Lenvima: thành phần, công dụng và lưu ý khi sử dụng

Bài viết của Dược sĩ, Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung - Dược sĩ Pha chế thuốc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc Lenvima (Lenvatinib) thuộc nhóm thuốc chống ung thư, có đặc tính chống tạo mạch nuôi dưỡng tế bào ung thư và ức chế trực tiếp tăng trưởng của khối u. Sản phẩm thuốc này đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2015 với hai hàm lượng 4mg và 10mg. Hiện nay, thuốc đã có tại Vinmec Times City với hàm lượng thuốc lenvima 4mg.

1. Chỉ định của sử dụng thuốc Lenvima trong trường hợp nào?

Thuốc Lenvima được Cục quản lý dược Việt Nam phê duyệt chỉ định điều trị ung thư:

  • Ung thư biểu mô tuyến giáp: Đơn trị liệu cho bệnh nhân người lớn bị ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa (DCT) (tế bào nhú/tế bào nang tuyến/tế bào Hürthle) tiến triển tại chỗ hoặc di căn, kháng trị với iod phóng xạ (RAI).
  • Ung thư biểu mô tế bào gan: Đơn trị liệu cho bệnh nhân người lớn bị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tiến triển hoặc không thể phẫu thuật cắt bỏ, trước đó chưa nhận được liệu pháp điều trị toàn thân.

2. Cách sử dụng thuốc Lenvima?

Việc điều trị bằng thuốc Lenvima nên được bắt đầu và giám sát bởi bác sĩ chuyên ngành Ung bướu. Với từng chỉ định có liều lượng sử dụng thuốc như sau:

2.1. Ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa (DCT)

Liều khuyến cáo: 24mg một lần một ngày.

2.2. Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)

Liều khuyến cáo: 8mg một lần một ngày với bệnh nhân có cân nặng <60kg và 12mg một lần một ngày với bệnh nhân có cân nặng ≥ 60kg. Điều chỉnh liều hàng ngày dựa trên độc tính quan sát được và không dựa trên cân nặng thay đổi trong quá trình điều trị. Liều dùng có thể điều chỉnh giảm nếu bệnh nhân gặp tác dụng phụ.

Thuốc Lenvima nên được uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cùng hoặc không cùng với thức ăn. Người bệnh cần nuốt cả viên với nước. Nếu cần hòa tan viên nang thì bạn hãy ngâm viên nang nguyên vẹn trong một ly nhỏ chứa một thìa nước lọc hoặc nước ép táo trong ít nhất 10 phút sau đó khuấy ít nhất 3 phút để hòa tan vỏ nang.

Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý không nên mở viên nang để tránh tiếp xúc nhiều lần với thành phần thuốc ở trong viên. Sau khi uống hỗn dịch này, người bệnh cần tráng ly với nước lọc hoăc nước ép táo và uống hết phần chất lỏng này.

3. Các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Lenvima

Các phản ứng bất lợi thường gặp nhất khi sử dụng thuốc bao gồm tăng huyết áp, protein niệu, độc tính gan, suy thận, buồn nôn, nôn tiêu chảy, táo bón, đau bụng, giảm ngon miệng, giảm cân, mệt mỏi, giảm số lượng tiểu cầu dẫn đến dễ chảy máu cam, chảy máu lợi, dễ bị bầm tím...), giảm số lượng bạch cầu, rụng tóc, đau cơ khớp, khàn giọng, khô miệng, loét miệng...

Người bệnh cần thông báo cho bác sỹ nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc.

thuốc lenvima
Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Lenvima gồm buồn nôn

4. Các lưu ý khi dùng thuốc Lenvima

  • Nếu bệnh nhân quên một liều và không thể dùng liều đó trong vòng 12 giờ thì nên bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo vào giờ uống thường ngày.
  • Ngoài ra, người bệnh cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ hoặc Dược sỹ khi sử dụng Lenvima với bất kỳ loại thuốc nào khác.

Thuốc Lenvima (Lenvatinib) thuộc nhóm thuốc chống ung thư, có đặc tính chống tạo mạch nuôi dưỡng tế bào ung thư và ức chế trực tiếp tăng trưởng của khối u.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm được nhiều thông tin sức khỏe, kiến thức dinh dưỡng, làm đẹp để chăm sóc cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan