Tác dụng của thuốc Alorax

Thuốc Alorax có thành phần chính là Loratadin, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Pymepharco. Alorax được sử dụng như một loại thuốc chống dị ứng, chỉ định điều trị trong một số bệnh như viêm mũi hoặc viêm da dị ứng,...

1. Tác dụng của thuốc Alorax 10mg

Alorax được chỉ định trong một số trường hợp sau:

Dược lực học:

  • Loratadin là một loại thuốc kháng Histamin 3 vòng, nó có tác dụng kéo dài đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại biên;
  • Chống ngứa và nổi mày đay liên quan đến histamin, tác dụng nhanh, nhưng đặc biệt không có tác dụng an thần. Đây là thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay dị ứng;
  • Tác dụng làm nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin.

Có thể kết hợp Loratadin cùng với Pseudoephedrin hydroclorid nhằm mục đích làm nhẹ hơn các triệu chứng ngạt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng có kèm ngạt mũi.

Dược động học:

  • Loratadin được hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh trong huyết tương trung bình của Loratadin và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó (Descarboethoxyloratadin) tương ứng là 1,5 và 3,7 giờ. Có đến 97% Loratadin liên kết với protein huyết tương;
  • Độ thanh thải của thuốc Loratadin là 57 - 142 ml/phút/kg. Thể tích phân bố của thuốc Loratadin là 80 - 120 lít/kg;
  • Khoảng 80% tổng liều của Loratadin bài tiết ra nước tiểu và phân ngang nhau, dưới dạng chất chuyển hóa trong vòng 10 ngày;
  • Nhờ hệ enzym microsom cytochrom P450, Loratadin sẽ chuyển hóa nhiều khi qua gan. Loratadin chủ yếu sẽ được chuyển hóa thành Descarboethoxyloratadin. Đây là một chất chuyển hóa có tác dụng dược lý;
  • Tác dụng kháng histamin của thuốc xuất hiện trong vòng 1-4 giờ sau khi uống Loratadin. Đạt tối đa sau 8 - 12 giờ và kéo dài hơn 24 giờ. Vào khoảng ngày thứ 5 dùng thuốc, nồng độ của Loratadin và Descarboethoxyloratadin sẽ đạt trạng thái ổn định ở phần lớn người bệnh.

Tác dụng phụ của thuốc Alorax 10mg:

Thuốc Alorax 10mg có thành phần là Loratadin không gây buồn ngủ ở liều hằng ngày 10mg. Một số tác dụng phụ hiếm gặp như buồn nôn, viêm dạ dày, mệt mỏi, nhức đầu, khô miệng, rối loạn tiêu hóa và các triệu chứng dị ứng như phát ban. Khi gặp các biểu hiện này sau khi dùng thuốc, bạn nên thông báo cho bác sĩ/dược sĩ để kịp thời xử lý.

2. Liều dùng của thuốc Alorax 10mg

Cách dùng thuốc Alorax 10mg:

  • Alorax 10mg Pymepharco dạng viên nén dài dùng theo đường uống.

Liều dùng thuốc Alorax 10mg:

  • Đối với người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: 1 viên x 1 lần/ngày;
  • Đối với trẻ em 2 - 5 tuổi: 2 viên x 1 lần/ngày;
  • Đối với bệnh nhân bị suy gan: 2 viên x 1 lần/ngày, hay 1 viên cách 2 ngày 1 lần.

Trường hợp quá liều:

  • Người lớn, khi uống quá liều viên nén Loratadin (40 - 180 mg), có một số biểu hiện như: Buồn ngủ, nhịp tim nhanh, nhức đầu;
  • Trẻ em: Có thể gặp biểu hiện ngoại tháp và đánh trống ngực sau khi uống siro quá liều (vượt 10 mg).

Vậy khi quá liều sẽ xử lý như thế nào?

Alorax thường là thuốc để điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Trường hợp quá liều Alorax cấp, xử lý bằng biện pháp gây nôn bằng siro ipeca để tháo sạch dạ dày ngay. Dùng than hoạt sau khi gây nôn có thể giúp ích để ngăn ngừa hấp thu loratadin.

Nếu biện pháp gây nên không có kết quả hoặc chống chỉ định (ví dụ người bệnh bị ngất, co giật hoặc thiếu phản xạ nôn) thì có thể tiến hành rửa dạ dày với dung dịch NaCl 0,9%. Và kết hợp đặt ống nội khí quản để phòng ngừa hít phải dịch dạ dày.

Trường hợp quên liều:

  • Nếu bạn quên một liều thuốc, cách xử lý tốt nhất là hãy dùng càng sớm càng tốt.
  • Trong trường hợp liều bỏ quên gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Tuyệt đối không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

3. Lưu ý của thuốc Alorax 10mg

Để sử dụng thuốc an toàn, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và tham khảo một số thông tin bên dưới.

Alorax 10mg chống chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc;
  • Những trẻ em dưới 2 tuổi.

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú:

  • Trong thời kỳ mang thai: Chưa có bất kỳ nghiên cứu đầy đủ và kiểm tra tốt về sử dụng Loratadin trong thai kỳ. Chính vì vậy, bạn chỉ dùng Loratadin trong thai kỳ khi thực sự cần thiết, với liều thấp và trong thời gian ngắn.
  • Trong thời kỳ cho con bú: Loratadin và chất chuyển hóa Descarboethoxyloratadin tiết vào sữa mẹ. Nếu cần sử dụng Loratadin ở người cho con bú, chỉ nên dùng Loratadin với liều thấp và trong thời gian ngắn.

Thận trọng khi điều trị Alorax cho những bệnh nhân bị suy gan.

Khả năng tập trung:

  • Trên các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, không có sự suy giảm khả năng lái xe ở những bệnh nhân được nhận Loratadin. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn rất cần được thông báo rằng rất hiếm khi có một số trường hợp bị buồn ngủ và có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung trong một số hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc.

Tương tác thuốc:

  • Khi dùng đồng thời Loratadin với Ketoconazol, Erythromycin hoặc Cimetidin sẽ làm tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương. Nhưng không có sự thay đổi đáng kể về lâm sàng và sinh hóa (kể cả điện tâm đồ).

Tóm lại Alorax là thuốc chống dị ứng, được dùng trong một số trường hợp như viêm mũi dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm kết mạc, mề đay mãn tính,... Tuy nhiên để sử dụng thuốc một cách hiệu quả nhất và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan