Tìm hiểu về thuốc Acetylcystein tiêm tĩnh mạch

Thuốc Acetylcystein tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong điều trị ở người bệnh dùng quá liều paracetamol có khả năng gây hại cho gan. Cùng tìm hiểu về các lưu ý khi sử dụng thuốc Acetylcystein qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng

Thuốc Acetylcystein tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong điều trị ở người bệnh dùng quá liều paracetamol có khả năng gây hại cho gan, cụ thể như sau:

  • Người bệnh dùng quá liều thuốc paracetamol một cách đáng kể, trong đó thuốc được uống trong khoảng thời gian 1 giờ trở lên;
  • Người bệnh có bất kỳ nghi ngờ nào về triệu chứng quá liều khi dùng paracetamol, không phân biệt nồng độ trong thuốc là bao nhiêu.

2. Liều dùng và cách dùng

2.1. Liều dùng

Thuốc Acetylcystein tiêm tĩnh mạch được sử dụng tốt nhất với dung dịch truyền là Glucose 5%, ngoài ra có thể sử dụng dung dịch Natri 0,9% trong trường hợp glucose 5% không phù hợp. Liều dùng thuốc sử dụng trong giải độc Paracetamol như sau:

Người trưởng thành:

  • Liều đầu tiên: Tiêm tĩnh mạch 150mg/kg cân nặng thuốc dưới dạng dung dịch 20% trong dịch truyền glucose 5%. Thời gian tiêm truyền 15 phút;
  • Liều thứ hai: Truyền tĩnh mạch nhỏ giọt 50mg/kg cân nặng trong 500ml dung dịch glucose 5% trong thời gian 4 giờ tiếp theo;
  • Liều thứ ba: Truyền tĩnh mạch nhỏ giọt 100mg/kg cân nặng trong 1 lít glucose 5% trong 16 giờ tiếp theo.

Tổng liều thuốc điều trị khoảng 300mg/kg cân nặng trong thời gian 21 giờ. Tiếp tục duy trì điều trị bằng thuốc (Liều dùng và tốc độ sử dụng như liều tiêm truyền thứ ba) phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của người bệnh. Đối với người bệnh béo phì nên sử dụng trọng lượng trần là 110kg để tính toán liều thuốc.

Trẻ em:

  • Liều dùng thuốc acetylcystein ở trẻ em tương tự như người trưởng thành. Tuy nhiên lượng dịch truyền sử dụng nên được tính toán phù hợp bởi quá tải lượng dịch truyền gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng;
  • Bơm tiêm bơm thuốc cần dùng loại thích hợp để đảm bảo liều thuốc chính xác.

2.2. Cách dùng

Acetylcystein tiêm tĩnh mạch được chỉ định bởi bác sĩ điều trị, toàn bộ quá trình tiêm thuốc được thực hiện bởi các nhân viên y tế. Quá trình chuẩn bị dung dịch tiêm truyền có thể được mô tả như sau:

  • Liều đầu tiên: Pha dung dịch thuốc 50mg/mL bằng cách pha loãng mỗi ống N – acetylcystein 10mL (nồng độ 200mg/mL) với 30ml glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%;;
  • Liều thứ hai và liều thứ ba: Pha dung dịch thuốc 6,25mg/mL bằng cách pha loãng mỗi ống N – acetylcystein 10mL với 310ml dung dịch glucose 5% hoặc natri 0,9%.

3. Tác dụng phụ

Thuốc acetylcystein tiêm tĩnh mạch có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Nôn, buồn nôn, đỏ bừng, phát ban da, sốt, cảm giác ấm áp, đỏ da, tức ngực, khó thở hoặc khó nuốt;
  • Ít phổ biến: Co thắt phế quản, phù mạch, suy hô hấp, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp...;
  • Các phản ứng bất lợi khác: Phản ứng tại chỗ tiêm, ho, ngứa, đau hoặc tức ngực, sưng bọng mắt, khó chịu, đổ mồ hôi, tăng nhiệt độ, giãn mạch, đau mắt, giảm tiểu cầu, lo lắng, đau khớp, co giật toàn thân, hạ ure máu...
  • Hạ kali máu và thay đổi điện tâm đồ đã được ghi nhận ở người bệnh ngộ độc paracetamol bất kể đã được điều trị bằng N – acetylcystein hay chưa.

Các phản ứng bất lợi khi điều trị bằng acetylcystein tiêm tĩnh mạch thường xảy ra trong khoảng 15 – 60 phút sau khi truyền và trong phần lớn các trường hợp, triệu chứng bất lợi mất đi khi ngưng truyền thuốc. Một số trường hợp có thể cần sử dụng thuốc kháng histamin, corticosteroid giúp kiểm soát các triệu chứng bất lợi. Tốc độ truyền thuốc trong các trường hợp này nên giảm xuống mức thấp nhất là 100mg/kg cân nặng trong 1 lít dung dịch, thời gian truyền trong 16 giờ.

4. Lưu ý khi sử dụng

Không có chống chỉ định khi sử dụng thuốc acetylcystein tiêm tĩnh mạch trong giải độc quá liều paracetamol.

N – acetylcystein tiêm tĩnh mạch nên được sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ gây độc cho gan. Thuốc được chỉ định giúp ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng do tổn thương gan. Hiệu quả của thuốc đạt được cao nhất khi sử dụng trong khoảng 8 – 10 giờ sau khi dùng quá liều thuốc paracetamol. Mặc dù hiệu quả có thể giảm sau 10 – 24 giờ sau khi uống quá liều paracetamol, nhưng thuốc vẫn nên được sử dụng đến 24 giờ bởi vẫn đem lại hiệu quả.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi điều trị bằng N – acetylcystein, đặc biệt là trong liều điều trị đầu tiên. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận ở giai đoạn này để nhận biết các dấu hiệu của phản ứng phản vệ, bao gồm nôn, buồn nôn, nổi mẩn ngứa, đỏ bừng da, nổi mày đay,.... Các phản ứng nghiêm trọng hơn có thể là co thắt phế quản, phù mạch, nhịp tim nhanh, suy hô hấp, hạ huyết áp...

Sự thay đổi trong các thông số cầm máu đã được chứng minh khi điều trị bằng thuốc acetylcystein tiêm tĩnh mạch như tăng thời gian prothrombin...

Thận trọng khi điều trị bằng thuốc ở trẻ em, người bệnh cần hạn chế chất lỏng, người bệnh nặng dưới 40kg bởi nguy cơ quá tải chất lỏng, dẫn đến hạ natri máu, co giật gây đe dọa đến tính mạng.

Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú: Chưa có nghiên cứu chứng minh độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên các kinh nghiệm trên lâm sàng chỉ ra rằng sử dụng thuốc acetylcystein tiêm tĩnh mạch để điều trị ngộ độc paracetamol ở phụ nữ đang mang thai là có hiệu quả. Vì vậy việc sử dụng thuốc ở các đối tượng này nên được cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan