Prazopro là thuốc gì?

Thuốc Prazopro được bào chế dưới dạng viên nang, được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý ở dạ dày, thực quản và tá tràng. Vậy Prazopro là thuốc gì?

1. Công dụng của thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro có thành phần là Esomeprazol (Dạng hạt Esomeprazol magnesi được bao tan trong ruột). Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, có các dạng hàm lượng gồm Prazopro 20mg, Prazopro 40mg.

Esomeprazol là dạng đồng phân S của omeprazol. Đây là chất ức chế chuyên biệt bơm proton (H+K+) ATPase của tế bào thành dạ dày, có khả năng ngăn cản và làm giảm sự tiết acid dịch vị.

Thuốc Prazopro được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính;
  • Phòng ngừa và điều trị loét dạ dày - tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
  • Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison;
  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Viêm thực quản trợt xước, loét hoặc thắt hẹp (xác định bằng nội soi).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Prazopro cho người mẫn cảm với một trong số các thành phần có trong thuốc và trẻ em dưới 18 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, uống trước bữa ăn khoảng 1 giờ.

Liều dùng tham khảo của thuốc Prazopro:

  • Loét dạ dày - tá tràng do nhiễm Helicobacter Pylori: Dùng liều Esomeprazol 40mg 1 lần/ngày kết hợp với Clarithromycin 500mg + Amoxicillin 1g x 2 lần/ngày. Phác đồ uống trong 10 ngày;
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Tùy theo bệnh nhân và mức độ tăng tiết acid dạ dày, liều dùng sẽ cao hơn so với các trường hợp khác, có thể uống 1 lần hoặc chia làm nhiều lần. Trường hợp không cắt bỏ khối u thì cần phải uống thuốc lâu dài;
  • Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản có viêm thực quản: Dùng liều Prazopro 40mg x 1 lần/ngày trong 4 - 8 tuần. Có thể tăng thêm 4 - 8 tuần nếu vẫn còn triệu chứng hoặc còn viêm qua kiểm tra nội soi.

Quá liều: Chưa có báo cáo về việc sử dụng thuốc Prazopro quá liều. Khi uống quá liều, chỉ điều trị triệu chứng vì hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Quên liều: Dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bạn bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đúng như dự định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Prazopro

Khi sử dụng thuốc Prazopro, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn:

  • Thường gặp: Đau bụng, nhức đầu, táo bón, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đầy bụng;
  • Hiếm gặp: Giảm bạch cầu tiểu cầu, kích động, lú lẫn, sốt phù mạch, trầm cảm, rối loạn vị giác.

Khi gặp các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc Prazopro, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Prazopro

Trước và trong khi sử dụng thuốc Prazopro, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Esomeprazol (thành phần của thuốc Prazopro) có thể che giấu triệu chứng, làm chậm quá trình chẩn đoán ở bệnh nhân bị tổn thương ác tính ở dạ dày;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Prazopro cho người bị bệnh gan, người đang mang thai hoặc cho con bú (tham khảo ý kiến bác sĩ);
  • Thận trọng khi sử dụng Esomeprazol kéo dài vì thành phần này có thể gây viêm teo dạ dày;
  • Đối với bệnh trào ngược, nên kết hợp việc sử dụng thuốc Prazopro với chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.

5. Tương tác thuốc Prazopro

Một số tương tác thuốc của Prazopro gồm:

  • Tình trạng giảm mức độ acid dạ dày khi điều trị bằng Esomeprazol có thể làm tăng/giảm sự hấp thu các thuốc khác (nếu cơ chế hấp thu các thuốc này bị ảnh hưởng do độ acid dạ dày). Cụ thể, sự hấp thu của itraconazole và ketoconazole có thể bị giảm khi người bệnh điều trị với Esomeprazol;
  • Esomeprazol ức chế CYP2C19, loại men chính chuyển hóa Esomeprazol. Do đó, khi sử dụng Esomeprazol cùng với các thuốc chuyển hóa bằng CYP2C19 như citalopram hay diazepam, nồng độ các thuốc này trong huyết tương có thể tăng lên và cần phải giảm liều;
  • Sử dụng đồng thời Esomeprazol với amoxicillin và clarithromycin làm tăng nồng độ Esomeprazol và 14 hydroxy clarithromycin trong máu.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc Prazopro, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng, các bệnh mình đang mắc phải. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan