Thuốc Bivigam: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Bivigam là loại thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Vậy để thuốc đạt hiệu quả, trong quá trình sử dụng chúng ta cần lưu ý vấn đề gì?

1. Bivigam có công dụng gì?

Thuốc Bivigam được sử dụng để tăng cường hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể (hệ miễn dịch). Từ đó, thuốc giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở những người bị suy yếu hệ miễn dịch.

Bivigam là loại thuốc được làm từ máu của người khỏe mạnh, có hàm lượng cao các chất kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, cũng được sử dụng để làm tăng số lượng tiểu cầu ở những người bị rối loạn máu (xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn).

2. Cách sử dụng thuốc Bivigam

Thuốc Bivigam được dùng bằng đường tiêm dưới da hoặc truyền chậm vào tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ bắt đầu dùng thuốc từ từ trong khi theo dõi bệnh nhân. Nếu người bệnh có ít hoặc không có tác dụng phụ, thuốc sẽ được đưa vào cơ thể nhanh hơn.

Trường hợp người bệnh gặp các tác dụng phụ như đỏ da, ớn lạnh, chuột rút, đau lưng, đau khớp, sốt, buồn nôn, nôn mửa hoặc khó thở,... cần phải ngừng truyền hoặc truyền chậm hơn. Liều lượng và tần suất sử dụng thuốc tùy thuộc vào cân nặng, tình trạng sức khỏe và phản ứng với thuốc của bệnh nhân. Sử dụng thuốc thường xuyên để thu được nhiều lợi ích nhất.

Trong trường hợp tự dùng thuốc ở nhà, người bệnh cần được hướng dẫn chi tiết bởi các bác sĩ. Trước khi sử dụng, bệnh nhân nên kiểm tra sản phẩm bằng mắt thường để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào không. Đồng thời, cần tìm hiểu cách bảo quản, loại bỏ thuốc một cách an toàn.

3. Tác dụng phụ của thuốc Bivigam khi dùng

Bệnh nhân điều trị bằng thuốc Bivigam có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Đỏ da, nhức đầu, chóng mặt, ớn lạnh, chuột rút, đau lưng, đau khớp, sốt, buồn nôn hoặc nôn ói
  • Tại chỗ tiêm có thể bị đau, đỏ hoặc sưng
  • Thuốc có thể làm tăng huyết áp
  • Dễ chảy máu, bầm tím, ngất xỉu, tim đập nhanh hoặc không đều, mệt mỏi bất thường. Đây là những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc
Bầm tím
Thuốc Bivigam có thể gây tác dụng phụ như bầm tím và dễ chảy máu

  • Nhiễm trùng: Đau họng, sốt dai dẳng, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu
  • Viêm não sau khi dùng thuốc khoảng vài giờ tới 2 ngày. Các biểu hiện gồm đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn ngủ, sốt cao, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt hoặc buồn nôn, nôn ói dữ dội
  • Các vấn đề về phổi có thể xảy ra sau khi dùng thuốc 1 - 6 giờ
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Phát ban, ngứa, sưng (ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở,...
  • Thuốc có thể gây ra các vấn đề về thận nghiêm trọng. Nguy cơ cao hơn ở bệnh nhân mắc bệnh thận, tiểu đường, nhiễm trùng huyết, mắc một số bệnh lý về máu, bị mất nước, người trên 65 tuổi hoặc đang dùng các loại thuốc khác gây hại cho thận
  • Thuốc có thể gây ra cục máu đông dẫn tới thuyên tắc phổi, đột quỵ, đau tim, huyết khối tĩnh mạch sâu,... Nguy cơ cao hơn ở bệnh nhân là người lớn tuổi, bị mất nước nghiêm trọng, đặt ống thông trong tĩnh mạch gần tim, có tiền sử đông máu, mắc bệnh tim, bệnh mạch máu, suy tim, đột quỵ hoặc người đang bất động, đang sử dụng các sản phẩm bổ sung estrogen.

Trên đây không phải là toàn bộ các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi dùng thuốc. Khi gặp các tác dụng phụ này hoặc những phản ứng khác, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp, xử trí kịp thời.

4. Phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc Bivigam

Trước khi sử dụng thuốc Bivigam, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những lợi ích, rủi ro của việc dùng thuốc. Nếu mắc các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về hệ thống miễn dịch, tiểu đường, cao huyết áp, chứng đau nửa đầu, nhiễm trùng máu, bệnh thận, mất nước nghiêm trọng,... bệnh nhân cũng cần báo ngay cho bác sĩ. Người bị bệnh thận hoặc cục máu đông có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách truyền thuốc chậm hơn hoặc dùng liều lượng thấp hơn, uống đủ nước trước khi dùng thuốc,...

Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc, dị ứng với các sản phẩm immunoglobulin khác hoặc bất kỳ phản ứng dị ứng nào khác. Thông báo cho bác sĩ nếu người bệnh vừa hoặc sắp tiêm chủng, vì thuốc có thể gây ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng của cơ thể với một số loại vắc-xin.

Thuốc có thể gây chóng mặt nên không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất kỳ điều gì cần sự tỉnh táo cho tới khi người bệnh có thể thực hiện những công việc đó một cách an toàn

Báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, cần có chỉ định của bác sĩ.

Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào: Tăng cân đột ngột, sưng bàn tay/mắt cá chân/bàn chân, thay đổi lượng hoặc màu sắc nước tiểu, nước tiểu có bọt, khó thở, thở nhanh, tức ngực, đau hàm, đau cánh tay trái, đổ mồ hôi bất thường, chóng mặt, ngất xỉu, đau hoặc sưng nóng ở cánh tay hoặc chân, đau đầu đột ngột hoặc dữ dội, khó phát âm, yếu một bên cơ thể, thay đổi thị lực đột ngột, lú lẫn.

5. Tương tác thuốc Bivigam

Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc Bivigam gồm: Các thuốc có thể gây hại cho thận như gentamicin, thuốc lợi tiểu như furosemide. Thuốc Bivigam có thể tác động tới một số xét nghiệm như xét nghiệm lượng đường trong máu, nhóm máu, có thể dẫn đến sai kết quả xét nghiệm. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ về việc sử dụng thuốc Bivigam, loại que thử đường huyết mình đang sử dụng.

Tương tác thuốc 1
Thuốc Bivigam có thể tương tác với một số loại thuốc khác

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc

  • Quá liều: Nếu sử dụng thuốc quá liều và có những triệu chứng nghiêm trọng như ngất hoặc khó thở, cần gọi cấp cứu ngay
  • Quên 1 liều: Nếu bỏ quên một liều, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết thời điểm dùng liều thuốc mới, không dùng gấp đôi liều đã quy định.
  • Các xét nghiệm như: Xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm chức năng gan, thận, lượng nước tiểu, huyết áp,... nên thực hiện trước khi bắt đầu và trong quá trình sử dụng thuốc Bivigam
  • Bảo quản: Tham khảo hướng dẫn của bác sĩ về cách bảo quản. Cần giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và phạm vi hoạt động của vật nuôi. Khi thuốc hết hạn hoặc không cần dùng đến, cần loại bỏ đúng cách.

Để tránh gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng, trước khi dùng thuốc Bivigam, người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, các loại thuốc mình đang sử dụng,... Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ đúng quy định của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng thuốc. Nếu có các phản ứng bất lợi nên báo ngay cho bác sĩ để kịp thời can thiệp, xử trí.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

214 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan