Tác dụng của thuốc Tresiba

Đái tháo đường là căn bệnh cực kỳ phổ biến. Một số bệnh nhân đái tháo đường cần điều trị bằng thuốc tiêm tại nhà, trong đó có sản phẩm bút tiêm Tresiba. Vậy thuốc Tresiba có tác dụng gì?

1. Thuốc Tresiba có tác dụng gì?

Thuốc Tresiba sản xuất dưới dạng bút tiêm là sản phẩm của Novo Nordisk Pharma với thành phần hoạt chất chính là Insulin Degludec. Tác dụng thuốc Tresiba là điều trị đái tháo đường ở người trưởng thành, thanh thiếu niên và trẻ em trên 1 tuổi.

Insulin degludec trong bút tiêm Tresiba liên kết đặc hiệu với thụ thể Insulin người, và do đó có tác dụng dược lý tương tự Insulin người. Hiệu quả hạ glucose huyết của Tresiba có được thông qua việc kích thích tăng hấp thu glucose khi các thụ thể được gắn kết với insulin trên tế bào cơ và mỡ, đồng thời Tresiba còn ức chế quá trình tái sản xuất glucose ở gan.

2. Cách sử dụng thuốc Tresiba

Bút tiêm Tresiba chỉ dùng theo đường tiêm dưới da., tuyệt đối không được tiêm tĩnh mạch vì có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng và không tiêm bắp vì có thể làm thay đổi hấp thu thuốc.

Vị trí tiêm thuốc Tresiba thường là vùng đùi, phần trên cánh tay hoặc thành bụng. Các vị trí tiêm thuốc Tresiba nên thay đổi trong cùng một vùng tiêm để giảm nguy cơ loạn dưỡng mỡ.

Bút tiêm Tresiba có 2 dạng hàm lượng là 100 đơn vị/ml (cung cấp 1-80 đơn vị mỗi lần tiêm, tương ứng mỗi nấc 1 đơn vị) và 200 đơn vị/ml (cung cấp 2-160 đơn vị mỗi lần tiêm, tương ứng mỗi nấc 2 đơn vị).

Tresiba bản chất là một insulin tác dụng kéo dài (insulin nền) nên chỉ tiêm dưới da 1 lần vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên tốt nhất là cùng một thời điểm mỗi ngày. Hiệu lực của các Insulin analog, bao gồm cả Insulin degludec trong bút tiêm Tresiba, được tính bằng đơn vị (U). Theo đó, 1 đơn vị Insulin degludec tương đương với 1 đơn vị quốc tế (IU) insulin người, 1 đơn vị Insulin glargine hoặc 1 đơn vị Insulin detemir.

Ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, thuốc Tresiba có thể sử dụng dạng đơn trị liệu hoặc phối hợp các thuốc uống điều trị đái tháo đường, đồng vận thụ thể GLP-1 và loại Insulin tác dụng nhanh. Đối với đái tháo đường tuýp 1, thuốc Tresiba bắt buộc phải phối hợp điều trị với một loại Insulin tác dụng ngắn/tác dụng nhanh để đáp ứng nhu cầu của cơ thể liên quan đến các bữa ăn.

Liều dùng của thuốc Tresiba tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể. Các chuyên gia khuyến cáo cần tối ưu hóa kiểm soát glucose huyết bằng cách điều chỉnh liều Tresiba theo chỉ số glucose huyết lúc đói. Lưu ý: Quá trình điều chỉnh liều Tresiba cần lưu ý đến các yếu tố khác như mức độ hoạt động thể lực, chế độ ăn thường ngày hoặc đang đồng mắc các bệnh lý khác.

Liều dùng thuốc Tresiba khuyến cáo như sau:

  • Khởi đầu:
    • Đái tháo đường tuýp 2: Liều khởi đầu khuyến cáo là 10 đơn vị, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của bệnh nhân;
    • Đái tháo đường tuýp 1: Tresiba được tiêm 1 lần mỗi ngày kèm theo Insulin tác dụng nhanh sau bữa ăn và điều chỉnh ở từng bệnh nhân cụ thể;
  • Bệnh nhân chuyển sang sử dụng Tresiba từ những Insulin khác: Khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ glucose huyết trong thời gian chuyển đổi và những tuần sau đó. Một số trường hợp cần thiết phải điều chỉnh liều và thời gian dùng Tresiba cũng như các Insulin tác dụng nhanh, Insulin tác dụng ngắn hoặc thuốc uống điều trị đái tháo đường khác:
    • Đái tháo đường tuýp 2: Bệnh nhân đang dùng liệu pháp Insulin nền 1 lần/ngày cần thay đổi sang Tresiba có thể chuyển liều tương đương, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng cụ thể của người bệnh. Việc giảm 20% liều dựa trên liều insulin nền trước đó tùy thuộc từng bệnh nhân và được cân nhắc khi: Từ insulin nền 2 lần/ngày hoặc từ insulin glargine (300 đơn vị/ml) chuyển sang bút tiêm Tresiba;
    • Đái tháo đường tuýp 1: Việc giảm 20% liều Tresiba dựa trên liều insulin nền trước đó hoặc thành phần nền của chế độ liều truyền insulin dưới da liên tục và xem xét điều chỉnh theo đáp ứng của từng bệnh nhân cụ thể;
  • Sử dụng Tresiba kết hợp với đồng vận thụ thể GLP-1 ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2: Khuyến cáo liều khởi đầu là 10 đơn vị mỗi ngày và điều chỉnh liều theo từng bệnh nhân. Trường hợp sử dụng thêm đồng vận thụ thể GLP-1 cho bệnh nhân đang sử dụng Tresiba, khuyến cáo giảm 20% liều Tresiba ban đầu để hạn chế tác dụng phụ gây hạ đường huyết.

Liều dùng thuốc Tresiba cho những trường hợp đặc biệt:

  • Người ≥ 65 tuổi: Tresiba có thể sử dụng ở đối tượng này nhưng cần tăng cường xét nghiệm glucose huyết và điều chỉnh phù hợp;
  • Suy thận, suy gan: Tresiba có thể được sử dụng ở bệnh nhân suy thận và/hoặc suy gan. Tuy nhiên cần chú ý theo dõi glucose huyết để điều chỉnh liều;
  • Trẻ em: Tresiba được khuyến cáo có thể sử dụng cho thanh thiếu niên và trẻ 1 tuổi trở lên.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tresiba

  • Phản ứng dị ứng: Thuốc Tresiba đã được báo cáo hiếm gặp khả năng gây quá mẫn và nổi mề đay;
  • Hạ đường huyết: Có thể xảy ra khi dùng các chế phẩm Insulin, bao gồm Tresiba, liều quá cao so với nhu cầu. Hạ đường huyết nặng sẽ dẫn đến bất tỉnh và/hoặc co giật, dẫn đến suy chức năng não bộ tạm thời/vĩnh viễn hoặc thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời;
  • Loạn dưỡng mỡ, bao gồm phì đại mô mỡ và teo mô mỡ, có thể xảy ra tại vị trí tiêm Tresiba. Do đó cần thay đổi liên tục vị trí tiêm trong cùng một vùng tiêm để hạn chế nguy cơ này;
  • Phản ứng tại chỗ, bao gồm tụ máu, đau, xuất huyết, nổi ban đỏ, xuất hiện cục u nhỏ, sưng, đổi màu da, ngứa, cảm giác nóng và có khối tại chỗ tiêm... có thể xảy ra ở những bệnh nhân điều trị bằng Tresiba. Tuy nhiên những phản ứng này thường nhẹ, chỉ xảy ra thoáng qua và sẽ mất đi khi bệnh nhân tiếp tục điều trị;
  • Nhóm bệnh nhân nhi: Tần suất, loại và mức độ nghiêm trọng của các phản ứng có hại liên quan đến thuốc Tresiba ở nhóm bệnh nhân nhi không cho thấy sự khác biệt so với nhóm bệnh nhân đái tháo đường chung;
  • Các nhóm bệnh nhân đặc biệt khác: Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng, tần suất, loại và độ nặng của các phản ứng phụ d Tresiba quan sát được ở bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân suy thận hoặc suy gan không cho thấy bất kỳ sự khác biệt rõ rệt nào so với dân số chung.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tresiba

Nguy cơ hạ đường huyết:

  • Bệnh nhân bỏ một bữa ăn hay luyện tập thể lực gắng sức không có kế hoạch có thể dẫn đến hạ đường huyết trong thời gian sử dụng bút tiêm Tresiba;
  • Hạ đường huyết xảy ra khi liều Tresiba quá cao so với nhu cầu insulin của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, Tresiba cần được điều chỉnh phù hợp với lượng thức ăn nạp vào cũng như kiểm soát hoạt động thể lực để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết;
  • Một số bệnh lý đi kèm, đặc biệt lad nhiễm trùng và sốt cao, thường làm tăng nhu cầu Insulin của bệnh nhân. Ngoài ra, một số bệnh đi kèm như suy thận, suy gan hoặc suy tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc tuyến giáp đều đòi hỏi thay đổi liều Insulin như Tresiba.

Tăng đường huyết: Khuyến cáo sử dụng Insulin tác dụng nhanh, thay vì Tresiba, trong trường hợp tăng đường huyết nghiêm trọng. Tình trạng tăng đường huyết có thể do sử dụng Insulin không đủ liều và/hoặc không liên tục, hệ quả là tăng nguy cơ nhiễm toan ceton.

Kết hợp Tresiba với Thiazolidinedione: Đã có báo cáo về các trường hợp suy tim khi dùng Thiazolidinedione kết hợp với insulin, như thuốc Tresiba, đặc biệt ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tiến triển suy tim. Do đó cần thận trọng khi xem xét điều trị kết hợp Thiazolidinedione với Tresiba.

Biến chứng mắt: Liệu pháp Insulin tăng cường với sự cải thiện đột ngột về đường huyết có thể liên quan với biến chứng võng mạc do đái tháo đường có chiều hướng xấu đi tạm thời. Trong khi đó, việc cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết dài hạn sẽ làm giảm nguy cơ tiến triển biến chứng võng mạc do đái tháo đường.

Bệnh nhân phải được bác sĩ hướng dẫn kiểm tra Tresiba trước mỗi lần tiêm để tránh nhầm lẫn giữa 2 hàm lượng khác nhau. Bệnh nhân phải kiểm tra bằng mắt thường về số đơn vị đã xoay trên nấc đếm liều của bút tiêm Tresiba.

Những bệnh nhân bị mù hoặc giảm thị lực phải được hướng dẫn để luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ từ một người khác có thị lực tốt và được huấn luyện sử dụng thuốc Tresiba.

Kháng thể kháng insulin: Sử dụng insulin như Tresiba có thể dẫn đến hình thành kháng thể kháng insulin. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sự hiện diện của kháng thể kháng Insulin đòi hỏi phải điều chỉnh liều Tresiba để kiểm soát tránh bị tăng hoặc hạ đường huyết.

Chưa có kinh nghiệm lâm sàng về việc sử dụng Tresiba ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật không ghi nhận bất kỳ sự khác biệt nào giữa Insulin degludec trong bút tiêm Tresiba và Insulin người về độc tính với phôi và gây quái thai. Nhu cầu về Insulin thường giảm trong 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó tăng lên trong 3 tháng và 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh, nhu cầu Insulin sẽ nhanh chóng trở lại các trị số ban đầu (lúc trước khi có thai).

Chưa có kinh nghiệm lâm sàng về việc sử dụng Tresiba trong khi đang cho con bú. Ở chuột cống, Insulin degludec được bài tiết vào sữa chuột, tuy nhiên nồng độ trong sữa sẽ thấp hơn nhiều so với trong huyết tương. Chưa rõ Tresiba có được bài tiết vào sữa mẹ hay không.

Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể bị suy giảm do hậu quả của hạ đường huyết khi dùng quá liều thuốc Tresiba. Việc này có thể gây ra nguy hiểm nếu bệnh nhân làm những việc cần tầm nhìn tốt.

5. Tương tác thuốc của Tresiba

Những thuốc sau đây có thể làm giảm nhu cầu sử dụng Tresiba: Các thuốc uống điều trị đái tháo đường, đồng vận thụ thể GLP-1, ức chế monoamine oxidase (MAOI), chẹn beta, ức chế men chuyển (ACE), salicylate, các steroid đồng hóa và sulfonamide.

Những thuốc sau đây có thể làm tăng nhu cầu sử dụng bút tiêm Tresiba: Thuốc tránh thai uống, Thiazide, Glucocorticoid, Hormone giáp, thuốc cường giao cảm, hormone tăng trưởng và Danazol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan