Biến chứng của thận đa nang

Thận đa nang là căn bệnh thận nang di truyền thường gặp và tương đối nguy hiểm, có khả năng dẫn tới suy thận, ung thư thận, tuy nhiên cho đến nay bệnh thận đa nang vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

1. Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không?

Bệnh thận đa nang là bệnh di truyền và được chia làm 2 loại: di truyền theo tính trạng lặn (thường khởi phát ở tuổi thiếu niên) và di truyền theo tính trạng trội (thường khởi phát bệnh ở độ tuổi trung niên). Tuy nhiên, dấu hiệu khởi phát bệnh thường xuất hiện ở người lớn từ 30 - 40 tuổi, rất ít khi xuất hiện lúc bệnh nhân còn nhỏ. Do đó, những người trong gia đình có bệnh nhân thận đa nang cần được kiểm tra để đánh giá nguy cơ mắc bệnh, từ đó có hướng tư vấn hôn nhân và sinh con.

Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện và biến chứng của bệnh. Bệnh thận nang có thể kết hợp cùng với nang gan và bất thường tim mạch, dẫn tới suy thận giai đoạn cuối, một biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, việc hiểu biết dấu hiệu bệnh và biết cách đề phòng những biến chứng nguy hiểm là vô cùng quan trọng.

2. Dấu hiệu nhận biết thận đa nang

Bệnh thận đa nang được đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều nang ở cả hai quả thận. Triệu chứng ban đầu thường là không đặc hiệu, bệnh nhân tình cờ phát hiện được bệnh trong lần khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng. Một số bệnh nhân chỉ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khi nang đã lớn và kèm theo biến chứng. Có khoảng 20 - 30% tỷ lệ số bệnh nhân mắc thận đa nang được phát hiện tăng lên theo tuổi và kích cỡ của nang. Bệnh nhân có biểu hiện đau dưới hạ sườn phải hoặc đau vị trí 2 bên thận, đau âm ỉ, nặng tức. Ngoài ra, bệnh nhân mắc thận đa nang còn có dấu hiệu rối loạn tiểu tiện, có thể có nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng, gây tiểu buốt, tiểu rắt hoặc tiểu ra máu do nhiễm trùng nang hoặc xuất huyết nang hoặc do sỏi.

Thận đa nang có nguy hiểm không
Biểu hiện đau dưới hạ sườn

3. Thận đa nang gây nhiều biến chứng nguy hiểm

3.1. Suy thận

Bệnh thận đa nang nguy hiểm là do khả năng tiến triển thành suy thận. Đây là biến chứng bệnh thận đa nang thường gặp nhất. Tỷ lệ bệnh nhân có khả năng duy trì được chức năng thận (không cần phải lọc máu theo chu kỳ) đến tuổi 50 là 78%, đến tuổi 70 là 50%. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể sống bình thường đến tuổi 80 mà không phát hiện ra bệnh, khi tử vong được làm tử thiết mới tìm ra nguyên nhân thận đa nang.

Ngoài ra, biến chứng suy thận thường kết hợp thêm các triệu chứng lâm sàng như giảm khả năng cô đặc nước tiểu, thiếu máu, tăng acid uric trong máu.

3.2. Nhiễm khuẩn thận và đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn thận và đường tiểu thường là lý do khiến bệnh nhân phải nhập viện. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp hơn ở nữ giới. Nhiễm khuẩn thận hay xảy ra ở bệnh nhân suy thận và cả bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Đặc biệt, biến chứng nhiễm khuẩn thận có thể rất nguy hiểm, gây shock nhiễm khuẩn hoặc áp-xe quanh thận.

3.3. Xuất huyết trong nang

Xuất huyết trong nang gây tiểu ra máu đại thể, gặp với tỷ lệ 15 - 20% số bệnh nhân mắc thận đa nang, trong đó có xảy ra ít nhất một lần ở 30 - 50% số ca mắc. Tiểu ra máu đại thể thường xảy ra sau các chấn thương, kể cả trường hợp chấn thương nhẹ, nhưng cũng có thể xảy ra ngẫu nhiên. Tỷ lệ bệnh nhân mắc xuất huyết trong nang tăng theo mức độ to của thận. Nếu đường kính dọc của thận dưới 15 cm, khả năng xảy ra khoảng 14%, nếu đường kính dọc của thận trên 15 cm thì khả năng xảy ra có thể đạt tới 43%.

3.4. Tăng huyết áp

Bệnh thận đa nang có thể dẫn đến tăng huyết áp và sốt, thường xuất hiện kèm một số biến chứng khác như nhiễm trùng, sỏi thận, suy thận. Tình trạng tăng huyết áp có thể xảy ra sớm, với tỷ lệ biến chứng là 13 - 20% số bệnh nhân, ngay cả khi chưa có suy thận.

3.5. Sỏi thận

Sỏi thận thường xảy ra ở đối tượng bệnh nhân bị bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội (chiếm khoảng 11 - 34% số ca mắc). Tuy nhiên, đa số những trường hợp sỏi nhỏ trong thận lại thường không chẩn đoán được và bị bỏ qua. Tỷ lệ biến chứng sỏi thận là ngang nhau giữa nam và nữ, trong đó 50% bệnh nhân có sỏi thận không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

3.6. Ung thư thận

Gần 50% số bệnh nhân ung thư thận có liên quan đến bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội, chủ yếu là ung thư tế bào thận, một số ít trường hợp ung thư nhú thận. Lý do sinh ra tỷ lệ ung thư cao ở những bệnh nhân mắc bệnh này hiện chưa được biết. Việc chẩn đoán ung thư thận ở bệnh nhân thận đa nang gen thân trội thường dựa vào các triệu chứng bao gồm: Hồng cầu niệu, đau vùng thắt lưng, thận to, cùng với triệu chứng xuất huyết trong nang. Về phương tiện, chụp CT-scan hoặc MRI thận là hai phương pháp tốt nhất giúp chẩn đoán phân biệt biến chứng này.

Thận đa nang có nguy hiểm không
Hình ảnh thận đa nang và thận bình thường

3.7. Ảnh hưởng của thận đa nang đến các bộ phận khác

  • Gan: Khoảng 50% bệnh nhân mắc thận đa nang di truyền theo gen trội có xuất hiện nang ở gan. Tỷ lệ mắc nang gan thường tăng theo tuổi, nhiều hơn ở nữ giới, song tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối ở bệnh nhân nữ lại chậm hơn so với bệnh nhân nam.
  • Phình mạch trong sọ: Khi tiến hành chụp động mạch não của bệnh nhân thận đa nang, phát hiện khoảng 10 - 30% có phình mạch trong sọ.
  • Bất thường van tim: Bất thường ở van tim xuất hiện với 18% số ca mắc bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội.
  • Dấu hiệu bệnh ở các cơ quan khác: Nang có thể được tìm thấy ở một số cơ quan khác, đặc biệt là ở tụy và lách, tỉ lệ gặp tương ứng là 10% và 5%. Đôi khi, nang còn được phát hiện ở thực quản, niệu quản, buồng trứng và ở não. Tuy nhiên, khi nang xuất hiện ở các cơ quan trên, nhìn chung không gây ra triệu chứng lâm sàng.

Đối với những bệnh nhân mắc thận đa nang, việc dự phòng các biến chứng như nhiễm trùng tái phát, xuất huyết trong nang thận, sỏi thận để kéo dài diễn tiến suy thận là điều vô cùng cần thiết. Bệnh nhân cần tuân thủ liệu trình điều trị và tái khám theo đúng lịch hẹn. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ ăn, bổ sung nhiều rau quả, hạn chế muối, uống nhiều nước. Khi nhận thấy những biểu hiện bất thường hoặc dấu hiệu đau bụng trầm trọng, cần tiến hành thăm khám kịp thời.

4. Xét nghiệm L-FABP phát hiện sớm nguy cơ bệnh thận

Việc phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh thận có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Xét nghiệm nước tiểu L-FABP giúp kiểm tra chức năng thận, được chỉ định thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có biểu hiện rối loạn chức năng thận, ngoài ra còn dùng để theo dõi các biến chứng tại thận ở những đối tượng bệnh nhân bị đái tháo đường và tăng huyết áp.

Thận đa nang có nguy hiểm không
Với kỹ thuật L-FABP, bệnh nhân chỉ cần lấy nước tiểu xét nghiệm bất cứ lúc nào trong ngày, cho kết quả chính xác chỉ sau 30 phút.

Cho đến nay, Vinmec Times City là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam áp dụng xét nghiệm L-FABP nước tiểu theo công nghệ Nhật Bản trên máy xét nghiệm AU 680 tự động hiện đại, cho kết quả nhanh chóng và chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan