vận hành các loại máy móc, thiết bị.

7. Quên liều, quá liều và cách xử trí

Quên liều: Nếu người bệnh quên uống 1 liều thuốc thì có thể uống ngay khi nhớ ra, tuy nhiên bỏ qua liều quên nếu gần với thời gian dùng liều kế tiếp. Không nên uống gộp 2 liều để tránh làm các tác dụng phụ của thuốc nặng thêm.

Quá liều: Có quá ít thông tin về tình trạng quá liều cấp tính khi dùng thuốc trên người. Dấu hiệu có thể được dự đoán là tiêu chảy, đau đầu, nhịp tim nhanh và có thể loạn nhịp tim.

Cách xử trí quá liều: Cần theo dõi bệnh nhân và nếu có những triệu chứng bất thường nghi ngờ quá liều thì tiến hành điều trị hỗ trợ, có thể rửa dạ dày nếu thấy thích hợp. Trong trường hợp khẩn cấp thì hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

8. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, nhiệt độ không quá 30 độ C; tránh ẩm, tránh ánh sáng mặt trời và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ cùng các vật nuôi trong nhà.
  • Đối với thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không còn sử dụng nữa thì không nên vứt vào toilet hay xả dưới vòi nước sinh hoạt. Hãy thu gom và xử lý rác thải y tế đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ, dược sĩ hay công ty xử lý rác thải.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Zilamac, bao gồm công dụng, cách dùng, liều lượng dùng thuốc và những lưu ý, thận trọng khi sử dụng. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Vì thế, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám và chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

679 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan