Làm gì khi bị đau đầu uống thuốc không đỡ?

Đau đầu là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Đôi khi nhiều người phải “cầu viện” tới thuốc giảm đau đầu nhưng vẫn không hiệu quả. Vậy khi đau đầu uống thuốc không đỡ thì cần làm gì để giảm nhẹ triệu chứng khó chịu này?

1. Các loại thuốc điều trị theo từng thể bệnh đau đầu

Điểm mấu chốt khi điều trị đau đầu là tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Nếu cơn đau là do 1 bệnh lý nào đó thì cần tập trung giải quyết bệnh lý đó. Khi bệnh tình thuyên giảm, cơn đau sẽ biến mất. Còn với các trường hợp đau đầu nguyên phát (đau đầu căng cơ, đau nửa đầu, đau đầu từng cụm) thì cơn đau có thể giảm dần hoặc biến mất nếu dùng thuốc điều trị phù hợp.

Cụ thể:

1.1 Thuốc điều trị đau căng đầu

Đau căng đầu là chứng đau đầu phổ biến nhất ở người trưởng thành. Bệnh nhân bị đau nhức đầu mức độ từ nhẹ tới trung bình, cơn đau âm ỉ, chèn ép ở 2 bên đầu, thường xảy ra trong thời gian ngắn.

Để điều trị tình trạng đau căng đầu, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin. Để ngăn chặn cơn đau căng đầu tái phát, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptyline.

1.2 Thuốc điều trị đau đầu migraine (đau nửa đầu)

Triệu chứng đau nửa đầu phổ biến hơn ở phụ nữ, thường đau dồn dập mức độ từ trung bình đến nặng, chỉ xuất hiện ở 1 bên đầu. Bệnh nhân thường nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, có cảm giác buồn nôn, ói mửa. Cơn đau thường kéo dài từ vài giờ tới vài ngày, có thể lặp đi lặp lại.

Cơn đau nửa đầu có thể dùng các thuốc như:

  • Thuốc giảm đau chung: Kiểm soát cơn đau nửa đầu ở mức độ nhẹ, giai đoạn sớm. Nên dùng paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, naproxen, aspirin,...;
  • Thuốc đặc hiệu: Ergotamine tartrate, dihydroergotamine với tác dụng co mạch, chống mất trương lực động mạch. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc nhóm triptan để điều hòa tính co giãn của mạch máu não, giúp làm giảm cơn đau đầu;
  • Thuốc dự phòng: Là các thuốc kê đơn như thuốc chẹn beta (propranolol, nadolol, atenolol), thuốc chống trầm cảm (amitriptylin) và thuốc chống co giật (topiramate, valproate).

1.3 Thuốc điều trị đau đầu từng cụm

Đây là loại đau đầu rất nghiêm trọng, thường xuất hiện ở nam giới, đặc biệt là đàn ông tuổi trung niên có tiền sử hút thuốc lá. Bệnh nhân xuất hiện cơn đau dữ dội ở 1 bên đầu, phía trong, sau hoặc quanh 1 mắt, thường kéo dài 15 phút - 3 giờ. Bệnh nhân có thể có triệu chứng sưng mắt, sụp mí, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi,... ở bên đầu bị ảnh hưởng.

Hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng đau đầu từng cụm. Mục tiêu điều trị là làm giảm mức độ trầm trọng của cơn đau, rút ngắn thời gian đau và ngăn chặn những đợt đau tiếp theo. Cụ thể:

  • Điều trị tấn công cấp tính bằng các loại thuốc: Triptans (sumatriptan, zolmitriptan), lidocaine (thuốc giảm đau dạng xịt mũi), dihydroergotamine;
  • Liệu pháp hít thở khí oxy lưu lượng cao để ngăn cơn đau;
  • Rút ngắn thời gian đau và giảm mức độ đau bằng các thuốc corticosteroid như prednison dùng trong một thời gian ngắn; verapamil, lithium,... Nên giảm liều thuốc từ từ khi cụm đau đầu kết thúc.

2. Nên làm giảm khi bị đau đầu uống thuốc không đỡ

Việc thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau đầu hoặc lạm dụng nhiều hơn so với liều khuyến cáo có thể làm thay đổi các thụ thể nhận cảm giác đau trong não. Điều đó khiến cơ thể dần quen với thuốc, tình trạng đau sẽ ngày càng tồi tệ hơn, lặp lại thường xuyên hơn. Lúc này, bệnh nhân có thể bị đau đầu mà uống thuốc không khỏi.

Nếu gặp tình trạng đau đầu uống thuốc giảm đau không đỡ, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp điều trị thay thế dưới đây để làm giảm tình trạng nhức đầu:

  • Liệu pháp hành vi - nhận thức: Là phương pháp điều trị tâm lý, giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các tình huống căng thẳng mà họ gặp phải trong cuộc sống. Người bệnh có thể tập hít thở sâu, nghe nhạc, thư giãn cơ bắp,... để giảm stress;
  • Phản hồi sinh học: Là kỹ thuật giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn các chức năng sinh lý học của mình. Từ đó, bệnh nhân có thể đạt hiệu quả giảm đau không xâm lấn hoặc dùng tới thuốc hỗ trợ;
  • Liệu pháp châm cứu: Việc đưa kim châm vào các huyệt đạo trên cơ thể sẽ giúp kích thích hệ thống miễn dịch và tuần hoàn. Đây là cơ sở để làm giảm triệu chứng đau đầu mạn tính nói chung, khắc phục được tình trạng nhức đầu uống thuốc không hết;
  • Thiền định: Là phương pháp tập luyện giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và kiểm soát cơn đau đầu;
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Nếu cơn đau đầu là do bệnh xoang và ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân có thể chườm lạnh. Hơi lạnh từ túi chườm đá khi đặt trên trán trong vài phút giúp co thắt mạch máu, làm giảm lưu lượng máu, giảm áp lực và xoa dịu cơn đau. Với những cơn đau đầu do căng thẳng kéo dài, người bệnh nên đặt 1 túi chườm nóng vào sau gáy hoặc trên trán;
  • Xông lá: Khi bị đau đầu uống thuốc không đỡ, bạn có thể áp dụng mẹo dân gian là xông lá. Tinh dầu trong nhiều loại lá có tác dụng làm giảm cơn đau đầu nhanh chóng. Để thực hiện, bạn sử dụng vài loại lá cây như lá bưởi, lá sả, lá hương nhu, lá chanh,... đem rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước ngập lá rồi đun sôi khoảng 15 phút. Sau đó, bắc nồi xuống bếp, trùm kím người trong chăn, từ từ mở hé vung để xông thuốc cho tới khi nồi bay hết hơi nóng;
  • Tắm nước nóng hoặc ngâm chân nước nóng: Nếu bị đau đầu do thời tiết hoặc triệu chứng của bệnh xoang, bệnh nhân có thể tắm trong nước ấm dưới vòi sen hoặc ngâm người trong bồn nước ấm. Biện pháp này giúp thư giãn tinh thần và xua tan cơn nhức đầu. Nếu bị đau đầu do căng thẳng hoặc tăng huyết áp, người bệnh hãy lấy 1 chậu đổ đầy nước ấm rồi cho tay chân vào chậu ngâm khoảng 10 phút. Nước ấm giúp máu lưu thông nhanh, hỗ trợ tuần hoàn máu để giảm đau đầu và hạ huyết áp;
  • Các biện pháp khác: Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử vì ánh sáng từ các thiết bị và việc tập trung tinh thần cao độ làm đầu óc thêm căng thẳng; uống trà gừng để giảm đau đầu; xoa bóp, bấm huyệt để giải tỏa cảm giác khó chịu, bực bội do cơn đau đầu gây ra,...

3. Biện pháp phòng ngừa cơn đau đầu hiệu quả

Đừng để tới khi bị đau đầu uống thuốc không đỡ mới tìm các biện pháp can thiệp. Tốt nhất người bệnh nên áp dụng các cách hạn chế nguy cơ bị đau đầu để phòng bệnh từ gốc. Đó là:

  • Tránh đến những nơi có tiếng ồn, ánh sáng chói hay các yếu tố kích thích giác quan bởi đây là những tác nhân dễ gây đau đầu. Nếu bắt buộc phải đến những nơi này, bạn nên đeo kính râm, sử dụng màn hình chống chói với máy tính, lắp bóng đèn huỳnh quang phù hợp, nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, có ánh sáng dịu nhẹ;
  • Kiểm soát trạng thái căng thẳng tinh thần. Nên nghỉ ngơi, thư giãn trước và sau thời gian dài làm việc mệt mỏi. Với những người làm việc nhiều với máy tính, nên nghỉ ngơi khoảng 15 - 20 phút sau 2 - 3 giờ làm việc;
  • Tập thể dục hằng ngày để giải tỏa áp lực, tăng cường sức khỏe. Những bài tập hữu ích là bơi lội, đi bộ, tập yoga,...;
  • Ngủ đủ giấc và đúng giờ: Việc ngủ 7 - 8 tiếng/ngày giúp cải thiện tinh thần, giảm tình trạng nhức đầu, stress và mệt mỏi;
  • Uống đủ nước, thường là khoảng 2 lít nước/ngày. Không nên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,... vì chúng làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu;
  • Không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa nhận được chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân vì việc lạm dụng, dùng quá liều thuốc giảm đau có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, làm mất tác dụng của thuốc và khó khống chế cơn đau đầu.

Khi bệnh nhân có các cơn đau đầu bất thường hoặc đau đầu uống thuốc không đỡ thì nên đi khám để tìm nguyên nhân. Bởi có một số trường hợp như cơn tăng huyết áp ác tính, viêm động mạch thái dương, tăng nhãn áp,... có thể gây đau đầu và dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp và chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan