Dùng thuốc hạ sốt quá liều phải làm sao?

Thuốc giảm đau hạ sốt là thuốc điều trị không cần kê đơn, được sử dụng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc quá liều dẫn đến ngộ độc thuốc gây suy gan cấp tính, thậm chí là tử vong. Chúng ta cùng tìm hiểu về cách sử dụng thuốc hạ sốt an toàn và xử trí khi quá liều thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Dùng thuốc hạ sốt quá liều là gì?

Thuốc hạ sốt, giảm đau là thuốc không kê đơn, được sử dụng phổ biến để điều trị các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ xương khớp, đau răng,... ở cả người lớn và trẻ em.

Hiện nay, Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen hoặc N-acetyl-p-aminophenol) là thuốc hạ sốt được sử dụng thông dụng nhất. Thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau mức độ trung bình. Hoạt chất này được sản xuất ở rất nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau và các dạng bào chế khác nhau như viên sủi, viên nén, viên đạn đặt hậu môn, gói bột pha dung dịch...

Theo Tạp chí Gan mật thế giới, ngộ độc gan do thuốc là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương gan cấp và ngộ độc Paracetamol là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc gan do thuốc.

Ngộ độc Paracetamol thường do các nguyên nhân sau:

  • Do chủ động dùng quá liều thuốc (tự tử): trường hợp này thường được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Do lạm dụng thuốc, sử dụng sai hướng dẫn dẫn đến quá liều khi tự ý dùng thuốc tại nhà. Trường hợp này rất hay gặp ở những người sốt cao kéo dài, đau mạn tính... Các triệu chứng ngộ độc paracetamol giai đoạn đầu thường rất kín đáo, thậm chí trong vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi chức năng gan thì không thể biết được, khi được chẩn đoán thì đã muộn, gây suy gan cấp, hôn mê gan và thậm chí tử vong.

Ngộ độc paracetamol có thể do dùng một liều lượng cao hoặc dùng kéo dài trong điều trị mạn tính.

  • Liều gây độc ở người lớn là khi uống > 7.5g/lần. Trẻ em uống liều cao từ 120 - 150mg/kg có thể gây ngộ độc gan.
  • Ở những bệnh nhân dùng thuốc kéo dài với liều > 4g/ngày có thể gây ngộ độc trên lâm sàng.
  • Một số đối tượng có nguy cơ cao bị ngộ độc gan cấp dù chỉ sử dụng liều thấp paracetamol như người lớn tuổi, suy dinh dưỡng, ăn uống kém, nghiện rượu, mắc bệnh lý gan, thận và phụ nữ mang thai.

2. Triệu chứng của ngộ độc paracetamol

Triệu chứng lâm sàng của ngộ độc gan cấp do paracetamol phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng thuốc .

  • Giai đoạn khởi đầu (24 giờ đầu sau khi uống): có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu như chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi...
  • Giai đoạn tổn thương gan (24 - 48 giờ sau khi uống): đau, căng tức vùng hạ sườn phải, chán ăn. Xét nghiệm máu có thể thấy tăng các chỉ số men gan như AST, ALT, bilirubin, thời gian đông máu kéo dài.
  • Giai đoạn suy gan (3 - 5 ngày sau uống thuốc): Các triệu chứng diễn biến nặng hơn, buồn nôn, nôn, kèm theo mệt mỏi, vàng da, các triệu chứng của thần kinh trung ương như ngủ gà, lú lẫn, hôn mê. Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, hội chứng não - gan.
  • Giai đoạn hồi phục: Nếu người bệnh được điều trị kịp thời thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn. Trường hợp ngộ độc nặng không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 4 - 18 ngày.

3. Dùng thuốc hạ sốt quá liều phải làm sao?

Khi sử dụng quá liều thuốc hạ sốt paracetamol, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh, có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị như loại bỏ chất độc (rửa dạ dày, dùng than hoạt tính), sử dụng thuốc giải độc gan N-acetylcystein dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch hoặc tiến hành ghép gan.

4. Cách sử dụng thuốc hạ sốt an toàn

Việc dùng thuốc hạ sốt đúng cách để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra là rất quan trọng. Khi sử dụng thuốc này tại nhà người bệnh cần lưu ý:

Thời điểm dùng thuốc: Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cao từ 38,5 độ C trở lên. Nếu nhiệt độ < 38,5°C, chỉ nên nới rộng quần áo, tích cực chườm ấm, lau trán, nách, bẹn để hạ nhiệt độ.

Liều dùng thuốc:

  • Liều khuyến cáo paracetamol ở người lớn từ 500 - 1000mg mỗi 4-6 giờ/lần, tổng liều không quá 4g/ngày.
  • Ở trẻ em, liều khuyến cáo từ 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ/lần, tổng liều không quá 50 - 70mg/kg/ngày.

Kết hợp đúng cách: Để hạ sốt nhanh, ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt, nên tích cực chườm ấm, bổ sung thêm nước và điện giải theo chỉ dẫn, tăng cường dinh dưỡng. Không nên sử dụng bia trong thời gian dùng thuốc Paracetamol do làm tăng nguy cơ tổn thương gan.

Trên đây là những thông tin về việc dùng thuốc hạ sốt quá liều và một số hướng dẫn dùng thuốc an toàn mà mỗi người bệnh cần nắm rõ. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ để được hỗ trợ và giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan